Phụ nữ luôn có quyền mưu cầu hạnh phúc sau những biến cố hôn nhân - Ảnh: VŨ THỦY

"Xã hội chúng ta lạ ghê. Tại sao phụ nữ cứ ly hôn là hết, là người có lỗi với cả thế gian, là không còn nghĩ đến mưu cầu hạnh phúc nữa? Tại sao lúc đám cưới thì mời tất cả mọi người đến mà ly hôn lại không một lời thông báo?" - đó là chia sẻ của một nữ doanh nhân đã ly hôn người chồng mà chị đã chung sống mấy chục năm. 

Chị đã gặp người chồng thứ hai và đang sống một cuộc sống mà với chị "như trong mơ".

Ly hôn là thất bại nhưng không có nghĩa là chấm hết

Đến bây giờ, rất nhiều người vẫn không biết chị 2 đời chồng. Khi chị đi cùng người chồng thứ hai, nhiều người vốn chỉ sơ giao, không biết rõ mặt chồng cũ của chị còn hỏi thăm bằng tên của anh, khiến tất cả bối rối.

"Tôi khuyên bạn bè nên thông báo ly hôn, để những người quen biết bạn bè không ái ngại khi đề cập đến chuyện chồng cũ", chị bày tỏ quan điểm.

Theo chị, điều này cũng giúp cho tâm lý phụ nữ sau ly hôn tốt hơn, đóng cánh cửa của quá khứ và rộng lòng đón nhận tương lai phía trước.

Đó cũng là cách để thông báo rằng "tôi đã độc thân, đã tự do", mở ra cánh cửa để phụ nữ gặp gỡ người mới, sống tiếp cuộc đời một cách vui vẻ.

"Phụ nữ ly hôn - mà nhất là phụ nữ ở tầm ngoài 50 tuổi - thường chịu rất nhiều áp lực. Chính bản thân tôi khi ly hôn cũng nghe đủ thứ điều không hay, thậm chí từ chính người chồng cũ của mình. Họ khiến tôi thậm chí nghĩ rằng tôi đã sai.

Họ bảo tôi, nghĩ sao ở tuổi này rồi mà dám ly hôn. Đàn ông 60 tuổi vẫn có thể tìm kiếm được các cô gái trẻ. Còn phụ nữ 50 tuổi, có chăng đi nữa thì chỉ trai bao...

Họ đâu biết quan điểm này chính là điều chi phối thái độ sống của họ trong gia đình. Họ không hề biết trân trọng người phụ nữ bao nhiêu năm bên cạnh mình. Và hậu quả là chia tay", chị chia sẻ.

Xã hội kìm kẹp và phụ nữ cũng tự nghĩ mình sai

Đó chính là câu chuyện đã xảy ra với một người phụ nữ đã từng có một cuộc hôn nhân được xem là "hình mẫu", là lý tưởng với người ngoài, một cặp đôi hạnh phúc, "song kiếm hợp bích" trên thương trường.

Trong mắt người khác, chị đã luôn là một người phụ nữ thành đạt, giỏi giang, một cô tiểu thư đã sớm rời bỏ gia đình để xây dựng sự nghiệp riêng, đã thành công khi còn trẻ, được xem là hình mẫu trong đại gia đình cả về sự nghiệp lẫn hạnh phúc hôn nhân.

Vì cái danh đó, trước khi ly hôn, anh chị đã mất tới 3 năm sống ly thân để cố gắng níu giữ mọi thứ, đi du lịch cùng nhau. Thậm chí chị đã nghĩ đến việc thay đổi công việc, chuyển sang nước ngoài sinh sống để chồng bỏ đi mặc cảm bị lấn át bởi thành công của vợ.

"Tôi đã luôn là người phụ nữ tứ thân phụ mẫu, tề gia nội trợ, vừa làm ăn kinh doanh vừa cơm bưng nước rót cho chồng. Nhiều khi tôi đang họp với đối tác nhưng chồng gọi điện cằn nhằn: Đang ở đâu? Sao giờ còn chưa nấu cơm tối?.

Lỗi là do tôi. Tôi đã luôn làm vai trò ấy một cách thuần thục đến nỗi anh coi việc đó là hiển nhiên, là nghĩa vụ, trách nhiệm của phụ nữ, và không hề biết trân trọng.

Hơn nữa, nhiều người đàn ông cũng cho rằng phụ nữ không dám ly hôn. Ly hôn thì sẽ bị chê cười, nghĩa là chấm hết với phụ nữ, nên họ càng không ý thức được là mình sai", chị chia sẻ.

Chọn ly hôn như là một lối thoát sau tất cả mọi nỗ lực, nhưng sau khi ly hôn, chị đã chịu vô vàn thứ áp lực. "Với mẹ tôi, đó như thể tin sét đánh, như trời sập trong khi bản thân tôi thực sự không nghĩ đến mức như vậy.

Mình thừa nhận ly hôn là một thất bại, chẳng phải điều hay ho gì nhưng cũng không phải là nỗi tủi nhục. Phụ nữ có quyền sống hạnh phúc, có quyền sống tiếp một cách vui vẻ, hạnh phúc sau ly hôn", chị quan niệm.

Theo tuoitre