Sáng cuối tuần, từ chối mãi, tôi cũng chiều lòng cô cháu gái, đi “tận hưởng cuộc sống tươi đẹp”. Sau mấy tiếng đồng hồ, chúng tôi có những bộ móng tay thật đẹp.

Bàn tay phút chốc như thon thả hơn, đài các hơn, cảm giác được nâng niu yêu chiều tràn khắp. Cảm giác ấy dường như tất cả phụ nữ trên thế gian này đều thích.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ
Tôi nhìn cháu gái với bộ móng đắp bột thật dài, bấm điện thoại, vuốt tóc, mặc áo khoác, tất cả đều vương vướng. Dù cháu liên tục gượng cười, trấn an: “Con chưa quen thôi”, tôi vẫn không ngăn được ý nghĩ này nối tiếp ý nghĩ kia; không chỉ về việc làm đẹp hay tốn tiền làm đẹp mà còn là sự thoải mái, niềm vui, cách sống ở đời. Cho dẫu có quen thế nào thì bộ móng tay dài 5cm kia cũng sẽ ít nhiều khiến các hoạt động của cháu tôi bị hạn chế. Khi mãi nhìn bàn tay mình trong bộ móng xinh đẹp ấy, cháu phải luôn chú ý để giữ gìn, phải liên tục thay bộ móng mới khi cũ hoặc bong tróc chứ khó lòng chấp nhận một bàn tay mộc. Nghĩa là con đã lệ thuộc vào nó. 

Ngẫm, chúng ta để bản thân lệ thuộc vào cái gì, vào ai thì làm sao có thể vui vẻ, thoải mái? Biết rằng, không người nào trên thế gian này có thể sống một mình; cũng không có chuyện hành xử chỉ theo ý của mình, không cần màng đến cảm xúc hay lợi ích của bất kỳ ai, bất kỳ điều gì. Thế nhưng ranh giới của việc kết nối với mọi người, cần nhau và sự lệ thuộc thật mỏng manh, nhất là những bạn gái trẻ như cháu gái tôi - còn chưa thực sự trưởng thành về mặt cảm xúc, chưa từng đứng trước những bước ngoặt cuộc đời, khi trước sau phải trái đều chỉ có mình với ta.

Lệ thuộc càng nhiều, bất kể là điều gì, từ thứ nhìn thấy được, đơn giản như làm một bộ móng, nối lông mi, đến tiền bạc tình cảm, phải chăng càng dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng?

Khi bắt đầu đi qua bên kia dốc đời, tôi nhận ra và tập bình thản chấp nhận rằng, bất cứ bàn tay nào chìa ra bên cạnh mình cũng chỉ có hạn định. Được một chốc đã là may mắn, không thể ngồi đó mà mưu cầu vĩnh viễn. Không thể nào! Giảm đến mức tối đa sự lệ thuộc trong đời mình thì hạnh phúc sẽ đến.

Chị dâu tôi là một điển hình. Con chị đã 18, 20 tuổi mà chỉ cần đi vắng, đi chơi với bạn, đi về ba, là chị ăn không ngon ngủ không yên. Chị nói có cảm giác như ai rứt hơi thở của mình. Dẫu ở chỗ làm hay về nhà, ăn cơm hay ngồi xem ti vi đều không còn hứng thú gì. Từ chỗ này ngồi qua chỗ kia nằm, lúc cáu gắt, lúc chảy nước mắt. Chị phải nhìn thấy con. Chị quá lệ thuộc cảm xúc vào chúng.

Không biết có phải vì không còn tình yêu từ chồng, nên quá khứ, hiện tại và cả tương lai của mình, chị mang chất lên 2 đứa trẻ? Tôi sẽ chờ dịp thích hợp để nói cho chị biết, chị còn cuộc đời của chính chị. Ba mẹ không cần chị chăm lo về tiền bạc, nhưng họ cần yên tâm khi thấy chị yên ổn. Bệnh nhân còn cần đến chị, rồi bạn bè, anh chị em nữa…

Thế giới này có ai gánh được đời của ai. Sống có đôi có cặp hay cô lẻ luôn nhất định phải là một sự lựa chọn thật tâm và vui vẻ. Tôi rất sợ nghe ai nói câu: “Em là tất cả của đời anh” hay “Anh ấy là cả thế giới của chị/của em/của con”. Nếu ví đời người như một cái bánh gato thì bất kỳ ai, bất kỳ cái gì trên đời này cũng nên chỉ là một mẩu mà thôi. Đó chính là cách nghĩ trân trọng bản thân, trân trọng yêu quý người khác, trân trọng cuộc đời chứ không phải toan tính hay ích kỷ như người ta thường nghĩ.

Đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ nhận ra, cha mẹ là để yêu thương, nương náu trong chốc lát, khi không còn chốn nào dung thân. Chúng ta sẽ nhận ra, bạn đời, người yêu hay bạn bè cũng chỉ vỗ về, cho nhau thêm năng lượng niềm vui. Chúng ta sẽ nhận ra, con cái là để xoa dịu trái tim, khiến mình luôn mạnh mẽ, tràn ngập yêu thương… Không có ai giải quyết những vấn đề của mình ngoài mình. Cũng không ai thấu hiểu, cảm thông tất cả con người mình bằng mình. Không nên mong cầu, càng nhất định không thể lệ thuộc!

Tôi nghĩ đến cái móc áo. Nhân sinh làm gì có ai là cái móc áo để mình treo cả đời mình trên đó. 

Theo phụ nữ TPHCM