Những hình ảnh rách miệng, vết thương sâu, dài trên má, vết hằn do cứa cổ không thành của Hằng Du Mục (tên thật là Nguyễn Thái Hằng, sinh năm 1995, một TikToker nổi tiếng) khiến cộng đồng mạng xót xa.
leftcenterrightdel
 Hình ảnh Hằng Du Mục bị bạo hành trên trang cá nhân của cô

Theo chia sẻ của Hằng, cô đã nhẫn nhịn suốt nhiều năm và quay trở lại Trung Quốc để tìm kiếm chứng cớ bạo hành, giành quyền nuôi con. 2 con trai riêng của chồng Hằng - đã lao vào cứu cô.

“Nghĩ đến cảnh lúc đó 2 anh em xông vào bảo vệ dì, Dịch Dương biết rõ chỉ lỡ 1 nhịp là dì cũng không còn mà quên thân lao vào khống chế, không quan tâm đến vũ khí trên tay bố nó là gì”, Hằng viết trên trang cá nhân.

Cô sẽ có được bằng chứng trước tòa nhờ sự liều lĩnh đấu với người chồng vũ phu. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Liệu may mắn có luôn xảy ra và nạn nhân có luôn giữ được mạng sống trước "con thú" dữ?

Mức độ vũ phu của Tôn Bằng - chồng Hằng Du Mục - là điều không cần bàn cãi. Lật lại những sự việc dẫn đến cuộc ẩu đả đỉnh điểm, anh ta không giấu việc từng nhiều lần ghen tuông, bạo lực. Anh ta không vui khi Hằng bỏ con mới hơn 2 tháng tuổi để đi livestreams, làm việc thân mật với một Vlogger nổi tiếng…

Tôn Bằng có lần bức xúc viết trên trang cá nhân: “Nhiều người cho rằng họ là bạn thân nhưng với tôi đó vẫn là một nam, một nữ. Tôi ghen, là vì tôi quan tâm đến cô ấy. Nhưng thật sự nếu đã hết tình cảm thì ly hôn chứ đừng làm vậy”.

Vợ chồng Hằng Du Mục từng chia sẻ nhiều câu chuyện ngọt ngào trước truyền thông (Ảnh: Internet)
Vợ chồng Hằng Du Mục từng chia sẻ nhiều câu chuyện ngọt ngào trước truyền thông (Ảnh: Internet)

Sau đó, vợ chồng Hằng Du Mục công khai xin lỗi nhau, quay về vun vén gia đình. Nhưng Hằng vẫn tiếp tục những công việc mà Tôn Bằng “ngứa mắt”. Dù chưa có kết luận từ cơ quan chức năng Trung Quốc về nguyên nhân dẫn đến trận tấn công vợ của Tôn Bằng là gì, nhưng nhiều chị em cẩn trọng nhắc nhau: “Lấy phải chồng điên thì đừng quậy cho nước đục!”

Lời nhắc này khiến tôi nhớ đến câu chuyện của cô bạn thân - một nạn nhân của bạo lực gia đình. Mỗi lần gặp nhau, bạn đều khóc thút thít kể chuyện bị chồng đánh.

Bạn kể: “Có hôm vừa về đến nhà, lão đã ngồi chờ sẵn ở chiếc ghế sofa, mặt hằm hằm lửa giận. Mình chưa kịp nói gì, chồng đã lao vào túm tóc và đánh. Lại có đêm, vợ chồng đang nói chuyện, lão liền quay sang tát. Lần tôi doạ ly hôn, chồng đứng chờ sẵn ở thang máy, vợ vừa mở cửa ra là cầm mũ bảo hiểm đánh tới tấp”.

Tận khi nằm trong bệnh viện vì chấn thương sọ não, cha mẹ đến khóc lóc và bắt ly hôn, cô bạn tôi mới quyết định làm hồ sơ khởi kiện ly hôn. Là bạn thân nên tôi hiểu, cô ấy chấp nhận bị bạo hành là do cũng có lỗi khi bỏ bê cơm nước, con cái, bận rộn theo lớp học kinh doanh đa cấp, ăn mặc quá sexy. Chồng bạn đã "cảnh cáo" nhiều lần nhưng bạn vẫn bỏ ngoài tai.

Bạn tuyên bố hôn nhân không thể giết chết đam mê, chỉ tiền bạc mới mang lại hạnh phúc. Chúng tôi nhiều lần khuyên bạn đừng "chọc điên hổ dữ". Nhưng bạn nói: “Vì sao chồng không thay đổi mà mình phải thay đổi? Thời đại nào rồi mà chồng không thể tự lo cơm nước con, suốt ngày soi mói việc của vợ?”.

Tôi không biết thời đại đã phát triển đến mức nào. Tôi cũng không chấp nhận bạo lực, nhưng tôi nghĩ mỗi cá nhân cần nhận biết giới hạn của sự an toàn. Có những khi tôi tức giận hét to đến mức chói tai, và chồng tôi giơ tay lên… định đánh. May mắn là anh dừng tay được, và tôi biết rõ anh dừng tay do khi ấy tôi đã sợ hãi và im miệng. Nếu còn la hét, chắc chắn tôi đã bị đánh khá nhiều lần.

Một trong những biện pháp phòng chống bạo lực dành được chị em nhắc nhau trên các trang viết cho phụ nữ là: Tuyệt đối không tranh cãi khi đối phương say xỉn. Tôi nghĩ, cơn say được nhắc đến ở đây có thể là cơn say thể lý - tức là say do nồng độ cồn; nhưng cũng có thể hiểu là cơn say khi đang bừng bừng lửa giận, không phân biệt được phải trái.

Thông thường, người vợ biết rõ chồng có xu hướng bạo lực hay không, như trong bài viết “Một cái tát chấm dứt hôn nhân”, chị vợ biết cách bảo vệ mình an toàn chỉ sau một cú tát. Nhưng nhiều trường hợp, dù biết rõ chồng hung bạo, chị em vẫn không chấp nhận sự thật rằng một cái tát có thể dẫn đến nhiều cái tát, hoặc thậm chí là những trận đòn nguy hiểm tính mạng, và họ tiếp tục thách thức người chồng bạo lực.

Hôn nhân là một quá trình tương tác 2 chiều. Tôi nghĩ, mỗi người phải có trách nhiệm hạ cái tôi xuống để đạt được thỏa thuận chung. Trong nhiều trường hợp, đó còn là cách để bạn phòng tránh bạo lực, thậm chí là sống sót.

Theo phụ nữ TPHCM