Cách đây chỉ hơn năm, tôi cũng y như người vợ ấy. Hôn nhân là những chuỗi ngày dài vò võ một mình chăm con, một mình quán xuyến nhà cửa và đằng đẵng đi kiếm chồng. Cô gái kia tìm chồng nơi quán bi-da, còn tôi tìm chồng nơi quán nhậu.

Tôi và chồng bằng tuổi nhau, là bạn thời đại học. Ngày yêu nhau và những năm đầu kết hôn, anh hiền lành, trách nhiệm, chí thú làm ăn. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng 2 đứa con đủ nếp, đủ tẻ, mang lại cho chúng tôi cả niềm vui và nghị lực. Vợ chồng bảo nhau cố gắng làm lụng để lo cho các con nên người.

Chẳng ngờ, khi con gái đầu của tôi lên 4 tuổi và con trai thứ lên 2, anh bị đối tác làm ăn gạt một số tiền lớn, dẫn đến vỡ nợ. Chúng tôi không chỉ phải dốc sạch tiền tiết kiệm, mà còn phải cầm cố cả căn nhà đang ở để trang trải nợ nần. Vợ chồng con cái phải đùm túm nhau đi thuê một căn nhà nhỏ ở quận vùng ven làm nơi ở mới. Đó là những chuỗi ngày tôi khóc hết nước mắt.

leftcenterrightdel
 Vợ chồng tôi từng có những ngày tháng hạnh phúc, khi anh chưa đổ đốn (ảnh minh họa)

Dù vậy, tôi vẫn cố an ủi chồng và động viên anh vượt qua khó khăn để bắt đầu lại. Nhưng có lẽ cú sốc đó quá lớn với anh nên chồng tôi gần như buông xuôi tất cả. Suốt cả nửa năm sau đó, rồi 2 năm, rồi 3 năm, anh không đi làm, chỉ bù khú, nhậu nhẹt cùng bạn bè. Tôi vừa phải gồng gánh gia đình, vừa phải chăm con, lại phải chăm chồng khi anh say xỉn.

Ban đầu, tôi để anh nhậu thoải mái, vì nghĩ cho anh xả stress, đợi anh bình ổn sẽ trở lại như xưa. Nhưng rồi tôi dần nhận ra, anh không có ý định đi làm trở lại, mà chỉ muốn tìm quên trong bia rượu. Tần suất nhậu của anh ngày một dày. Ban đầu, anh trở về nhà tầm 9-10 giờ tối, sau đến tận 12 giờ, rồi cứ lùi dần, lùi dần đến tận sáng.

Thời gian đầu, tôi gọi điện giục về, anh còn nghe máy. Sau, anh khóa máy luôn. Sợ chồng say xỉn té xe giữa đường, tôi bỏ 2 con trong nhà trọ, khóa trái cửa, rồi tất tả chạy chiếc xe máy cà tàng đi khắp nơi kiếm chồng. Tìm thấy anh rồi, tôi lại còn phải giục giã, chèo kéo, năn nỉ anh về. Đám bạn anh ngồi cạnh bĩu môi khinh khi, còn anh xua tay đuổi tôi như đuổi tà, lắm khi còn mắng tôi không kịp vuốt mặt.

leftcenterrightdel
Chồng tôi nhậu thâu đêm suốt sáng và còn mắng vợ khi tôi đi tìm anh về (ảnh minh họa) 

Được một thời gian, thấy tôi biết hết các quán quen anh hay ngồi, anh đổi quán khác, có khi xa nhà cả tận 20 cây số. Vậy mà không hiểu bằng sức mạnh hay chỉ dẫn nào, tôi cũng tìm đến được. Rồi cũng không biết, bằng lòng bao dung, vị tha hay sự ngu muội nào, tôi ngồi cạnh anh cả đêm để năn nỉ chồng về. Giờ nhớ lại những ngày tháng đó, tôi thật không dám tin đã từng có lúc mình thảm hại đến như thế.

Có lẽ, những ngày tháng đó còn kéo dài, nếu cha tôi không ghé nhà trọ giữa đêm và phát hiện chỉ có 2 cháu nhỏ ở nhà. Hôm ấy, cha từ quê lên thăm tôi mà bị trễ chuyến xe nên đến muộn, tận 12 giờ đêm, điện thoại hết pin nên ông cũng không gọi tôi được để báo.

Vì nhà khóa trái cửa, ông ngồi gật gù ngoài hiên chờ tôi đến tận 4 giờ sáng, khi tôi cùng gã chồng say xỉn trở về. Ngay khi thấy cảnh đó và hiểu rõ sự tình, ông bạt tai tôi và bảo: “Cha nuôi con ăn học để giờ con đi nuôi và hầu hạ thằng đàn ông chẳng ra hình người này à? Nếu con không ly hôn ngay, thì cha ôm 2 cháu về quê cha nuôi. Con cứ ôm nó mà sống đến cuối đời đi!”.

Cái tát của cha làm tôi giật mình như tỉnh dậy từ một cơn ác mộng dài. Tôi khuỵu xuống, ôm chân cha khóc nức nở.

leftcenterrightdel
 Không còn những đêm đi kiếm chồng, tôi giờ hạnh phúc bên hai con (ảnh minh họa)

Sau đó tôi ly hôn, giành quyền nuôi 2 con và bắt đầu một cuộc đời mới. Không còn những đêm thức trắng chạy khắp các quận huyện tìm chồng như xưa, tôi dành thời gian chăm con, dạy con học, nấu ăn mỗi tối…

Tôi lột xác thành một người khác, khỏe mạnh hơn, vui vẻ hơn. Kinh tế vẫn còn khó khăn, 3 mẹ con vẫn phải ở nhà trọ, nhưng sức khỏe và tinh thần của tôi tốt hơn rất nhiều.

Còn chồng cũ, sau khoảng thời gian dài bê tha nhưng không còn ai đi theo chầu chực, hầu hạ, anh dần tỉnh ra, bỏ rượu, đi kiếm việc làm lại và ngỏ ý muốn hàn gắn. Tôi vẫn chưa dám nghĩ đến việc quay lại với anh, tôi chỉ nhận thấy rằng với đàn ông, bạn càng phụ thuộc, càng đeo bám, càng năn nỉ, họ lại càng được nước làm già.

Thay vì chạy "theo đuôi" họ khắp mọi nơi, hãy trân trọng bản thân mình, các con mình và dành thời gian cho chính mình, cho gia đình. Cuộc đời này vẫn còn rất nhiều thứ đáng giá hơn là một người đàn ông tồi.

Theo phụ nữ TPHCM