Một lần tôi tìm đến nhà để phỏng vấn một bà cụ 89 tuổi nuôi cháu con hiếu thảo thành đạt, hỏi cụ đang nằm phòng nào thì người con dâu tủm tỉm cười, dắt tôi ra giàn trầu sau vườn.

Trước mặt tôi là một cảnh tượng phát hoảng: bà cụ đang ngất ngưởng trên cây thang tre, với tay hái lá trầu. Bên dưới có người cháu trai đang đón lấy từng chiếc lá bà chuyền xuống. Trầu dành bán cho mấy người khách quen, bà muốn tự tay hái để lựa những lá ngon, vừa ăn. 

Ảnh minh hoạ





Nồi cơm nghiêng

Hỏi bí quyết sống lâu sống khỏe, bà chỉ vào bếp, nơi có một nồi cơm đang nghiêng ngả trên mấy cục gạch ống. Nồi cơm không phải bị nghiêng mà con cháu cố ý đặt nghiêng để bên khô phần con cháu, bên nhão phần bà yếu răng và tiêu hóa kém. Còn có cả củ khoai lang hoặc trái chuối xiêm hấp cơm dành riêng cho bà phòng bệnh táo bón. Bà vẫn dùng cơm chung bữa với con cháu, nhưng trong cách nấu nướng, chế biến có chút linh hoạt, để phù hợp với nhu cầu và khả năng hấp thụ riêng của “bộ máy” đã chạy lâu năm. 

Bữa cơm gia đình luôn được khuyến khích bởi đó là cơ hội để cả nhà sum họp, quây quần, tuy nhiên không phải món ăn nào, cách chế biến nào cũng là lý tưởng đối với tất cả thành viên. Để thiết kế mâm cơm “riêng trong chung” bảo đảm ngon miệng, khoa học, tiết kiệm, người “nội tướng” phải đọc, học hỏi, vận dụng khéo léo và nắm bắt nhu cầu, sở thích của từng người trong nhà. 

Theo lương y Đinh Công Bảy (Tổng thư ký Hội Dược liệu TP.HCM), thức ăn cũng là bài thuốc, người thầy thuốc dùng thức ăn chữa bệnh là thầy thuốc tốt nhất, người đầu bếp nào tìm hiểu thật nhiều về các món ăn thì giá trị mang lại cho gia đình và xã hội rất lớn.

Bữa ăn cần an toàn, vệ sinh, chế biến ngon miệng, không khí vui vẻ, tổng hòa các yếu tố đem lại sức khỏe cho gia đình. Bữa ăn chất lượng khi cân đối (đầy đủ các chất tinh bột, đạm, chất béo, chất xơ, chất khoáng, muối, đường… theo tỷ lệ nhất định của tháp dinh dưỡng, chỉ số dao động thấp) và hợp lý với từng người (tùy độ tuổi, thể trạng, cân nặng, cơ địa, bệnh mắc phải, công việc, vận động…). 

Bộ sách món ăn thức uống có ích cho người viêm loét dạ dày - hành tá tràng, cho người bệnh thận, bệnh loãng xương, bệnh tim và cao huyết áp… (Nhà xuất bản Phụ Nữ) của lương y Đinh Công Bảy viết rất cần thiết cho các gia đình trong việc lưu tâm chế độ riêng trong bữa cơm chung.

Món chè hạt sen là món giải nhiệt tuyệt ngon, rất bổ dưỡng, an thần, ích trí, bổ thận, ngăn ngừa lão hóa, đặc biệt tốt cho phụ nữ tiền mãn kinh hay cải thiện sinh lý nam, nhưng với người mắc bệnh tiểu đường thì không khuyên dùng vì ngọt. Nhiều món ăn có lợi cho người mắc bệnh hô hấp thì lại ảnh hưởng huyết áp. 


                                                                                              Ảnh minh họa


Chia rẽ lại… khỏe


Cho nên lắm khi vợ chồng, cha mẹ - con cái, ông bà - cháu muốn “chung sống hòa bình” với nhau lại phải né bớt món ăn, thức uống của nhau, hoặc chế biến uyển chuyển, tùy người dùng. Trúng món kiêng kỵ của người kia, sợ họ phát thèm tội nghiệp lại phải… ăn lén.

