leftcenterrightdel
Yang Ren Rong từng là niềm tự hào của người dân ở quê khi là thủ khoa kỳ thi đại học tại huyện Nghi Hoàng, tỉnh Giang Tây. Ảnh: Sohu. 

 

Yang Ren Rong sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông bình thường ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Yang là con trai duy nhất trong nhà, nên dù gia cảnh nghèo khó, cha mẹ Yang vẫn dốc hết sức để nuôi con trai ăn học thành tài.

Ngay từ nhỏ, Yang đã bộc lộ khả năng học tập xuất sắc của mình khi luôn giành vị trí đứng đầu lớp trong mọi kỳ thi.

Niềm tự hào của cả dòng họ

 Vì có năng khiếu các môn tự nhiên, Yang được trường cử đi tham gia các cuộc thi Toán học, Vật lý và hầu như lần nào cũng giành kết quả tốt. Điều này khiến giáo viên ở trường rất tự hào về cậu học trò nghèo nhưng có tinh thần vượt khó này.

Hầu hết người thân trong dòng họ của Yang đều chỉ học hết cấp 3. Vì vậy, đứa trẻ có thành tích xuất sắc như Yang càng được kỳ vọng trở thành chỗ dựa vững chắc cho gia đình trong tương lai.

Năm 2003, Yang tham gia kỳ thi đại học và đạt số điểm 570/750, trở thành thủ khoa của huyện Nghi Hoàng, tỉnh Giang Tây, thành công được nhận vào Đại học Hàng không và Vũ trụ Bắc Kinh.

Ngay sau khi kết quả được công bố, người dân trong vùng đều cảm thấy rất bất ngờ. Đối với người dân ở vùng quê hẻo lánh này, việc Yang đỗ vào một trường đại học hàng đầu như vậy là sự kiện rất trọng đại.

Cha mẹ của Yang thậm chí còn bán cả bò trong nhà để mở tiệc chiêu đãi người dân trong thôn.

Tuy nhiên, Yang không hài lòng với số điểm mà mình đạt được, bởi số điểm đó không đủ để đỗ vào khoa Vật lý của Đại học Thanh Hoa mà Yang đã mơ ước từ lâu.

Gánh trên vai kỳ vọng của cả gia đình khiến Yang không còn lựa chọn nào khác, đành "nhắm mắt đưa chân" lựa chọn chuyên ngành Chế tạo máy bay của Đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh.

Bỏ dở chuyên ngành giữa chừng vì chán nản

 Vật lý vốn là môn học yêu thích của Yang. Khi theo học chuyên ngành Chế tạo máy bay, việc ngày nào cũng phải vật lộn với những bản vẽ khiến Yang cảm thấy chán nản và kiệt quệ vì áp lực học tập.

Việc học đối với Yang giống như một cực hình. Ban đầu, Yang còn ép bản thân vào khuôn khổ. Nhưng lâu dần, Yang bắt đầu trốn học, không nghe giảng, không xem lại bài, chỉ đến sát ngày thi mới bắt đầu ôn luyện qua loa cho đủ điểm qua môn.

Tuy nhiên, càng học lên cao, kiến thức chuyên ngành càng nhiều, trượt môn trở thành chuyện như cơm bữa. Cho đến năm thứ 4, việc thi trượt môn Vật lý mà bản thân từng rất tự hào giống như giọt nước tràn ly khiến lòng tự tôn của Yang hoàn toàn sụp đổ.

Giáo viên trao đổi với Yang, chỉ cần nam sinh tham gia thi lại chắc chắn có thể qua môn. Vì đó là môn bắt buộc cuối cùng trước khi tốt nghiệp, các giáo viên đa phần đều chấm bài nhẹ tay.

Tuy nhiên, Yang lựa chọn từ bỏ chuyên ngành, rời khỏi trường học khi chưa lấy được bằng tốt nghiệp. Trong thời gian chờ tìm được việc làm, Yang chỉ đành báo tin về quê, lấy lý do muốn học lên thạc sĩ để mượn của bố mẹ 5.000 nhân dân tệ.

Dù Yang Ren Rong nộp đơn xin việc ở rất nhiều công ty, tất cả đều từ chối vì Yang chưa có bằng tốt nghiệp trong tay. Không có công ăn việc làm, Yang lang thang khắp Bắc Kinh, làm những công việc chân tay để kiếm tiền sống qua ngày.

Cha mẹ Yang ở quê không hề biết sự thật. Họ vẫn tin vào lời nói dối rằng con trai mình đang làm việc ở một doanh nghiệp nhà nước nào đó. Năm 2008, cha của Yang bỗng dưng nhận được điện thoại từ nhiều ngân hàng thông báo về các khoản nợ của Yang.

Cha mẹ nam sinh thủ khoa năm nào lúc này mới ngã ngửa, gom góp tiền khắp nơi để trả nợ, sau đó vội vàng đến Bắc Kinh tìm con trai. Đến nơi, cả hai mới biết con trai chưa lấy được bằng tốt nghiệp, không có việc làm, sống chen chúc trong một căn phòng thuê chật chội cùng ba người khác.

leftcenterrightdel
 Yang bỏ nhà ra đi gần 10 năm và chỉ trở lại khi biết tin mẹ từ chối điều trị bệnh ung thư. Ảnh: Sohu.

Cắt đứt liên lạc với gia đình suốt 9 năm

Đối diện với sự tức giận của cha mẹ, Yang chỉ đành hứa hẹn với hai người họ sẽ tiếp tục tìm việc làm để bố mẹ yên tâm về quê. Tuy nhiên, một thời gian sau đó, cha mẹ Yang bất ngờ nhận được tin nhắn từ một số lạ có nội dung như sau: “Con ở Bắc Kinh rất ổn, đừng lo cho con”.

Cảm thấy lạ, cha mẹ Yang đã lên đường đến Bắc Kinh ngay hôm sau đó, nhưng lần này họ không tìm thấy Yang. Họ thậm chí đã báo cảnh sát, dán thông báo tìm người khắp nơi nhưng vẫn không nhận được tin tức gì về con trai.

Suốt những năm sau đó, cha mẹ Yang không từ bỏ hy vọng. Mỗi năm, hai vợ chồng đều đến Bắc Kinh để nghe ngóng tin tức nhưng đều bặt vô âm tín.

Cho đến khi mẹ của Yang bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư, vì quá tuyệt vọng, bà thậm chí đã từ chối việc điều trị. Mong ước cuối cùng của bà là được nhìn thấy con trai quay về. Sau khi bàn bạc, gia đình quyết định liên hệ với các phóng viên để đưa tin tìm Yang qua các phương tiện truyền thông.

Năm 2018, gần 10 năm kể từ ngày biến mất, Yang đã trở về quê nhà để thăm mẹ. Yang thú nhận bản thân những năm qua đã lang thang ở nhiều nơi, chỉ có thể làm các công việc chân tay thu nhập thấp vì không được công ty nào tuyển dụng.

Do quá hổ thẹn với gia đình, Yang đã không dám liên lạc với cha mẹ. Sau khi thấy được tin tức trên các phương tiện truyền thông, Yang đã ngay lập tức trở về để động viên mẹ tiếp nhận điều trị.

Theo zingnews