Hải và Hoài yêu nhau từ thời cấp III. Hải đẹp trai, học giỏi; còn Hoài, mặc dù có chút nhan sắc nhưng xét về tổng thể cũng không nổi bật. Ngày Hải khăn gói vào TPHCM học đại học thì Hoài cũng hoàn tất hồ sơ vào xin việc ở miền Nam. Cô trở thành công nhân một công ty may mặc.

7 năm sau, họ kết hôn, nhờ sự hỗ trợ của nội ngoại, cặp đôi mua được căn chung cư rộng rãi ở trung tâm thành phố.

Hải là trưởng phòng ở một công ty chuyên doanh ô tô. Khách hàng của anh đa phần đều là những người giàu có, thành đạt. Để làm tốt công việc, Hải không ngừng nâng cao nghiệp vụ, khả năng giao tiếp. Anh rất bận, thường xuyên phải về muộn. 

 
leftcenterrightdel
 Hải muốn vợ nhường nhịn mẹ (ảnh minh họa)
Từ ngày chồng lên chức, Hoài nghỉ việc ở nhà máy, lui về mở một quầy ăn uống nhỏ ở tầng trệt khu chung cư. Nhờ tài nấu nướng và sự tận tâm, quán ăn của Hoài ngày càng đông khách.

Cách đây 4 năm, Hoài bàn với Hải về ý định mời mẹ chồng vào phố sống cùng vợ chồng cô. Hải nhiều lần suy nghĩ đến điều này, nhưng một phần do ngại không gian phố xá chật chội, phần khác vì mẹ còn khỏe, ở quê cũng có sự chăm sóc, hỗ trợ của 2 chị gái ở gần nên anh còn cân nhắc. Khi vợ chủ động đưa ra ý kiến, được lời như cởi tấm lòng, Hải đồng ý ngay.

“Từ ngày đón mẹ lên sống chung, vợ chồng mình chưa có bất kỳ cuộc đi chơi riêng nào. Từng ngày trôi qua, mình càng thấy bức bách, ngột ngạt. Đề xuất mình đưa ra 4 năm về trước có lẽ là một sai lầm” - Hoài chia sẻ với tôi trong lần gặp gỡ gần đây.

Cô kể thêm, từ những cuộc hẹn thông thường như đi cà phê, đi nhà sách, siêu thị mua sắm gần nhà cho đến những cuộc tụ tập bè bạn đi chơi xa, mẹ Hải luôn đi theo bằng được. Nếu vợ chồng cô không hiểu ý và chiều chuộng, bà sẽ tủi thân, giận lẫy, gây nên tình trạng chiến tranh lạnh cả chục ngày trời.

Dịp hè này, cơ quan Hải có chương trình bốc thăm trúng thưởng dành cho nhân viên đạt thành tích cao. Hải bốc được cặp vé nghỉ dưỡng ở Phú Quốc, anh hào hứng khoe ngay với vợ. Nào ngờ, mẹ chồng nghe được, bà đề nghị Hải xin hoặc mua thêm một vé để đi cùng.

Hải đủ điều kiện để sắp xếp một chuyến du lịch đủ thành viên gia đình, thế nhưng Hoài không muốn. Cô đưa ra 3 phương án để chồng chọn: Một là, vợ chồng sắp xếp đi Phú Quốc một chuyến để hâm nóng tình cảm. Hai là, nếu anh sợ mẹ buồn thì mẹ và anh đi với nhau, cô ở nhà. Ba là, Hải xin đổi cặp vé lấy phần thưởng khác, tất cả mọi người đều ở nhà.

Hoài nói, bao lâu nay cô luôn nín nhịn, chịu đựng những tình huống oái ăm, mẹ chồng gây khó dễ cho Hoài. Từ chuyện ăn uống, bài trí nhà cửa, đến cách sinh hoạt, ứng xử, ngoại giao, nếu Hoài muốn Đông thì mẹ Hải nhất định phải chọn Tây.

Hoài còn nghe một vài người trong chung cư kể lại, mẹ chồng đi nói xấu, chê Hoài xuất thân kém cỏi, chồng thì lịch lãm sang chảnh, nhưng vợ chỉ là người bán hàng đầu bù tóc rối, lại chậm đường con cái. Bà cho rằng Hải vô phước khi có người vợ như cô. 

Chính sự ích kỷ, trái tính của bà mẹ chồng đã khiến cuộc hôn nhân của con trai nhiều lần rơi vào mâu thuẫn, lục đục. Có lần, Hải quát vợ: “Mẹ già rồi. Anh lại là con trai cưng nên cách hành xử của mẹ hơi quá. Em là người hiểu chuyện thì hãy nhường mẹ để giữ hòa khí”.

Hoài có thể nhường nhịn, nhẫn nại, nhưng mọi thứ phải nằm trong giới hạn cho phép. Cô không chấp nhận cách mẹ chồng mỗi ngày tị nạnh với con dâu và thường xuyên buông lời thiếu tôn trọng. Cô nhắn tin cho Hải: “Cuối tuần, chúng ta sắp xếp một cuộc nói chuyện cùng mẹ, em muốn chia sẻ hết những bức bí bấy lâu nay. Anh có muốn bảo vệ hôn nhân của chúng ta không? Anh có bao giờ nghĩ rằng, do không được sống riêng tư, do tâm lý luôn căng thẳng nên em mới khó cấn thai?”.

Hải đồng ý, thả tim vào tin nhắn Zalo của vợ. Anh nhận ra, đã đến lúc chính anh phải khéo léo nhưng quyết liệt để làm tư tưởng với mẹ và đặt “barie” để che chắn, bảo vệ cuộc hôn nhân của mình.

Theo phụ nữ TPHCM