Chị Hạnh Dung kính mến,

Em mới về nhà chồng và được trầm trồ là “chuột sa hũ nếp”. Ba chồng em chính là tổng giám đốc công ty em làm việc. Chồng cũng là cấp trên của em.

Vì quen nếp giao tiếp ở công ty, về nhà chồng, em cũng cáng đáng mọi nhu cầu xã hội của cả nhà. Khi mọi người cần đi đâu, em luôn là người lo liệu xe cộ, đặt chỗ, sắp xếp ngày giờ. Em đã làm những việc này mà không hề suy nghĩ gì, cho đến khi gặp trục trặc với mẹ ruột.

Gia đình em vốn làm đậu hũ để bán. Mẹ em rất tự hào về nghề nên hay làm nhiều món ăn từ đậu hũ để biếu nhà thông gia. Khổ nỗi, mẹ chồng em kiêng đậu hũ vì sợ các nguy cơ về bệnh nội tiết nên… đem bỏ.

Dù rất quý đồ ăn của mẹ, nhưng em rất bận, chỉ có thể ăn cơm cùng gia đình (do giúp việc nấu), chứ không thể tự nấu đồ ăn riêng, nên đôi khi chính em cũng ngậm ngùi nhìn đồ ăn tâm huyết của mẹ bị vứt bỏ.

Em rất hiểu mẹ chồng. Bà không có ý coi thường mẹ ruột em, nhưng vì bà không dùng món đó, lại ngại không nói với thông gia. Nhiều lúc, bà nhớ ra sớm thì đem cho hàng xóm, cho chị giúp việc. Món quà thông gia cứ ở trong tủ lạnh cho tới khi bà nhìn thấy và đem vứt.

Chuyện này lọt tới tai mẹ em. Trong một lần mang đồ sang biếu, mẹ nghe cô giúp việc nói “nhà này không ăn đậu hũ”. Mẹ sốc nên nán lại hỏi han thêm. Cô giúp việc vô tư khen em rất giỏi, cáng đáng mọi việc trong nhà.

Mẹ em nghe xong thì hình dung ra cảnh em làm tôi tớ cho nhà chồng, đến đồ ăn của mẹ ruột cũng không được phép ăn. Từ đó, hầu như ngày nào mẹ cũng “khủng bố” tin nhắn, nói mẹ cho em ăn học đàng hoàng, không cần em phải ăn bám nhà giàu, mà chỉ cần em biết ngẩng cao đầu mà sống.

Em đã giải thích đủ cách, chứng minh ba mẹ chồng rất tôn trọng em, nhưng mẹ đều để ngoài tai. Em vừa xót mẹ, vừa mệt mỏi. Đôi lúc em nghĩ chính mẹ mới đem lại áp lực và mệt mỏi cho em. Điều này khiến em càng muốn né tránh, không muốn gần mẹ…

An Nhiên (quận 3, TPHCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

An Nhiên mến,

Đây là một hiểu lầm, nhưng nếu chỉ xoáy vào đó để cố gắng hóa giải, e là sẽ khó có kết quả. Mẹ em chỉ tin vào những “sự thật” mà bà biết, trong đó lại có một điều rất thật về việc vứt đồ ăn, làm chấn động lòng bà nhất.

Hạnh Dung cũng hiểu những điều em chia sẻ về mẹ chồng, nhưng thật khó đòi hỏi mẹ ruột của em cũng hiểu như vậy. Bà đã gọi tên đó là sự thiếu tôn trọng và nó trở thành hệ quy chiếu để bà nhìn mọi thứ khác trong cuộc sống của em ở nhà chồng.

Nhưng, trong hiểu lầm của một người mẹ luôn ẩn chứa một sự thật. Em chỉ cần nhìn ra sự thật đó và hóa giải nó. Sự thật ở đây là mẹ cảm nhận được em đang không ổn, em không thực sự cân bằng hay làm chủ được đời mình.

Hãy nhìn vào sự thật này: em quá bận rộn, bận cho công việc, rồi lại bận cho những sinh hoạt của từng người ở nhà chồng. Em vào vai “quản lý” từ công ty cho tới gia đình và không còn thời gian quản lý đời tư.

Bằng chứng là em đau xót khi thấy đồ ăn của mẹ mình bị vứt đi, nhưng lại quá bận, quá thiếu thời gian và tâm trí để tập trung giải quyết điều này, để chuyện cứ tiếp diễn cho đến khi gây hậu quả.

Vấn đề không phải là cái hậu quả riêng lẻ kia, mà là cuộc sống của em đang bộc lộ những điều thiếu quân bình và em đang không dành thời gian cho những điều thực sự quan trọng với mình.

Vậy thì, thay vì cố giải quyết hiểu lầm của mẹ một cách vô vọng, em hãy tạm chấp nhận cách hiểu của mẹ và thay đổi mình trước. Hãy cho mẹ thấy em đang sống ổn, đang chăm lo tốt cho bản thân. Khi em ổn, mẹ sẽ dần nghĩ thoáng hơn.

Để được vậy, em cần phân chia thời gian và sự tập trung cho tất cả các khía cạnh trong cuộc sống - từ công việc, ước mơ, sức khỏe, hôn nhân, gia đình đôi bên lẫn sự phát triển bản thân của riêng em.

Hãy mạnh dạn theo đuổi kế hoạch và dần điều chỉnh kỳ vọng của mọi người xung quanh với mình.

Em có thể phân công lại công việc, giao cho cấp dưới, cho giúp việc những việc họ có thể đảm đương thay em và chia sẻ với chồng, với ba mẹ chồng về sự thay đổi đó.

Cần giảm tải cho bản thân để có cuộc sống thực sự lành mạnh, ổn thỏa. Khi đó, em sẽ có nhiều thời gian về thăm mẹ, có cơ hội cho mẹ thấy sự bình ổn của mình và khúc mắc sẽ dần được hóa giải.

Theo phụ nữ TPHCM