Chị nói, đời của chị với anh phải cực khổ vất vả làm lụng đủ nghề đủ việc, lận đận hơn nửa đời người mới mua nổi căn nhà để có nơi ra vào. Nếu như con cái chúng ta không phải oằn lưng lo chỗ ở, thì cuộc sống của chúng sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều.
Anh trai tôi đương nhiên đồng ý. Số tiền tích cóp để mua được căn nhà ấy mang đúng nghĩa “của chồng, công vợ”.
Anh làm công việc quản lý cho một công ty của Nhật, thu nhập mỗi tháng anh đưa hết cho chị. Chị là mẫu phụ nữ chuẩn mực “tay hòm chìa khóa”. Tiền của anh, chị chỉ chi tiêu vào những việc chính đáng cho gia đình. Ít khi chị cầm đồng tiền của anh mà chi tiêu cho nhu cầu bản thân. Đừng nói tới mỹ phẩm, hàng hiệu, chỉ là quần áo, giày dép bình thường, nhưng anh nói mãi chị mới mua để dùng.
Chị sống tiết kiệm, kham khổ, cuối cùng chị mất vì căn bệnh có lẽ phần nào cũng từ lối sống kham khổ ấy mà ra - ung thư dạ dày. Điều ấy khiến anh tôi càng đau lòng.
Nhưng rồi ở hành trình cuộc đời, ai cũng ít nhiều một vài lần phải gạt nước mắt bước về phía trước. 3 năm sau tang vợ, anh quen một người phụ nữ cùng hoàn cảnh. Chị ấy một mình nuôi 3 đứa con, bằng với tuổi của 2 đứa cháu tôi, có đứa đang học cấp III, có đứa đã vào đại học.
Cả gia đình tôi đều công nhận rằng, nhờ sự xuất hiện của chị mà tinh thần anh tôi khá lên rất nhiều. Anh bỏ dần những cuộc chè chén bù khú hại sức khỏe do đau buồn, nhớ thương vợ. Gian bếp có bàn tay phụ nữ, những bữa cơm cũng đều đặn hơn. Anh vui vẻ, hoạt bát, nói cười nhiều hơn, nên ai cũng vui cho anh. Chẳng bao lâu sau, họ về chung nhà.
Căn nhà chứa đến 7 người lớn, thành ra chật chội. 2 cháu của tôi đã lớn và rất hiểu chuyện. Với các cháu, chỉ cần ba vui khỏe là được, nên các cháu cố gắng sống hài hòa trong gia đình mới. Nhưng rồi chỉ được một thời gian ngắn, chúng đã lấy lý do ra ngoài ở trọ để tiện cho việc học hành những năm cuối đại học.
Mỗi lần tôi đến thăm anh, thấy anh vui khỏe, tôi rất mừng. Nhưng khi nhìn vào căn phòng 2 cháu, giờ đã là phòng của những đứa trẻ khác, tôi thấy khó chịu. Và tôi bắt đầu hoài nghi anh...
Mới ngày nào anh còn suy sụp vì vợ mất, vậy mà giờ cả 2 đứa con cũng ra rìa vì sự xuất hiện của người phụ nữ mới. Và vấn đề quan trọng trước khi mất đi, chị dâu tôi dặn dò không biết anh có còn nhớ, đó là dù thế nào cũng phải giữ lại căn nhà cho 2 con. Vậy, nhà của cháu tôi đâu rồi?
Biết tính tôi thể nào cũng sẽ làm ầm ĩ, anh ôn tồn nói tôi yên tâm, anh sẽ có cách giải quyết mà không để 2 cháu ở trọ nữa.
Tôi biết tính anh nói được - làm được. Tuy nhiên, khi biết cách giải quyết của anh, tôi càng thêm buồn lo. Anh gom góp tiền, mượn thêm ngân hàng để rồi phải gánh một đống nợ lớn để mua một căn hộ cũ cho 2 con ở. 4 mẹ con người phụ nữ kia vẫn đường đường chính chính ở trong căn nhà của anh chị tôi.
|
Anh tôi còng lưng làm việc để trả nợ mua ngôi nhà thứ 2 (ảnh minh họa) |
Anh nói: “Anh biết em thương anh và các cháu, nhưng chị dâu là người tốt, chị thật sự yêu thương anh chứ không có mục đích gì khác. Anh mong em nhìn nhận chị ấy như người một nhà”.
Đến nước này, tôi chẳng biết phải nói gì. Cứ nghĩ đến cảnh anh trai làm quần quật mỗi ngày mười mấy tiếng ở công ty, lo lắng đến bạc đầu để kiếm tiền trang trải cuộc sống cho mái ấm mới và trả nợ tiền vay mua căn hộ cho 2 con, tôi lại thở dài xót xa...
Theo phụ nữ TPHCM