Có lần, nàng theo tôi đến dự tiệc công ty rồi ngồi lì không chịu về, vì mải… tám chuyện với cô đồng nghiệp của tôi về đề tài yoga. Đồng nghiệp tôi từng học yoga lâu năm và khá uyên thâm về bộ môn này. Vợ tôi nghe lóm chuyện này trong bữa tiệc, rồi kéo luôn cô đồng nghiệp kia ra ngồi để hỏi han.

Tôi vốn định đưa vợ theo để dễ bề về sớm, ai dè chỉ vì vợ tò mò nên phát bực. Nhưng tôi vừa cằn nhằn, cô ấy đã nhanh nhảu nói: “Anh không biết chứ, em đọc bao nhiêu sách cũng không bằng một lần gặp đúng người, hỏi đúng chuyện đâu”.

Có đợt, vợ tôi mê trà. Nàng mua đủ loại sách vở về trà để đọc và tìm gặp tất cả những người theo nghề trà mà nàng có thể liên hệ để hỏi han. Sau khi nắm kiến thức hòm hòm, công cuộc đào sâu vẫn không ngừng lại. Mọi chuyến du lịch của gia đình đều được cô ấy “điều hướng” về các vùng trà như Bảo Lộc (Lâm Đồng), Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang…

leftcenterrightdel
 

Cô ấy đam mê không ngừng, đi không biết mỏi, hỏi không biết chán. Có lần, tôi bị vợ lôi đến gặp một nghệ nhân trà khi đang trong chuyến du lịch Hà Nội. Lý do là “vì người kia là đàn ông, gặp nhau lần đầu, cũng ngại”. Vừa bực vừa thương, lại biết rằng nếu ra đến đây mà không gặp được “kỳ nhân trà” chắc vợ mất ngủ, tôi đồng ý lên đường.

Lúc này thì tôi bắt đầu tò mò, xem cô ấy còn gì để hỏi khi đã biết quá nhiều về trà. Chẳng ngờ, trong cuộc đàm đạo khá ngang bằng giữa khách và chủ, cô ấy chợt hỏi: “Nếu anh pha một ấm trà mà lỡ sơ suất, không được hoàn hảo lắm, thì anh đổ đi hay anh vẫn uống?”.

Tôi vừa buồn cười, vừa nể phục sự tò mò vượt mọi đỉnh cao vực sâu của vợ. Nhưng nàng có cái tài đặt mọi câu hỏi điên rồ nhất một cách nghiêm túc nhất và người được hỏi luôn sẵn lòng trả lời. Vậy nên càng hỏi, cô ấy càng có thêm kiến thức, càng hiểu thêm nhiều chiều kích, góc độ của vấn đề.

“Sự nghiệp” tò mò về trà của vợ tôi chỉ dừng lại khi nàng đã hết người để hỏi và nhất là khi xuất hiện một mối quan tâm mới. Từ trà, sang rượu, sang hương thơm, rồi các xu hướng triết học, tâm linh… Cô ấy tìm hiểu không ngừng nghỉ. 

Nếu hỏi rằng sống với một người vợ như vậy có phiền không, xin thưa là rất phiền. Nhưng mỗi lần muốn nổi quạu với vợ, tôi lại nhớ giai đoạn chúng tôi vừa sinh đôi 2 cô con đầu. Cuộc sống khi ấy đảo lộn với quá nhiều bận bịu, áp lực về cả thời gian lẫn tài chính. Nhưng lịch sinh hoạt hằng ngày của vợ khi đó luôn có 20 phút để nghiên cứu về dinh dưỡng. Giai đoạn đó, vợ đang “tò mò” về việc ăn uống khoa học và cách kết hợp các loại thực phẩm để tối ưu dinh dưỡng.

Có những ngày các con quấy khóc, hầu như không ngủ, cô ấy vẫn nhờ tôi chăm con 20 phút để đến với thú vui nghiên cứu. Có lúc tôi phát quạu vì nhà bao việc mà vợ cứ tới giờ lại đòi “20 phút học về dinh dưỡng”. Nhưng dù tôi quạu, cô ấy vẫn “học”, vẫn cứ tới giờ là giao ca, đều như vắt chanh.

Tôi âm thầm bực dọc, cho đến một ngày, 2 con tôi mắc bệnh thương hàn khá nặng. Khi các con đã vượt qua, vị bác sĩ thân thiết với gia đình khen 2 bé có nền sức khỏe rất tốt và nhờ chế độ ăn khoa học nên mới lướt nhanh và bình phục lẹ đến vậy.

Lúc ấy, vợ tôi bật khóc, nói cô ấy từng rất sợ có con vì nghĩ việc phải lo liệu cho một sinh mạng khác là quá sức. Đến khi mang song thai, cô ấy căng thẳng đến mức gần như trầm cảm và lối thoát chính là việc tìm hiểu về dinh dưỡng và những kiến thức về sức khỏe.

Đó là lần đầu tôi hiểu và thương cả sự tò mò và nỗi thèm kiến thức nơi vợ. Tôi phán xét đam mê học hỏi của vợ, đem cán cân thiệt/hơn để chê bai những đầu tư thái quá của vợ vào việc tìm hiểu kiến thức. Nhưng rốt cùng, ta đâu chắc rằng mình biết đủ về bạn đời để phán rằng việc nào đó là “tào lao”, “vô ích”. Nên thiết nghĩ, khi không làm ảnh hưởng quá nhiều đến sinh hoạt gia đình thì đam mê của bạn đời chính là thứ ta cần tôn trọng, trước khi đòi hỏi phải hiểu được nó. 

Theo phụ nữ TPHCM