Chào chị Hạnh Dung,
Hôm nay em muốn tâm sự một chuyện tưởng nhỏ nhưng khiến em vô cùng áp lực. Em lập gia đình được 1 năm, hiện vợ chồng ở riêng. Theo em tự đánh giá thì quan hệ của em với gia đình chồng khá tốt, xưa nay chưa có mâu thuẫn gì. Thế nhưng, em vẫn cảm thấy cha mẹ chồng đối với mình không được thân thiết như con ruột.
Sinh nhật mẹ chồng năm ngoái, em mua tặng bà 2 bộ đồ mặc ở nhà. Bà nhận nhưng sau đó em không thấy bà mặc. Nghĩ là người già hay để dành đồ mới nên em cũng không thắc mắc, nhưng một lần vô tình em nghe cô em chồng nói lại rằng mẹ không thích món quà đó của em.
Tết năm rồi, em cũng mua áo sơ mi với giày tặng cha chồng. Ông hào hứng mặc thử nhưng trả lại ngay vì “Ba thấy không hợp, con đem trả lại chỗ bán đi”. Lần đó, em vừa ngại, vừa buồn. Em tuyên bố với chồng là từ nay về sau em không dám mua quà gì cho cha mẹ chồng nữa, nếu cần tặng thì anh tự mà lo lấy.
Vì chuyện này mà vợ chồng em lục đục. Anh cho rằng em không có tình cảm với nhà chồng, chuyện chút xíu vậy mà làm ra nghiêm trọng. Anh là đàn ông, sao mà lo mấy chuyện quà cáp chu đáo bằng phụ nữ được nên anh cũng không nhận làm việc này. Anh giải thích rằng, tính cha mẹ anh là vậy, có khi con ruột tặng quà mà không vừa ý cũng phản ứng thẳng thừng như thế.
Dù chồng đã giải thích, em vẫn thấy mặc cảm, bởi điều kiện kinh tế của vợ chồng em là thấp nhất so với các anh chị em bên chồng. Các anh chị, em chồng tặng quà thường là các thứ đắt tiền, từ áo quần cho đến đồ bổ dưỡng, em khó mà sánh kịp. Sắp tới sinh nhật của mẹ chồng, em thật khó xử, không biết tặng quà gì. Xin chị giúp em.
Khánh Quỳnh (Bình Dương)
|
Ảnh minh họa |
Em Khánh Quỳnh thân mến,
Hạnh Dung rất chia sẻ với những vướng mắc của em. Thật ra, từ xưa đến nay, mối quan hệ giữa cha mẹ chồng và nàng dâu luôn cần sự vun đắp từ 2 phía, cũng như cần thời gian để gắn bó. Từ người dưng nước lã, khi nảy sinh quan hệ hôn nhân, ta về chung một nhà. Ngoài gia đình nhỏ còn có thêm gia đình lớn đôi bên.
Em mới cưới được 1 năm, lại ở riêng, nên thời gian này có vẻ vẫn còn chưa đủ để em và nhà chồng thực sự gần gũi và thấu hiểu lẫn nhau. Trong thư em cũng không đề cập chuyện nhà chồng ghét bỏ hay phân biệt đối xử gì với em. Chuyện em mặc cảm vì mình không khá giả như các anh, chị em bên chồng có lẽ cũng là điều tự em suy nghĩ.
Mỗi người ai cũng có sở thích riêng. Em chưa hiểu cha mẹ chồng thích gì, cần gì, nên tặng quà chưa vừa ý họ, điều đó cũng không có gì là quá nghiêm trọng. Có thể cách phản ứng của cha chồng em hơi thẳng thắn, nhưng em cũng đừng vì vậy mà để trong lòng.
Tặng quà là cả một nghệ thuật, không phải cứ quà đắt tiền mới quý, mà quan trọng là món quà ấy phải đánh trúng vào sở thích, vào những thứ mà người nhận đang cần.
Em hãy thử tìm hiểu sở thích của cha mẹ chồng qua anh, chị em và chồng mình, dành thêm thời gian tới lui thăm viếng, trò chuyện, quan tâm, quan sát thói quen, sở thích trong sinh hoạt của cha mẹ chồng. Hạnh Dung tin là khi đã có nhiều thông tin, em sẽ tự biết chọn món quà vừa hợp túi tiền, vừa hợp với tâm ý người được tặng.
Ngoài ra, lựa lúc thân tình, em cũng có thể chia sẻ thật nỗi lòng của mình với cha mẹ chồng, rằng em rất muốn tặng họ món quà ý nghĩa nhân dịp này, dịp khác nhưng sợ cha mẹ không ưng, nhờ họ cho em một gợi ý.
Nếu cha mẹ chồng vẫn khách sáo không đưa ra yêu cầu cụ thể và em sau khi tìm hiểu bằng nhiều cách vẫn không biết chọn quà gì thì có thể thử bàn với chồng tặng tiền cho cha mẹ. Một món tiền vừa phải, được đặt trân trọng trong bao lì xì kèm lời chúc chân thành của các con, có lẽ không cha mẹ nào nỡ từ chối.
Tóm lại, vật chất tuy cũng cần, nhưng quan trọng là ở tấm lòng. Của cho không bằng cách cho. Chỉ cần em đặt tấm lòng vào việc tặng quà, tin rằng người nhận sẽ cảm nhận được sự chân thành đó.
Theo phụ nữ TPHCM