Chị Hường nhiều năm nay đơn thân nuôi 2 con gái. Chồng chị không chu cấp tiền cho con, lâu nay chị phải “cân” hết các chi phí.

Là giáo viên tiếng Anh, trước kia, thu nhập từ lương, từ tiền dạy thêm bên ngoài của chị khoảng 30 triệu đồng/tháng. Mẹ con chị ở trong căn nhà chung cư, đời sống tạm gọi là dư giả. Năm nào các con chị cũng được đi du lịch hè, tết.

Từ năm 2020, dịch COVID-19 xảy ra, các trung tâm ngoại ngữ nơi chị Hường cộng tác đóng cửa, lớp học kèm tại nhà cũng không còn. Thu nhập của chị Hường bị ảnh hưởng.

Thấy vợ chồng bạn thân chơi chứng khoán và lãi khủng, chị Hường bắt đầu tìm hiểu. Ban đầu, chị nghe bạn bỏ ra vài chục triệu đồng mua 1, 2 mã cổ phiếu, tập tành chơi để "kiếm thêm đồng rau dưa".

Thấy lãi từ chứng khoán cao hơn mua vàng hay gửi ngân hàng, chị Hường bán vàng dồn vào đầu tư chứng khoán. Có bao nhiêu tiền tiết kiệm, chị “tất tay” vào những mã đang tạo sóng "ngon ăn".

Ảnh minh hoạ.
Cơn say chứng khoán khiến nhiều người lao đao (Ảnh minh hoạ)

Chị Hường rơi vào “cơn say” chứng khoán từ khi nào không hay. Chị mua các sách về chứng khoán đọc, tìm hiểu qua các bài viết trên mạng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Chị đam mê tới nỗi có thể đọc chúng thâu đêm. 

Giống như hàng nghìn nhà đầu tư non trẻ khác, chị Hường cũng lao và sóng cổ phiếu bất động sản như DIG, FLC, GEX, PDR… Có thời điểm chị lãi tới 50% nên chị hãnh diện khi cơ hội giàu có sắp đến với mình.

Tháng 9 năm ngoái, chị Hường quyết định vay mẹ 300 triệu đồng để đổ tiếp vào chứng khoán. Bạn bè, đồng nghiệp loay hoay tìm việc làm thêm giữa mùa COVID-19 vì học sinh ở nhà thì nữ giáo viên này rất hớn hở khi "tiền liên tục đẻ ra tiền". Chị dự tính đến tết sẽ mua cái xe ô tô để ba mẹ con đi lại đỡ cảnh nắng mưa.

Không chỉ mua vào - bán ra, chị Hường còn được nhân viêm môi giới trên các diễn đàn chứng khoán mời chơi margin (đòn bẩy tài chính). Với tâm lý chỉ có thắng, không lo thua, chị Hường rất tự tin, càng chơi càng ham. Chị gái chị Hường cũng hùn vốn cho em đầu tư chứng khoán.

Người tính không bằng trời tính, đến đầu năm 2022, thị trường chứng khoán lao dốc. Các nhà đầu tư sau thời gian “gồng lỗ” đều cố gắng bán để thu hồi vốn, chị Hường như người mất hồn. Mất tiền của mình cũng xót nhưng chị Hường lo lắng khoản vay của mẹ 300 triệu đồng và chị gái chị gửi 200 triệu đồng, đến nay tổng tài khoản chứng khoán của chị đã lỗ hơn 30% so với vốn ban đầu.

Chị đau đầu nhìn số tiền của mình mất từng ngày, sốt sắng, lo lắng cũng không biết nên làm thể nào. Sàn đỏ rực, tiền bốc hơi nhanh đến mức chị không còn dám mở màn hình lên xem thông tin thị trường.

"Có nhiều ngày tôi tuyệt vọng, chẳng dám vào app nữa, tôi sợ nhìn những con số nảy trên màn hình. Sóng chứng khoán đánh tôi giạt tận ngoài hoang đảo, không biết đến bao giờ mới bơi được về bờ“- chị Hường chia sẻ. 

Đa số các nhà đầu tư F0 đang lỗ từ 30 tới 50% so với vốn ban đầu (Ảnh minh họa)
Đa số các nhà đầu tư F0 đang lỗ từ 30 tới 50% so với vốn ban đầu (Ảnh minh họa)

Chuyên gia của quỹ đầu tư tài chính VinaCapital cảnh báo trên báo chí rằng, khi mới bước vào thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư F0 như chị Hường thường mắc phải một số sai lầm như: đầu tư kiểu hên - xui, không biết khi nào nên gồng lỗ hay cắt lỗ, không có mục tiêu đầu tư cụ thể… Vì thế, để tránh rủi ro, các nhà đầu tư cần lập kế hoạch kỹ càng trước khi đầu tư vào chứng khoán. Nên bắt đầu với số vốn vừa phải, không nên thử sức với số tiền lớn tránh rủi ro cao.

Ông Phạm Quang Huy - Giám đốc trung tâm khách hàng cao cấp công ty cổ phần Chứng khoán KBSV chia sẻ với truyền thông: Nhà đầu tư F0 mới vào thị trường chứng khoán thường bắt đầu bằng một số vốn nhỏ. Khi lợi nhuận tăng trưởng hấp dẫn 30% thì họ dồn vốn gấp 4 hay 5 lần vào. Sau đó họ rất dễ "tất tay". Nhưng chỉ cần một đợt thị trường điều chỉnh, có thể xoá bỏ toàn bộ thành quả.

Ông Huy cho rằng, khi đầu tư tài chính, bạn cần kiến thức và sự thận trọng. Đừng vay mượn để lao vào thị trường chứng khoản khi chưa đủ hiểu biết và kinh nghiệm, vì không phải lúc nào việc đầu tư cũng suôn sẻ, có khả năng sinh lời.

Theo phunuonline.com.vn