Cô Hạnh Dung kính mến,
Cháu thấy mệt mỏi với cách sống của mẹ cháu. Từ ngày ly dị, mẹ cháu sống rất buông thả. Ba năm vừa qua, bà cặp với 5, 6 người đàn ông, người nào cũng chỉ vài ba tháng. Cháu thấy như là mẹ cháu vội vã kiếm một người đàn ông để khỏa lấp chỗ trống của ba cháu. Hay để trả thù ba cháu nữa thì phải.
Nhưng vì vội vàng và không cân nhắc, nên cháu thấy bà toàn gặp những kẻ không ra gì. Họ tới nhà cháu, được ăn uống, được phục vụ rất tận tình. Mẹ cháu có khi còn quên cả tụi cháu (cháu 15 tuổi, em cháu mới 7 tuổi), mà chỉ lo cho họ.
Cháu đã lớn và hiểu chuyện rồi, nên cháu không sợ họ. Nhưng cháu lo cho em gái cháu, nó còn quá nhỏ và rất dễ bị lợi dụng bởi những người đàn ông không rõ là mẹ cháu quen ở đâu và như thế nào. Khi cháu nói điều đó với mẹ, thì bi mẹ mắng chửi. Mẹ nói tụi cháu là gánh nợ của mẹ, cháu bịa đặt vì ghét mẹ có người mới...
Ba cháu thì cưới vợ mới ngay sau khi ly hôn mẹ cháu được vài tháng. Từ lâu rồi cháu không gặp ba. Nhưng cháu nghe nói ba cháu sống tốt lắm. Cháu nghĩ là chị em cháu về sống với ba sẽ tốt cho mẹ cháu và cả tụi cháu hơn. Cháu không sợ dì ghẻ, vì tụi cháu lớn rồi, không dễ bắt nạt tụi cháu như người ta thường đồn.
Nhưng khi cháu gọi cho ba và nói như vậy, thì ba cũng từ chối, nói rằng theo thỏa thuận của tòa thì tụi cháu sẽ ở với mẹ. Ba cháu mới có em bé và không muốn có mâu thuẫn gì với mẹ cháu. Ba cháu hỏi vì sao cháu muốn về sống với ba, nhưng cháu không dám kể, sợ là ba và mẹ sẽ gây gổ với nhau.
Bây giờ cháu phải làm sao để bảo vệ em gái cháu hả cô? Xin cô giúp đỡ chúng cháu.
Thanh Minh
|
Ảnh minh họa |
Cháu Thanh Minh thân mến,
Thật may mắn cho em gái cháu có một người chị tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã hiểu biết và có trách nhiệm, sẵn sàng che chở và bảo vệ em gái mình. Có được tinh thần này, cùng với sự giúp đỡ của người lớn cũng hiểu chuyện và thương yêu các cháu, chắc chắn em gái cháu sẽ được bình yên.
Tuy nhiên, đây là việc cháu không nên chậm trễ, vì mối nguy hiểm này là có thật, với cách sống của mẹ cháu. Chỉ cần một chút sơ hở khi cháu không có nhà vào lúc cần thiết, là em cháu sẽ gặp nguy hiểm.
Nên dù có thương mẹ, hay sợ những mâu thuẫn, cãi vã của người lớn, cháu cũng nhất định phải tìm đến những sự trợ giúp của những người có thể.
Trước tiên cháu hãy cố gắng nói chuyện với mẹ một lần nữa, nếu có những câu chuyện cụ thể về sự sợ hãi của em cháu, về những chuyện xâm hại tương tự mà cháu từng đọc từng nghe trên báo đài.
Hãy thẳng thắn nói với mẹ rằng nếu tụi cháu là gánh nặng của mẹ thì mong mẹ hãy trao đổi với ba hay với ông bà nội ngoại, để tìm cho các cháu một nơi ở an toàn. Hãy nói với mẹ rằng nếu mẹ không làm điều đó, thì tự cháu sẽ trao đổi với những người lớn. Đây là một cách đe dọa ngầm mẹ cháu, để bà phải quan tâm đến sự việc.
Trong trường hợp những lời nói của cháu không có tác dụng gì, cháu hãy làm điều mình đe dọa, nhưng có thể bắt đầu từ người thân của chính mẹ. Những góp ý của ông bà cô chú bên ngoại ít nhất sẽ không làm cho mẹ cảm thấy bị đả kích mà dễ lắng nghe hơn.
Trong chuyện này, chính ba cháu là người có trách nhiệm ngang bằng với mẹ cháu và là người có quyền hạn trực tiếp nhất bảo vệ tụi cháu, nên nếu người thân của mẹ cháu mà không làm cho bà tỉnh ngộ được, thì nhất định cháu phải nhờ cậy đến ba cháu. Đừng vì e ngại sự cãi cọ của họ mà để nguy hiểm đến cháu và em gái.
Trường hợp khẩn cấp, cháu có thể tìm đến sự bảo vệ của bất kỳ ai, kể cả những người làm trong bộ máy chính quyền đoàn thể khu vực cháu ở, cháu nhé.
Cuối cùng, cô chỉ biết chúc cháu mạnh mẽ, vững vàng và cương quyết bảo vệ mình và em gái. Hy vọng rằng cháu đủ khả năng đánh thức lương tâm về trách nhiệm của những người lớn xung quanh cháu.
Theo phụ nữ TPHCM