leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

1. “Có vợ chồng cô chú ở đấy mà anh gắt với em vậy? Anh coi thường em vừa thôi chứ. À, chắc là em ở nhà, không đi làm, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài nên anh thấy em thiếu hiểu biết? Ừ thì anh lo phấn đấu sự nghiệp, công việc của anh là quan trọng nhất, vợ con là gánh nặng của anh, kìm hãm nên anh bức xúc, sinh ra cáu gắt?”.

Mới sáng thứ Hai, Vân đã thao thao bất tuyệt, gào lên với chồng.

“Anh không nghĩ như thế” là câu chồng Vân thường nói trong mọi cuộc nói chuyện. Nhưng Vân chưa bao giờ tin vào câu nói đó. Vân “bắt” rằng chồng phải nghĩ rất nhiều thì mới có hành động khiến cô tổn thương. Xuôi theo dòng cảm xúc, Vân luôn đẩy mọi thứ lên cao trào nên đôi khi chuyện nhỏ xíu cũng thành to.

2. Hạnh về làm dâu ở nơi cách Sài Gòn đến 1.000 cây số. Thấy chồng cãi nhau với mẹ chồng, Hạnh thấy bất bình. Cô nói với chồng: “Sao anh không hiểu cho mẹ con em? Anh cãi nhau với mẹ như thế, mẹ sẽ nghĩ như thế nào về em? Mối quan hệ giữa mẹ con anh tệ thì tại sao lại bắt em phải tệ theo?”. Thay vì đôi co với vợ, chồng cô lái xe ra công viên, để lại Hạnh với đứa bé 8 tháng tuổi chẳng biết phải đi đâu.

Hạnh tức đến phát khóc. Cô gọi điện, nhắn tin buộc tội chồng, rằng anh đã cố tình trừng phạt cô, mặc cô giữa “xứ người”, bỏ rơi 2 mẹ con. Cô kêu gào hối hận vì đã quyết định theo chồng về đây, gọi chồng là kẻ tồi tệ, đáng ghét. Chồng Hạnh xin lỗi và giải thích: “Anh không nghĩ như thế. Anh chỉ đơn giản là muốn ra ngoài hít thở cho dễ chịu hơn thôi”. Nhưng Hạnh vẫn cho rằng chồng đã cố tình làm cô tổn thương và tự mình thấy tồi tệ.

3. Thu nhập của Ngọc chỉ bằng nửa của chồng. Chồng cô vẫn đưa tiền lương hằng tháng về cho vợ, dặn vợ làm sổ tiết kiệm để còn lo cho tương lai. Mọi quyết định lớn nhỏ trong nhà, Ngọc đều tự lựa chọn thu chi. Dù chồng không hỏi, cô vẫn thi thoảng cập nhật về số tiền đã chi tiêu và luôn cố gắng thể hiện trước chồng là cô đã rất vun vén, tiết kiệm. 

Vậy nhưng mỗi lần chồng nói: “Tiền điện tháng này cao quá. Anh thấy nhiều lúc nhà mình còn lãng phí, không dùng chỗ nào thì tắt đi” hay: “Mấy món đồ dưỡng da em để đầy trong nhà tắm không dùng mà đã mua món mới à?” là Ngọc sẽ lập tức như bị chạm vào “ngòi nổ”.

“Chắc anh nghĩ mẹ con em lúc nào cũng lãng phí? Tiền anh kiếm được nhiều hơn em nên anh có quyền hạch sách đúng không? Anh không thoải mái thì anh cầm hết tiền đi, lo từ A đến Z trong nhà đi”. Ngọc có sẵn đủ những câu chát chúa nhất để “bật” lại chồng. Dù chồng nói: “Anh không nghĩ như thế. Ý anh chỉ là muốn tiết kiệm hơn chút thôi”, Ngọc vẫn không dừng được việc thấy chồng so đo, nhỏ nhen.

Câu chuyện của Vân, Hạnh hay Ngọc chỉ là số ít trong những tình huống diễn ra mỗi ngày trong đời sống vợ chồng. Nguyên nhân của những cuộc cãi cọ rốt cuộc lại là vì các chị không hiểu chồng. Cách hóa giải thực ra rất đơn giản: chồng nói thế nào, hãy hiểu đúng như vậy. Não đàn ông không phức tạp như cảm xúc của chị em chúng ta đâu. Nếu để bị cảm xúc điều khiển, ta sẽ mất tỉnh táo và sẽ dễ dẫn cuộc trò chuyện vào bế tắc, căng thẳng không cần thiết, nặng hơn là hủy hoại hạnh phúc gia đình. 

Theo phụ nữ TPHCM