Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em lập gia đình lần hai với người cũng đã 1 lần đổ vỡ. Lúc ấy, chồng em có con gái 5 tuổi, vợ cũ đang nuôi; em có con trai 6 tuổi, đang sống với em.

Khi cưới nhau, con trai em về sống chung. Con rất ngoan, gọi anh bằng cha tự nhiên, anh cũng coi bé như con đẻ. Vợ chồng em đều đã 1 lần sai lầm nên hiểu và thông cảm với nhau nhiều chuyện.

Cưới được 2 năm thì em có bé gái, nay cũng đã được hơn 3 tuổi. Chồng em mới được phân về chi nhánh tỉnh, cách xa nhà; anh ở lại chỗ làm khoảng 1 tuần, 10 ngày mới về nhà vài ngày.

Gia đình em sống riêng, nhưng cha mẹ chồng cũng ở gần trong một chung cư, nên thỉnh thoảng những ngày quá kẹt không thể thu xếp được, em phải gửi con sang nhờ ông bà trông giúp.

Mấy bữa đón con về, thấy con buồn buồn, không chơi chung với em gái, em gặng hỏi mới biết, khi con sang nhà ông bà đã bị phân biệt đối xử. Mẹ chồng em nói con không phải là cháu của ông bà, chỉ có em gái nhỏ mới là cháu ruột. Bà nội là bà nội của bé nhỏ, chứ không phải là bà nội của con.

Con đi học về đói bụng, xin uống sữa, nhưng bà bảo hết sữa rồi, chỉ còn sữa cho em thôi, về nhà bảo mẹ mua sữa cho mà uống. Em rất khổ tâm! Chồng em là cha dượng của bé vẫn rất yêu thương bé, mà ông bà thì lại không thể bỏ qua. Con không muốn sang nhà ông bà nữa.

Mấy nay em phải gửi con cho cô giáo, xong lớp học, con về nhà cô; em đi làm về, đến nhà cô đón con lớn đưa về nhà rồi mới chạy sang nhà ông bà đón con nhỏ. 2 con ở 2 nơi, quá vất vả, em sợ ý nghĩ phân biệt “con chung con riêng” ngày càng khắc sâu trong tâm trí con.

Xin chị cho em lời khuyên.

Minh Luyến (TPHCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Em Minh Luyến thân mến,

Con trai em lên 9 tuổi, ở tuổi này, trẻ nhạy cảm đối với mọi biểu hiện tình cảm, cư xử của người lớn. Sự công bằng chia sẻ đối với trẻ là cực kỳ quan trọng. Nhưng cũng có thể, lúc nào đó khi ở nhà ông bà, sự thiên vị của ông bà đối với bé lớn - bé nhỏ bị cảm nhận thành sự thiên vị giữa con chung - con riêng.

Giữa các thế hệ quá cách xa nhau về tuổi tác, sự hiểu lầm xảy ra là bình thường. Vậy nên, em cũng đừng quá thiên về ý nghĩ ông bà phân biệt đối xử. Em hãy nói chuyện với con nhiều hơn, giải thích cho con hiểu, em gái nếu được ưu tiên hơn có thể chỉ là vì em còn nhỏ.

Chuyện hộp sữa, em có thể mua sẵn, để vô cặp cho con hay mang sang để ở nhà ông bà. Người lớn tuổi ngại đi mua sắm, lúc cần, nếu có sẵn thì những chuyện tương tự đỡ xảy ra.

Tuy nhiên, vợ chồng em cũng có thể tìm một phương án để hạn chế những việc mình không mong muốn. Em có may mắn là chồng em coi bé như con ruột. Em nên nói chuyện với chồng. Vì cả 2 vợ chồng đều có những trải nghiệm có thể chia sẻ với nhau, nên em có thể thẳng thắn.

Gửi con ở nhà cô giáo là một phương án, tất nhiên mình phải chịu vất vả nhiều hơn, nhưng nếu con mình vui hơn, thời gian đó có ích cho con hơn, cũng phải chấp nhận em ạ.

Phương án thứ hai là nhờ người thân quen hoặc tìm người giúp. Mục tiêu của mình là để luôn có người ở nhà, chăm sóc được cả 2 bé thì tốt hoặc nếu không thì ít nhất con trai em đi học về có thể về thẳng nhà.

Một mình em khó có thể chu toàn hết nhiều vai trò khó: vừa bận rộn việc công ty, vừa là người vợ có chồng đi làm xa, lại là người mẹ có 2 con nhỏ đang cần chăm sóc. Nói chuyện với cha mẹ chồng trong hoàn cảnh này không dễ dàng gì, nhiều khi còn thêm rắc rối.

Em cố gắng vượt qua giai đoạn này, khi con em lớn hơn hoặc khi ông bà thông cảm với em hơn, có thể mọi chuyện sẽ khác. Chúc em thu xếp yên ổn việc nhà và mãi là người mẹ mà các con em hết mực tin tưởng, yêu thương.

Theo phụ nữ TPHCM