Chị vừa gội đầu cho khách vừa nhìn ra chỗ anh đang đứng phơi khăn trước cửa tiệm. Nhìn chồng chậm rãi treo từng cái khăn lên giá, không vắt khô mà để nước chảy long tong, chị khó chịu, nói to: “Anh vắt cho ráo nước rồi phơi, lấy mấy cái kẹp giữ lại chứ gió lớn là bay hết”.
Anh vứt mạnh cái khăn đang cầm trên tay xuống chậu, quát: “Giỏi thì ra làm đi” rồi bỏ vào nhà. Chị vừa ngại với khách vừa thấy tủi thân.
Anh thất nghiệp đã hơn nửa năm, chỉ quanh quẩn ở nhà, đi chợ nấu cơm, chở con đi học rồi nằm ngủ. Vòng lặp luẩn quẩn đó khiến chị vô cùng mệt mỏi khi áp lực tiền bạc ngày càng lớn. Ngày trước, anh đi làm lương không cao, hằng tháng chỉ phụ vợ được một ít, nhưng chị vẫn thấy thoải mái. Giờ chồng ở nhà, đi ra đi vào đụng mặt nhau lại sinh đủ thứ chuyện.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Chị mở tiệm tóc, làm từ sáng đến khuya mới đủ chi phí lo cho cả gia đình. Từ ngày chồng nghỉ việc, chị không dám đóng cửa tiệm sớm, hy vọng có thêm khách để thêm thu nhập. Ngoài làm tóc, chị lấy trái cây về bán để kiếm thêm. Chị chỉ nghĩ, anh ở nhà rảnh rỗi thì phụ vợ là lẽ đương nhiên. Ngoài việc nhà, chị thường nhờ chồng giặt khăn gội đầu, đi giao hàng.
Lúc đầu anh vẫn làm, nhưng về sau thái độ rất khó chịu. Chị nghĩ mình vất vả làm lụng, chồng lại không thông cảm. Nhiều lần vợ chồng to tiếng cũng chỉ vì mấy chuyện nhỏ như việc phơi khăn sáng nay.
Cô gái đến gội đầu cũng giật mình vì tiếng quát của anh. Chị buồn bã, trút hết ấm ức trong lòng với khách. Cô gái chia sẻ: “Hồi chồng em thất nghiệp, em không dám nhờ anh ấy làm gì cả”. Cô phân tích, đàn ông vốn có tính sĩ diện; không có việc, ở nhà đã bí bách khó chịu, vợ lại hay sai vặt nên nổi nóng cũng dễ hiểu. Thời điểm này cực kỳ nhạy cảm, nếu vợ cư xử không khéo sẽ dễ nảy sinh mâu thuẫn gia đình.
Cô ấy kể, cô vẫn âm thầm bỏ tiền vào ví của chồng, vì không muốn anh ngại ngùng ngửa tay xin tiền vợ. Giữ thể diện cho chồng cũng là một cách động viên bạn đời vượt qua giai đoạn khó khăn. Rồi 1 năm sau, anh ấy cũng kiếm được việc làm, lương thấp hơn trước, nhưng tình cảm vợ chồng không hề giảm.
Càng nghe chị càng nhận ra, chưa bao giờ chị để ý đến tâm trạng của chồng, chỉ thấy chướng mắt vì anh ở nhà không làm ra tiền. Chị quên mất trước đó anh đã từng làm việc rất chăm chỉ, đưa lương hằng tháng đầy đủ cho vợ, chắt chiu cùng chị vun vén gia đình. Chị chưa từng nghĩ ở độ tuổi của anh, để tìm một công việc mới không hề dễ dàng.
Tối đó, anh im lặng ăn cơm, chị chủ động lên tiếng: “Có phải anh không thích em nhờ làm mấy việc lặt vặt không?”. Anh ngạc nhiên nhìn chị, rồi trả lời: “Không hẳn, nhưng cách nói của em làm anh buồn, nhất là khi có mặt người khác. Anh biết mình sai khi quát em, nhưng thời gian này anh rất mệt mỏi”. “Anh đừng suy nghĩ nhiều, cuộc sống có lúc này lúc khác, khó khăn rồi cũng sẽ qua thôi. Anh phụ trách việc bán trái cây, em lo làm tóc”.
Nghe vợ động viên, anh phấn khởi: “Anh cũng đang định bàn với em, ngăn tiệm tóc làm đôi, một bên anh sẽ bán trái cây - vừa tiết kiệm mặt bằng, lại dễ tăng thu nhập”. Giờ chị mới thấy, chỉ cần thay đổi thái độ nhìn nhận sự việc thì khó khăn lại mở ra cơ hội, mở ra con đường mới.
Theo phụ nữ TPHCM