Nữ tài xế công nghệ Phan Chi khiến đàn ông nể phục vì chạy xe doanh thu cao hơn cả tài xế nam - ẢNH: VŨ PHƯỢNG
Chị Trần Thị Phan Chi (quê Tiền Giang) cho biết, trước chị buôn bán giày dép mỗi tháng kiếm gần 30 triệu nuôi 3 con ăn học. Nhưng vừa mở vài tháng thì dịch ập đến, cửa hàng phải đóng cửa. Còn số nợ ngân hàng chưa trả hết, chị chuyển sang làm nữ tài xế Gojek để trang trải cuộc sống.
Để lại 3 đứa con để lao ra đường kiếm cơm
Chị Phan Chi nhận nuôi cả 3 đứa con sau khi cuộc hôn nhân đổ vỡ. Một mình chị lăn lộn kiếm sống. Công việc buôn bán mang lại thu nhập khá, chị đủ tiền lo cho các con ăn học. Tưởng đâu sẽ ổn định để chị lo cho các con nhưng dịch Covid-19 ập đến nên chị đành gửi các con về Tiền Giang nhờ ông bà ngoại chăm sóc, chị ở lại Sài Gòn đi làm nữ tài xế công nghệ Gojek.
Chị Chi chạy xe ôm công nghệ được hơn 1 năm - ẢNH: VŨ PHƯỢNG
Chị kể, ngày mới lao ra đường kiếm cơm bằng nghề xe ôm, chị không thể tránh được những cảm xúc tủi thân vì phải phơi mình dưới cái nắng gay gắt. Ngày nào chị cũng đi từ 6 giờ sáng, chạy suốt đến 11 – 12 giờ đêm mới nghỉ. “Mấy ngày đầu chạy về đến phòng trọ, nghỉ mệt xíu rồi đi tắm mà tôi không dám nhắm mắt, vì nhắm mắt sợ sẽ xỉu mất, cứ ráng gồng như thế. Dần dần khi quen rồi thì thấy không cực khổ nào có thể hạ gục được mình”, chị tâm sự.
Nhờ mở app thường xuyên và chạy đều như vậy nên mỗi ngày trừ chi phí chị vẫn dư được khoảng 500 ngàn đồng, ngày nào nhiều thì dư được 700 ngàn đồng. Thấy chị là tài xế nữ, nói chuyện dễ thương nên nhiều khách tip thêm số tiền lẻ của cuốc xe, đơn hàng. Số tiền này tuy không nhiều nhưng cộng lại vừa đủ để chị ăn uống hằng ngày, tích cóp trả ngân hàng và gửi về lo cho các con.
Sau một thời gian dài chạy Gojek, chị mới tham gia vào các nhóm cộng đồng tài xế. Từ đây, chị càng thêm yêu quý công việc của mình - ẢNH: VŨ PHƯỢNG
Hơn 1 năm trước, khi mới làm tài xế xe ôm công nghệ, chị Chi chạy độc lập, không tham gia quan hệ bất kỳ hội nhóm tài xế nào. Trưa đến, chị lủi thủi tạt vào công viên cầm hộp cơm hay ổ bánh mì ăn vội mà cũng không dám tắt app. “App mình đang nổ đơn đều nên mình sợ tắt sẽ bị gián đoạn, nhiều khi cắm mặt ăn hộp cơm ai đi ngang cũng nhìn, cơm đã khô lại càng thêm khô và cổ họng thì nghèn nghẹn nữa chứ, nhưng cứ tự nhủ vì các con mà phải cố gắng”, chị nhớ lại.
Nhưng nữ tài xế Gojek nhấn mạnh rằng chị rất yêu quý công việc này, tuy có cực khổ nhưng công việc cho chị thu nhập ổn định và nhiều niềm vui trong cuộc sống. Đôi lần bị khách “bom” đơn trà sữa, pizza chị thường gọi điện thoại báo công ty để nhờ hỗ trợ, nhưng cũng có khi để giải quyết nhanh thì chị mời đồng nghiệp cùng ăn luôn.
Nhờ công việc này, chị cũng tìm được một người bạn trai đồng cảm và chia sẻ mọi buồn vui trong cuộc sống - ẢNH: VŨ PHƯỢNG
Chị hạnh phúc nói: “Những dịp trước và sau Tết tôi hay được nhiều khách lì xì, tôi coi đó cũng như thưởng Tết vậy. Tôi cảm nhận được sự chia sẻ, tình người và có thêm động lực mạnh mẽ để tiếp tục theo nghề”.
Nữ tài xế Phan Chi cũng chia sẻ, từ trước tới nay chị không cho mình nhiều thời gian rảnh rỗi, phần vì muốn kiếm tiền, phần vì muốn lao vào việc để quên đi những nỗi lo và cảm giác nhớ con. Chị cũng như những nữ tài xế xa con khác, không dám gọi cho con vì nhớ. “Mỗi lần gọi nghe đứa này mẹ ơi, đứa kia mẹ ơi rồi thi nhau kể chuyện là tôi lại nhớ con vô cùng…”, giọng chị nghẹn lại, đôi mắt thoáng chốc bỗng đỏ hoe.
