Chị Hạnh Dung mến,
Tôi có một cậu con trai 7 tuổi, hiểu chuyện nhưng cũng rất bướng bỉnh. Cháu luôn cãi, bày tỏ quan điểm và chỉ chấp hành sau khi đã “thua cuộc” trước lý lẽ của ba mẹ. Tôi làm giáo dục nên cũng hạn chế đánh con, nhưng có nhiều tình huống mà sự trả treo của con đẩy tôi vào tình thế “phải cho một trận”. Giữa những đứa trẻ biết vâng lời thì con tôi giống như đứa trẻ không được giáo dục.
Gần đây, khi con nằng nặc đòi mặc bộ quần áo cũ mèm vì “mặc vậy con mới thoải mái”, ba chồng tôi nói: “Cháu không phải là con cháu trong nhà này”. Ý ba là con tôi lạc loài với sự lịch thiệp, nền nếp của gia đình. Câu nói của ba chồng làm tôi rất đau. Tôi đã gằn giọng bắt cháu thay đồ và đập cháu một trận để dạy dỗ cháu trước mặt mọi người.
Nhưng trận đòn đó làm tôi khổ tâm suốt. Tôi không biết mình đã sai ở đâu. Tôi cũng chăm sóc con, theo sát con từ nhỏ, nhưng không hiểu sao con tôi lại trở thành đứa trẻ bất trị như vậy. Đôi lúc tôi nghe chồng mắng con: “Bố không hiểu sao lại sinh ra con”. Tôi cũng không hiểu sao lại sinh ra một đứa trẻ như vậy?
K.A. (Đồng Nai)
|
Ảnh minh họa |
K.A. mến,
7 tuổi, hiểu chuyện và bướng bỉnh là những yếu tố của một đứa trẻ thú vị. Đương nhiên, sự thú vị đó đôi khi sẽ bộc lộ bằng những điều không thuận với mong muốn của người lớn. Nhưng lộ trình phát triển của một đứa trẻ lại không liên quan mấy đến kỳ vọng của người lớn, chỉ có người lớn hay áp đặt sự kỳ vọng của mình lên trẻ.
Cần thẳng thắn nhìn nhận: người lớn trong gia đình bạn đang áp đặt lên cháu những điều không phù hợp. Mỗi đứa trẻ là một tính cách và trong quá trình lớn lên, các cháu sẽ liên tục bộc lộ những điều non nớt, lệch chuẩn.
Việc của người lớn là hướng dẫn cháu điều chỉnh hành vi. Việc hướng dẫn này cần rất nhiều thời gian, bao gồm một quá trình lắng nghe, cùng trẻ đọc vị những hành vi sai (lắng nghe và chia sẻ với trẻ xem cảm xúc nào, ý muốn nào, sự nhầm lẫn nào đã khiến trẻ có những hành vi lệch chuẩn đó) và dần dần hướng dẫn trẻ xử lý những cảm xúc tiêu cực bằng hành vi đúng.
Hãy nhìn rộng ra bạn sẽ thấy, ngay cả người lớn vẫn có những hành vi lệch chuẩn khi đối diện với chuyện ngoài ý muốn. Ta có thể nổi giận, chống đối, đôi khi né tránh bằng việc nói dối… Ta hành động sai là vì ta chưa điều chỉnh được ý muốn và cảm xúc của mình, chưa học được cách đối diện với những điều đó bằng cách thức phù hợp, đúng đắn hơn.
Vậy thì, một đứa trẻ 7 tuổi còn khó khăn đến thế nào để hành xử cho chuẩn trước những tình huống phức tạp (như là bị ép mặc một bộ đồ mà cháu không thích)? Trong trường hợp này, ta nên nhẹ nhàng giải thích cho trẻ lý do nên chọn A mà không chọn B. Đồng thời, ta cần lắng nghe trẻ, xem vì sao trẻ lại chống đối đến mức như vậy.
Một đứa trẻ 7 tuổi làm sao biết được mọi lý lẽ ở đời để mà hành xử đúng. Trừ khi, cháu đã được giáo dục quá nghiêm khắc, bằng nỗi sợ, cháu sẽ vì sợ mà chỉ dám làm những điều trong khuôn phép, không bao giờ dám suy nghĩ hay lắng nghe ý muốn của mình.
Trong quá trình hỗ trợ, đồng hành với một đứa trẻ không hề có “bước” nào phải đánh đập, phán xét. Cần thẳng thắn thừa nhận, câu nói của ông nội và của ba cháu rất dễ làm trẻ tổn thương và tự tách mình ra khỏi gia đình. Mẹ cháu lại vô tình bồi đắp thêm sự tổn thương đó bằng một trận đòn để cháu phải khuất phục.
Hãy chấp nhận sự thật là con mình không thể giống những đứa trẻ khác, dù là trong cùng một gia đình và mọi hành vi ương bướng đều là tín hiệu để bạn hiểu ý muốn, cảm xúc và xu hướng tính cách của con. Đó là thông tin giúp bạn gần con, có hướng hỗ trợ, giúp đỡ con ngày càng hòa hợp hơn với môi trường sống, nhưng vẫn tôn trọng cá tính của con.
Bạn có thể tìm đọc sách nuôi dạy con để có nhận thức và niềm tin nền tảng vào những đứa trẻ. Theo đó, bạn sẽ thấy nhẹ lòng hơn, đỡ bị tác động bởi bên ngoài hơn, tự tin lắng nghe, yêu thương và thậm chí là tự hào về con của mình.
Theo phụ nữ TPHCM