leftcenterrightdel
 

Cuối tháng, anh chuyển lương cho chị cùng lời giải thích: “Tháng này ít hơn tháng trước 1 triệu, trừ tiền hôm nọ anh ứng ra mừng tân gia nhà Loan”.

Chị thấy hụt hẫng. Đó là lần đầu chị vỡ mộng về anh sau nửa năm chung sống. Chị từng có rất nhiều người theo đuổi, nhưng chị mê anh, chỉ vì anh dễ dãi, ga lăng, hào phóng. Chị biết mình không phải là mẫu phụ nữ chỉn chu, đảm đang, nên sống với một người như anh chị sẽ “dễ thở”. Nhưng chị đã lầm.

Anh ra ngoài nhận được nhiều lời khen vì sự nhiệt tình, hào phóng; còn với gia đình, vợ con, anh sân si, tính toán, so đo hơn thiệt. Anh có thể vung tiền mời bạn bè đi nhậu, ăn sáng, cà phê… nhưng họa hoằn lắm mới đưa vợ con ra ngoài ăn. Anh nói với chị: “Chịu khó nấu ăn ở nhà, vừa đỡ tốn kém lại an toàn”.

Chị không phải là người phung phí, nhưng có lúc muốn thay đổi không khí gia đình, nhất là khi 2 đứa con thích hoặc những ngày đặc biệt. Vậy mà, có hôm đi ăn về, anh cứ cằn nhằn này nọ, cũng chỉ vì cái hóa đơn anh trả hơi nhiều tiền. Sau lần ấy, mỗi khi đi ăn, chị sẽ chủ động thanh toán. Kỷ niệm 5 năm ngày cưới, chị muốn chụp mấy tấm ảnh gia đình để làm kỷ niệm nên tính ra studio cho chuyên nghiệp, nhân tiện có thợ trang điểm luôn, nhưng anh gạt đi: “Em cứ bày vẽ! Chụp điện thoại cũng được chứ sao”. Kỳ thực thì chị biết, anh sợ tốn tiền.

Biết tính anh nên khi ba chị ở quê lên khám bệnh, chị bận công việc không đưa ông đi được nên đã chuẩn bị sẵn tiền cho ông và dặn: “Ba cầm lấy rồi thanh toán giúp con. Nhà con tiền hằng tháng kiếm được đều đưa hết cho vợ, không có “quỹ đen” đâu”. Ba chị không hiểu sự tình, trách chị “quản” chồng chặt quá.

Với vợ là vậy, với con anh cũng chẳng khá hơn. Thằng con trai rất thích chơi lego, cũng vài lần nó khoe hình rồi vòi vĩnh ba mua. Anh hứa rồi để đó. Đến sinh nhật, con lại nhắc, anh mới chịu mua. Trẻ con mà, phải là thứ nó thích thì nó mới chơi. Bộ lego anh mua không phải là bộ nó thích nên nó quăng xó rồi thi thoảng lại sang nhà bạn chơi ké. Anh bực nên mắng con. Chị hỏi: “Sao anh không mua bộ con đã cho anh xem hình?”. Anh gằn giọng trả lời: “Cái bộ bự chà bá đó hả? Đắt lắm”.

Cả trong công việc hằng ngày, anh cũng căn ke với chị. Giả như anh có rửa chén thì việc giặt giũ quần áo chắc chắn sẽ để cho chị. Anh lau nhà thì dĩ nhiên chị phải đi dọn phòng tắm, chà toilet, dù chị bận đến mấy. Không có bảng phân công, nhưng anh chỉ làm những phần việc đã mặc định trong đầu. Vài lần chị chứng kiến anh xông xáo giành cái hóa đơn thanh toán tiền với bạn hoặc chạy vội chạy vàng lấy xe cho đồng nghiệp ra khỏi gara mà thấy nghèn nghẹn: phải chi với vợ con anh cũng dành cho một phần như vậy.

Vợ chồng chung mâm, chung giường, những chuyện tế nhị như vậy chị cũng chẳng muốn nói với ai, chỉ biết “ém” vào lòng dù ấm ức, khó chịu giống như người ta buộc phải sống chung với rận trong chăn.

Rồi anh lâm trọng bệnh. Tiền dành dụm gửi tiết kiệm bao năm, chị rút hết về. Cả mảnh đất dưới quê ba mẹ cho để “phòng thân”, chị cũng bán vội, dốc tiền mua thuốc tốt và lựa chọn phương cách chữa trị hiệu quả nhất cho anh. Hết nghỉ phép chị lại xin nghỉ không lương để ở bên anh, đút cho anh từng muỗng cháo, hớp nước. 2 đứa con, mỗi đứa có 1 con heo đựng tiền tiết kiệm bao năm cũng tình nguyện đập heo đưa tiền cho mẹ chữa bệnh cho ba. Đúng là khi hoạn nạn, cùng đường mới biết ai thật lòng thương mình, mới thấm thía giá trị của tình thân.

Anh nằm vậy nhưng biết hết, chỉ là nghĩ lại, anh thấy mình đã cư xử không phải với vợ con. Anh ái ngại, hối lỗi không mở lời được. Với một người bệnh trọng, rơi vào hoàn cảnh thập tử nhất sinh như anh, may là gặp được bác sĩ giỏi, thuốc tốt, nhưng nếu không có chị - người vợ chẳng bao giờ so đo hơn thiệt với chồng, dốc hết tiền bạc, toàn tâm toàn ý chữa bệnh cho chồng, có lẽ anh đã không qua khỏi.

Ngày anh xuất viện, chị dìu anh bước từng bước chầm chậm ra xe. Nắm lấy bàn tay xương xẩu của chị, nước mắt anh cứ thế lăn dài.

Theo phụ nữ TPHCM