Chuyện tình xe ôm công nghệ
Sau nhiều tháng chạy xe trên đường, chị Phan Chi quen thêm nhiều đồng nghiệp tốt bụng, họ rủ cùng đi offline hội tài xế công nghệ để chia sẻ kinh nghiệm chạy xe và tìm cách hỗ trợ nhau. Tại đây, chị đã gặp và bắt chuyện với anh Trần Trung Hiếu (29 tuổi, quê Long An).
Qua nhiều lần nói chuyện, tìm hiểu, cả hai đến với nhau vì đồng cảm và chia sẻ được nhiều chuyện buồn vui trong nghề và cả trong cuộc sống. Theo lời chị Chi, chị từng nghĩ mình sẽ không đi bước nữa. Nhưng gặp anh Hiếu, thấy anh chịu khó và chia sẻ khiến chị có thêm động lực, chị Chi cũng dần mở lòng để anh hiểu hoàn cảnh của mình, rồi cả hai cứ vậy ở bên nhau.
Anh Hiếu tâm sự, từ ngày quen chị Chi anh cảm thấy cuộc sống của mình có trách nhiệm hơn - ẢNH: VŨ PHƯỢNG
PV hẹn gặp cả hai tại một quán cà phê giữa giờ nghỉ trưa, anh Hiếu luôn quan tâm, chăm sóc và nhìn bạn gái mình với ánh mắt yêu thương, động viên. Anh Hiếu kể: “Gia đình tôi thấy Chi chịu khó, thật thà nên ủng hộ. Ngày đầu gặp Chi tôi nể phục vì Chi là tài xế nữ mà chạy năng suất cao hơn cả đàn ông chúng tôi, một mình có thể gồng gánh mọi chuyện. Từ nể phục, tôi muốn chia sẻ, yêu thương bảo bọc người phụ nữ này”.
Anh Hiếu cũng thừa nhận, từ ngày gặp và yêu chị Chi, mỗi ngày anh cũng chạy 16 tiếng giống bạn gái. Trưa hay tối anh đều chủ động tắt app, hỏi bạn gái đang ở đâu để cùng nhau đi ăn, vì anh biết có một mình, chị Chi có thể mải nhận cuốc và sẽ lại bỏ bữa.
Sợ bạn gái bỏ bữa, tới giờ cơm anh thường chủ động tắt app để hẹn đi ăn cùng nhau - ẢNH: VŨ PHƯỢNG
Quay sang nhìn bạn trai, chị Phan Chi cũng kể, sáng nào cả hai cũng để báo thức 4 giờ sáng, rủ nhau cùng đi uống cà phê, ăn sáng rồi đúng 6 giờ mở app lên chạy. Yêu người đồng nghiệp khiến chị cảm nhận được sự đồng cảm về mọi mặt.
Cả hai đang cùng tham gia một nhóm cộng đồng tài xế Gojek Tân Phú trên Zalo. Mỗi khi có đồng nghiệp gặp sự cố, anh chị lại chia nhau chạy đến để hỗ trợ. Gần đây nhất là vụ một tài xế bị va quẹt phải cấp cứu ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định khi đang chở khách, cả hai đã vào bệnh viện, hỗ trợ khách báo tổng đài, chờ sơ cứu cho đồng nghiệp xong, người thì chở đồng nghiệp bị thương, người thì chạy xe về nhà giúp.
Những ngày như vậy tuy bị giảm thu nhập, nhưng cả hai đều thấy vui vì đã giúp được đồng nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ vậy, mỗi khi gia đình đồng nghiệp có người nằm viện hay tang gia, cả nhóm lại rủ nhau quyên góp mỗi người một ít để chia sẻ.
Anh Hiếu ga lăng, quan tâm bạn gái từng việc làm nhỏ nhất - ẢNH: VŨ PHƯỢNG
Kể về ngày 8.3 năm trước, chị Chi cho biết đó là ngày quốc tế phụ nữ đầu tiên chị chạy xe ngoài đường với vai trò là một tài xế xe ôm công nghệ. Thấy người ta bán hoa, gấu bông dọc đường nhiều, nhưng với chị mọi thứ đều bình thường vì kiếm tiền chăm con mới là quan trọng nhất. “Năm nay, có lẽ cũng y vậy. Giờ là nữ tài xế công nghệ, tôi chỉ mong lo kinh tế ổn xíu để có vốn quay trở lại kinh doanh, đón các con lên ở gần bên, nhưng sẽ vẫn sắp xếp để đi chạy xe vài tiếng trong ngày”, chị cười nói.
Vẫn thường đi làm và di chuyển bằng GoRide, chị Lý Vày Hầu, Giám đốc nhóm Chính sách hỗ trợ đối tác tài xế tại Gojek Việt Nam, cho biết “Tôi thực sự khâm phục các đối tác tài xế nữ, họ đang hoạt động trong môi trường có phần khắc nghiệt do phải chạy xe ngoài đường, chịu sự tác động trực tiếp của thời tiết, tình hình giao thông. Nhưng không vì thế mà họ lùi bước. Tôi đã từng gặp các đối tác nữ hoạt động cực kỳ chuyên nghiệp, vượt qua rất nhiều đồng nghiệp nam để trở thành các chiến binh ưu tú hàng đầu của Gojek với những thành tích đáng tự hào.”
Theo thanhnien