Có khi cô vợ về nhà cha mẹ ruột mới dám thả ga ăn các món chiên xào, bánh ngọt, vì hằng ngày ở chung với các cháu chồng bị béo phì, có nguy cơ dậy thì sớm, nên buộc phải kiêng.

Các con đã ở riêng, nhà chỉ còn hai vợ chồng lớn tuổi, nhưng ông bà Nguyễn Tâm (Q.6, TP.HCM) có những vấn đề về sức khỏe ngược nhau - ông yếu tim, huyết áp cao, còn bà bị huyết áp thấp - nên món ăn thức uống cũng tréo ngoe.

Nhiều lần ông cự nự: “Bộ bà trông tui chết lắm sao mà nấu cay, mặn dữ vậy?”. Bà hờn mát, bảo ông cứ tự mà nấu lấy, có người phục vụ rồi mà còn chê khen, còn “gieo tiếng dữ”. Bà bảo thức ăn cay mặn thì ông cứ đổ nước sôi vào cho loãng ra, chứ nấu nhạt như “nước miếng” bà nuốt không vô… 

Nhưng dần dà, bà cũng rút được kinh nghiệm, bà chấp nhận nêm muối ít để đáp ứng nhu cầu của ông; khi ăn, bà sẽ làm cho món trở nên đậm đà bằng chén nước mắm. Bà cũng dằm ớt riêng trong chén nước chấm của mình. Hoặc bà nêm nhạt rồi sớt phân nửa sang nồi khác cho ông, bà nêm thêm phần của mình cho tới gia vị, mới hấp dẫn.

Có khi nhìn ông ăn ngon lành nồi canh riêng, bà đùa: “Ông cũng sợ chết dữ? Định sống dai để lập thêm thê thiếp hả”. Ông cười xòa: “Giỡn hoài. Có một bà mà tui còn bỏ mứa đây!”. 

Mô hình cùng nhau nấu ăn hoặc mỗi người phụ trách một vài ngày luân phiên nhau càng tốt, vì cách chọn thực phẩm, phong cách chế biến sẽ phong phú, đa dạng, hạn chế bị ý thích chủ quan chi phối.

Không nhất thiết là vợ hay chồng, bà hay cháu, người thường xuyên phụ trách ăn uống là người nắm giữ cánh cửa sức khỏe cho cả nhà. Thời điểm nào đó, bạn sẽ thấy người giữ “két sắt sức khỏe” quan trọng còn hơn người tạo ra của cải. 

“Cái giường đắt nhất là giường gì?”. Một câu đố vui nhưng ai lọt vào tình cảnh ấy đều cười ra nước mắt. Đáp án chính xác là “giường bệnh”. Có khi tiền muôn bạc vạn cũng không mua nổi cái giường bệnh vì… bác sĩ đã “chê”.

Mà bệnh từ đâu? Đa phần là từ miệng vào, cùng với rau củ đẫm thuốc trừ sâu, thịt tiêm chất tạo nạc, hay nước xúp sôi sùng sục liền cho vào bọc ni-lông nóng quéo, hoặc gia tăng những chất cơ thể đã quá dư thừa hay khó chuyển hóa.

Thuốc cũng từ miệng vào - trong những món ăn thanh khiết, bổ dưỡng, phù hợp, mùa nào thức nấy. Nấu đã khó, ăn sao cho khỏe càng khó. Vì vậy, người thường xuyên đi chợ, vào bếp, chăm sóc miếng ăn thức uống của gia đình nên là người thông thái nhất nhà.

Chứ không phải ai chậm chạp, ít hiểu biết, ra đường làm không lại thiên hạ thì lùi về xó bếp nấu cơm, để lúc nào đó người nhà ôm đủ thứ bệnh mà không rõ nguyên nhân. Đã thông thái, lại cần có tấm lòng vì nhau và kiên nhẫn, không ngại vất vả.

Vị trí chiến lược này ở nhà bạn thuộc về ai? 

Theo phunuonline.com.vn