leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

Con gái chị bạn tôi lấy chồng. Chị lo lắm vì thời gian đầu cháu phải sống ở nhà chồng. Con chị không khéo về nữ công gia chánh lại còn vụng ăn, vụng nói. Trước đám cưới, chị qua nhà sui gia thổ lộ về chuyện con gái mình không khéo léo. Gia đình chị lại có cách ăn uống không như các gia đình khác là cơm phải nấu mềm dẻo, món xào như đậu cô ve, rau muống, rau lang, khổ qua… cũng xào mềm mới ăn được, con chị quen cách đó rồi. Nếu như nhà sui gia có cách thức nấu ăn khác thì chỉ dạy cho cháu nấu phù hợp.

Bà sui mau mắn: "Chị không lo đâu, nhà tôi tuy thích ăn cách xào chín tái, giòn nhưng tôi sẽ chỉ cho cháu".

Cái sự lo của bà mẹ là đúng vì mẹ chồng - nàng dâu cặp “phạm trù” mang ý nghĩa nói về mối quan hệ cơm không lành, canh không ngọt của hai thế hệ phụ nữ trong một gia đình tưởng là xưa như trái đất, không phù hợp với thời “thế giới phẳng” hôm nay; thế nhưng, tưởng vậy chứ không phải vậy. Không ít các cô gái trẻ ngày nay tỏ ra lo lắng khi về nhà chồng và đôi lúc vì những chuyện bé mà xé ra to, xảy ra nhiều đáng tiếc.

Bên tình bên hiếu rõ ràng đã làm dùng dằng người đàn ông. Ngoài cửa phòng là bên hiếu, bên trong cửa phòng là bên tình. Về phe ai cũng không phải, bên này cất tiếng thì bên kia phản biện. Lời lẽ phản biện gay gắt hay tế nhị phụ thuộc vào cách cư xử của anh. Có người cho rằng mối xung đột này là do mẹ chồng gây ra, nhất là ở thời buổi mà gia đình càng ít con, tất nhiên, ai cũng muốn sở hữu người đàn ông theo cách của riêng mình. Người mẹ chăm bẵm con cực khổ bao lâu nay không muốn con trai mình “nô lệ” con gái nhà người ta! Còn nàng dâu, tất nhiên luôn muốn được sở hữu chồng mình… Từ những tâm lý rất nhỏ nhặt đó gây nên mối bất hòa lớn.

Rồi đến khi một thành viên tí hon ra đời. Người mẹ với quan niệm đã có kinh nghiệm nuôi con khỏe, dạy con ngoan, cũng muốn "sở hữu" cách nuôi đứa trẻ. Nàng dâu, cũng vì muốn "sở hữu" con theo cách của mình cũng tỏ ra bất bình vì bàn tay mẹ... dài quá mức. Thế là mâu thuẫn thêm mâu thuẫn.

Lúc này anh con trai, đồng thời là ông chồng, ông bố trẻ đứng giữa: “Thôi em, nhịn mẹ một chút, mẹ đã có kinh nghiệm nuôi anh khôn lớn”. Lúc này vợ lại thút thít: “Ừ, anh coi mẹ hơn em, em chẳng là gì đối với anh, con em mà em cũng chẳng có quyền”…

Cứ như thế, người đàn ông đứng giữa 2 làn nước. Bên nào cũng có trong và cũng có đục. Thôi chắc phải đánh bài... chuồn, mặc 2 người phụ nữ giải quyết với nhau. Và như thế, chính 2 người phụ nữ đã vô tình đẩy người đàn ông mà họ yêu thương ra khỏi nhà.

“Nếu có một điều ước, mình ước không phải sống chung với mẹ chồng”, một nàng dâu hiện đại than thở. Tất nhiên, ai chẳng thích được sống riêng, tự do thoải mái, muốn ăn thì ăn, muốn ngủ thì ngủ, chén đĩa ăn xong để 3 ngày rửa cũng chẳng ai nói. Thế nhưng, hãy nhìn lại đi, tại sao mẹ chồng không thích mình, tại sao mẹ chồng phản ứng từ những chuyện rất nhỏ nhặt. Mẹ chồng khó tánh, xét nét hay vì mình không biết cư xử, không ngăn nắp…

Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, đó là nguyên tắc sống từ ngàn xưa đến giờ. Người có tuổi tất nhiên là khó tính, người trẻ tuổi lại ít chú ý cẩn thận không chỉ lời ăn, tiếng nói mà còn trong hành động, trong nếp sinh hoạt gia đình. Quan trọng ở chỗ, bên nào cũng là con cưng, chồng là con cưng nhà chồng, mà vợ ít gì vợ cũng là con gái rượu nhà người ta.

Tuy nhiên, nói cho cùng, "nhập gia thì phải tùy tục", về sống với nhà chồng đừng nghĩ có thể làm cuộc… “cách mạng” về nếp sinh hoạt hay thay đổi thế giới quan và nhân sinh quan của mẹ chồng. "Đáo xứ phải tùy thân", ông bà xưa dặn vậy.

Các chuyên gia tâm lý luôn cho rằng, mối quan hệ mẹ chồng và nàng dâu là một mối quan hệ rất... mong manh. Người may mắn trên đời là người có mẹ chồng tuyệt vời hay có con dâu ngoan, lễ phép, biết nghe lời… Và không phải ngẫu nhiên mà hằng hà sa số các bài báo lôi cuốn sự chú ý của không ít độc giả như: “5 cách lấy lòng mẹ chồng”, “9 bài học cho cô dâu mới”, “Làm nàng dâu hiện đại”, “Cải thiện mối quan hệ với mẹ chồng”, “Để trở thành nàng dâu tuyệt vời”… Thì cũng có những cái tít: “Học làm mẹ chồng”, “Mối quan hệ với con dâu”…

Nói tóm lại, chỉ 2 người phụ nữ thôi, nhưng gây nên bao sự phức tạp mà họ không bao giờ muốn. “Cuộc chiến hoa hồng” này luôn bất phân thắng bại nếu không có sự cảm thông và tình yêu thương. Nhiều cặp đôi tan vỡ chỉ vì những điều mà sau này nghĩ lại, có người còn mang sự căm ghét mẹ chồng hay con dâu đến độ không muốn nhìn mặt cháu. Cũng có khi sự ân hận từ cả đôi phía: "Phải chi hồi đó mình biết kiềm chế thì chuyện đã không tới mức này...".

Theo phụ nữ TPHCM