leftcenterrightdel
 Ngày trước "ăn cơm chưa" là câu chào hỏi khi gặp nhau của người Việt (ảnh minh họa)

Đã lâu rồi bạn bè gặp nhau không còn ai hỏi câu “Bạn/cậu/ăn cơm chưa?” dù lúc đó là ngay hay sau giờ cơm chiều.

Dễ hiểu thôi, bây giờ ra đường đâu sợ đói nếu có tiền trong túi. Nhiều bạn trẻ cho biết, có khi cả tuần không hột cơm nào trong bụng. Hết tiếp khách rồi đến nhậu với bạn bè, hôm nào về đến nhà cũng qua giờ cơm, thế là đi ngủ luôn.

Có khi bạn trẻ giật mình, thấy thiếu thiếu thứ gì mới nhớ ra là thèm cơm. Vậy là hôm ấy dù bao lời chèo kéo nhưng dứt khoát về nhà bởi thèm nghe câu mẹ hỏi: “Có ăn cơm không để mẹ nấu?” hay “Ăn gì chưa?”.

Đó là trường hợp bạn trẻ còn ở với cha mẹ. Người đi học, đi làm xa nhà thì sao? Nhiều bạn trẻ cho rằng, câu thường xuyên, đầu tiên mỗi lần nói chuyện điện thoại với ba mẹ là nghe hỏi ăn cơm chưa? Làm như việc quan tâm đến ăn cơm mới giúp giảm bớt phần nào lo lắng cho đứa con ở xa. Làm như chỉ có cơm mới khiến con tồn tại ở cái nơi phải cắm mặt cày bừa, phải chiến đấu với bao nhiêu thứ, từ kẹt xe cho đến ngập nước. Và câu trả lời con "ăn cơm rồi" hay "chuẩn bị ăn cơm" luôn khiến người ở quê xa thở phào: “Ừ, con người sống làm gì làm phải có cơm, không được bỏ bữa nhé”.

Cha mẹ đâu biết rằng cái đứa vừa trả lời đã ăn cơm rồi, cuối tháng phải gặm bánh mì hay nấu tô mì gói tiết kiệm cho phần ăn sáng hôm sau. Biết bao người thành đạt khi trả lời phỏng vấn đã nhắc đến chi tiết này về những ngày nghèo khổ quyết tâm phấn đấu vươn lên.

Bạn bè gặp nhau bây giờ thường chỉ hỏi "nhậu không?", "cà phê nhé!". Vì rằng trong các quán nhậu hay cà phê ấy đều có thức ăn, dù trưa hay chiều. Nếu chỉ đi ăn rồi chia tay, làm sao thú vị bằng ngồi đâu đó hàn huyên. Vui hơn về nhà lủi thủi cắm nồi cơm ăn cho qua bữa.

Nếu con cái ở bên kia bờ đại dương, giờ giấc trái ngược với quê nhà. Hôm nào mẹ cũng thức chờ con ngủ dậy hay đi học về để hỏi con ăn cơm chưa qua các công cụ chat: Viber, Messenger, Zalo… Mẹ vẫn không an tâm, nói con mở camera để mẹ nhìn con chuẩn bị cơm chiều, hôm nay con ăn món gì, nấu ra sao…

Nhìn con qua màn hình máy tính hay điện thoại di động, bà mẹ rưng rưng, đứa con hồi ở nhà chẳng dám ra khỏi nhà mua ổ bánh mì, việc gì cũng nhờ mẹ mà bây giờ phải tự lực, trong khi bà mẹ ở nhà rảnh rang chẳng biết làm gì ngoài việc chờ con thức dậy để… ngắm con qua màn hình.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Chồng đi công tác cả tuần, vợ nhiều khi gọi điện thoại chỉ để hỏi câu "ăn cơm chưa", dù vợ nghe lào xào phía bên kia là tiếng cụng ly, cười nói chén chú chén anh. "Ăn cơm chưa?" - chỉ ba từ thôi mà đó là sự quan tâm của người này với người kia.

Với những người yêu nhau cũng vậy. Anh hỏi "ăn cơm chưa" để chị thấy tình cảm thân mật, thương yêu, lo lắng. Đó là sự chăm sóc… vụng về vừa đủ, dễ thương hơn bao lời có cánh. Rồi nhiều khi chat với nhau, cặp đôi chẳng biết nói chuyện gì, lại xoay quanh chủ đề ăn cơm, rồi người này gửi qua cho người kia những tấm hình: tô canh, đĩa rau xào, hay đơn giản chỉ là tô cơm với khúc cá kho. Vậy là đủ vui suốt buổi...

Câu hỏi "ăn cơm chưa" gợi bao kỷ niệm ngày còn thơ. Những buổi chiều gia đình tụ tập ngoài sân trên chiếc chiếu có nồi cơm nóng, tô canh bốc khói. Ba có thêm ly rượu nhỏ bên cạnh. Mẹ thì tất bật hết đứng lên lại ngồi xuống chiếu.

"Ăn cơm chưa" là khung cảnh cha đi làm về, mẹ loay hoay trong bếp và con thì có khi lười biếng nằm dài trên giường, có khi cầm cây ghi ta hát mấy bài tình ca, có khi thì vừa điện thoại với bạn vừa xua con chó đang đuổi mấy con gà… Bức tranh gia đình đẹp bình yên hiện lên làm cay mắt, làm nghẹn ngào bao người.

"Ăn cơm chưa" gợi nhớ các món ngon mẹ nấu ngày xưa mà con tập hoài không thể giống. "Ăn cơm chưa" cũng là hình ảnh ba đứng ở hiên nhà hút điếu thuốc chờ con đi xa về…

"Ăn cơm chưa" - 3 chữ mang nhiều kỷ niệm lắm. Vậy nên, trong cuộc sống bộn bề hôm nay, cố gắng hỏi nhau "ăn cơm chưa", không chỉ quan tâm chia sẻ mà còn để nhắc nhớ những kỷ niệm êm đềm, khó quên.

Theo phụ nữ TPHCM