Mẹ tôi mất khi tôi còn nhỏ lắm. Ba tôi gà trống nuôi 2 anh em tôi khôn lớn. 25 tuổi tôi lập gia đình, khi ấy vợ tôi mới vừa 20.
Vợ chồng chúng tôi đều là công nhân ở một tổ hợp mành trúc. Vợ cấn thai cháu đầu lòng thì tổ hợp giải thể. Thất nghiệp, tôi đi làm thợ hồ. Trong một lần chủ quan, tôi và một người thợ nữa bị tai nạn lao động rơi xuống đất khi đứng trên giàn giáo, do bức tường mới xây xi măng còn ướt không giữ nổi giàn giáo. Người đồng nghiệp bị chấn thương đầu, tôi may mắn hơn, chỉ gãy tay. Năm đó, cháu Hưng mới biết đi lẫm chẫm và chúng tôi chuẩn bị sinh cháu cháu thứ hai.
|
|
Con cái càng lớn, cái gánh của vợ càng nặng (ảnh minh họa) |
Họa vô đơn chí, khó khăn chồng chất khó khăn, cũng năm đó, trong một lần nhồi máu cơ tim, ba tôi nằm liệt. Để duy trì cuộc sống, tôi phải đi bán vé số. Vợ tôi một nách 2 con nhỏ, vừa chăm sóc ba tôi vừa mở hàng bán xôi buổi sáng trước nhà.
Chúng tôi phải chạy ăn từng bữa. Một ngày vợ bán hết nồi xôi, tôi bán hết tập vé số mới biết mình sẽ tồn tại đến hôm sau. Khổ nhất là những tháng mùa mưa, đến chiều tối mà tập vé số vẫn còn nhiều, coi như ngày hôm sau cháo thay cơm. Cũng có những hôm xôi ế, cả nhà phải ăn xôi trừ cơm. Cháu thứ ba ra đời tiếp theo nữa trong một hoàn cảnh khó khăn như vậy. Thế nhưng, vợ quyết tâm vượt khó: buổi sáng bán xôi, buổi chiều vợ và em gái tôi nhận làm chăn bông. Loay hoay cả ngày từ 3 giờ sáng, xong xuôi cơm nước buổi trưa cho cả nhà, 2 chị em bắt đầu những công việc như phơi bông, trải bông rồi may tay, mải miết cho đến chiều tối.
Hoạn nạn vẫn chưa thôi đeo bám chúng tôi. Những năm tháng ăn uống kham khổ và lao lực khiến tôi nhiễm bệnh lao, phải nghỉ bán vé số tập trung vào chữa bệnh. Thuốc trị bệnh này hồi ấy được phát không, có điều phải chú ý chế độ ăn uống và cách ly. Một mình vợ vừa chăm ba tôi, vừa chăm sóc cho tôi, vừa cáng đáng kinh tế gia đình.
Làm chăn bông được một thời gian ngắn thì hết vì hàng, bán không được, vợ lại xoay qua may gia công mũ. Cũng vẫn những công việc tối mặt của một ngày, ăn bữa nay, lo bữa mai, thêm thuốc thang cho hai người bệnh trong gia đình. Bây giờ nghĩ lại tôi không thể hiểu làm sao mà vợ chèo chống được qua những đoạn đời gian nan ấy.
Thời gian dần trôi, lay lắt cũng qua ngày đoạn tháng. Ba tôi qua đời năm bé Út vào lớp Một. Bệnh tình tôi lần hồi thuyên giảm. Em gái tôi xin được làm công nhân nhà máy dệt.
Tạm ổn một thời gian, khó khăn lại bắt đầu khi con trai đầu của tôi đậu đại học. Nhờ đồng vốn vay xoá đói giảm nghèo của phường mà con tôi mới có điều kiện đến trường. Vợ lại tích cực làm việc, từ sáng đến tối, hết buông cái này lại bắt cái kia. Sức khoẻ không cho phép tôi làm những công việc nặng nhọc, chỉ phụ được với em những công việc lặt vặt như nhóm lửa, nấu nước, dọn hàng hay đi lấy vải, chỉ, giao hàng…
Con cái càng lớn, thời gian dành để ngủ nghỉ đối với vợ càng thu hẹp. Vợ co kéo thu vén trong số tiền kiếm được ít ỏi để lo cho các cháu ăn, học. Cháu thứ hai vào đại học, chúng tôi lại vay tiếp thêm đồng vốn của Hội Phụ nữ để lo cho cháu đến trường. Đến lượt em gái tôi lập gia đình, rồi sinh con… cũng một tay vợ tôi lo liệu, từ chăm nom ở bệnh viện cho đến nuôi đủ ngày đủ tháng mới về lại nhà chồng.
Cháu Hưng con trai đầu của tôi ra trường xin được việc làm trong một nhà máy dệt. Cháu Thuý ra trường sau anh 2 năm xin được việc làm tại một trung tâm tin học. Tôi cũng xin được chân bảo vệ ở cơ quan cháu Thúy. Từ ngày tôi và các cháu đi làm, cuộc sống của gia đình thảnh thơi đôi chút. Tết vừa rồi chúng tôi đã hoàn trả hết tiền vay xoá đói giảm nghèo và của Hội Phụ nữ, còn sắm được xe máy cho 2 cháu.
Tối hôm qua cả nhà ngồi quây quần bên nhau, cháu Hưng ngỏ ý xin mẹ nghỉ bán xôi cho đỡ nhọc nhằn, 2 anh em cố gắng làm thêm ngoài giờ để phụ giúp gia đình, nhưng vợ tôi không đồng ý. Vợ nói: “Nhờ nồi xôi mà các con nên người. Mẹ vẫn còn trẻ mà các con cho mẹ nghỉ hưu sao?”.
25 gồng gánh giang sơn bên chồng, vợ tôi chưa hề có một ngày thảnh thơi. Tôi viết lên những dòng này là tấm chân tình cha con tôi gửi đến em - người vợ của tôi, người mẹ của các con tôi và là người chị của em gái tôi nữa.
Theo phụ nữ TPHCM