Từ ngày tham gia một khóa học phát triển bản thân qua mạng, Phương hay ngồi ngẩn người ra rồi hỏi chồng: “Anh, mình đang có sứ mệnh gì với cuộc đời này vậy?”.

Sứ mệnh với cuộc đời? Xưa nay vợ chồng cắm cúi làm lụng, cống hiến. Làm ở đâu cũng được đánh giá cao vì sự tận tụy. Nhưng chưa bao giờ cả hai ngồi nói với nhau về những thứ như là sứ mệnh. Mấy chữ này, Tú - chồng Phương - chỉ nghe trong những cuộc họp tập đoàn, những buổi team building, anh chưa từng nghe trong nhà mình.

Nhưng anh đâu ngờ, đó là điều đang làm vợ anh đau đáu. Phương bắt đầu chia sẻ, lớp học phát triển bản thân khiến cô nhận ra cô chưa làm được gì cho cuộc đời. Cô tự hỏi cả hai vợ chồng đã làm gì để đóng góp cho đời? Để xứng với 22 năm đèn sách và bao nhiêu tiền của cha mẹ, của đất nước?

 
                              Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Tú càng không ngờ, đó là giai đoạn “lịch sử” của gia đình. Bởi Phương càng lúc càng đi xa quá. Cô tham gia hết lớp học này đến lớp học khác trên mạng, nhằm… đánh thức năng lực bên trong. Ban đầu, Phương thường xuyên chia sẻ những điều học được để khai sáng cho chồng.

Những câu chuyện đại loại như là “bạn vốn là nhà vô địch, vì bạn đã chiến thắng hàng triệu con tinh trùng khác để thụ thai, vì vậy, hãy sống như một nhà vô địch”.

Tú nghe xong gật gù: “Nghe cũng ấn tượng, nhưng đại loại là hãy sống cho tích cực và tự tin vào bản thân đúng không?”. Phương nguýt chồng một cái rõ dài, chê chồng “năng lượng yếu”.

Giao tiếp vợ chồng từ đó thay đổi hẳn, những từ khóa Phương hay dùng là “năng lượng”, “bình an”, “sứ mệnh”, rồi “luật hấp dẫn”, “luật vũ trụ”.

Vợ chồng hầu như không chia sẻ gì được với nhau vì hễ nói một chặp là Phương lại lái câu chuyện sang những câu từ và hệ thống lý giải của… các lớp học phát triển bản thân, điều mà Tú không thể vận dụng trong lúc đang cao trào cảm xúc hoặc rối bời tâm trạng. 

Tú nhớ, một trong những lần đầu tiên anh dở khóc dở cười là khi lô hàng do nhóm anh phụ trách bị ách lại cảng do lỗi chứng từ. Tất nhiên anh không mong Phương sẽ giúp anh giải quyết mà chỉ chia sẻ theo quán tính của một người bạn đời.

Thế nhưng anh vừa dứt lời, giọng Phương đã “đầy năng lượng”: “Qua chuyện này, vũ trụ đang gửi đến anh bài học gì đó!”. Thấy Tú lo lắng, Phương lại chốt hạ: “Năng lượng của sự lo lắng sẽ khiến anh hấp dẫn toàn những tai ương, anh cần phải vui lên, phải tạo cho mình năng lượng tốt để đạt đến tần số của những điều tốt đẹp!”.

Trong khi Tú dở khóc dở cười với cô vợ đang “phát triển bản thân” thì Triết Lam - một cô vợ trẻ giữa Sài Gòn - lại khốn khổ với anh chồng “thanh lọc”.

Từ ngày học được một khóa thanh lọc cơ thể, Phú - chồng Lam - coi mọi thứ thức ăn hằng ngày như… kẻ thù. Phú nhìn đâu cũng thấy đường, mỡ, tinh bột xấu. Lam vốn cũng là một bà nội trợ hiểu biết, cô luôn cân đối dinh dưỡng trong nấu nướng và điều chỉnh liên tục dựa vào kết quả khám sức khỏe tổng quát mỗi sáu tháng của gia đình.

Nhưng, mọi sự kiểm soát của Lam đều là… muỗi, khi chồng cô giác ngộ sự thanh lọc. Nhìn tô cháo hỗn hợp của con, anh chau mày hỏi: “Thịt đỏ à?”. 

“Thịt đỏ” là một tí xíu thịt bò băm nhuyễn mà Lam bỏ vào nồi cháo đủ thứ loại hạt và rau củ của con. Thực chất, những nguyên tắc của sự thanh lọc thì Lam cũng biết thừa.

Nhưng vì không thể đảm bảo 100% bữa ăn đều “thanh lọc”, nên cô vẫn phải trữ một chút thực phẩm làm sẵn để phòng cho những bữa ăn phụ vào những ngày quá bận bịu. Rồi mọi nỗ lực chuẩn bị đó của Lam đều bị chồng nhìn như là… thuốc độc.

Đỉnh điểm là khi Phú tuyên bố ăn riêng với lý lẽ: “Anh ăn uống thanh cảnh nên tự lo được, để khỏi tạo áp lực buộc em phải thay đổi”.

Tuyên bố đó gây chia rẽ nghiêm trọng. Lam đầy ấm ức, cô cảm giác ánh mắt chồng nhìn về mấy mẹ con giống như đang nhìn về… miếng thịt đỏ hay mớ tinh bột xấu. Nhưng cô kệ, vì biết lý lẽ cuộc sống chẳng thắng nổi “chân lý thanh lọc”.

Nhưng, lý lẽ cuộc sống thì… không để yên. Người theo “chân lý thanh lọc” như Phú, hay theo triết thuyết “phát triển bản thân” như Phương, rồi cũng đối diện với những thách thức ngày thường. Mải “phát triển bản thân”, lắng nghe “lời hồi đáp vũ trụ” rồi đi tìm sứ mệnh đời mình, Phương ngập trong những nợ nần công việc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong lúc còn thắc mắc “nhà vô địch trong mình mang sứ mệnh gì”, cô xém mất việc ở công ty và hốt hoảng sợ mất nguồn thu nhập duy nhất trong đại dịch. Lúc này, Tú phải đứng ra vực vợ dậy giữa đống hỏa mù giữa nhận thức và thực tế.

Anh phân định rạch ròi giữa trách nhiệm, nhu cầu và lý tưởng. Anh bóc hết những “vỏ từ” hoành tráng đang làm Phương mê mẩn, khẳng định cô đang học được những điều rất hay, rất truyền cảm hứng, nhưng phải dùng cảm hứng đó cho cuộc sống thực tế, để làm tốt hơn việc mình đang làm, và sống tốt hơn với cuộc đời mình đang sống.

Còn Phú, sau bao nhiêu phen thất vọng vì rau củ organic (hữu cơ) anh mua không chuẩn organic, anh lại vấp phải áp lực thời gian. Dù “ăn uống thanh cảnh” nhưng việc phải họp hành, làm việc, gặp gỡ đối tác khiến anh mệt rũ người khi vào bữa.

Rồi người đàn ông thanh lọc hay chọn cách bỏ bữa để khỏi phải soạn sửa, chuẩn bị. Lúc này, anh đành tìm về với bữa ăn của vợ. Dù “không chuẩn thanh lọc”, nhưng xét về giá trị dinh dưỡng và sự điều độ thì những mâm cơm của Lam vẫn là “đỉnh của chóp”.

Thật may, bạn đời của Phương và Phú vẫn còn ở đó với những nỗ lực rất bình thường, và sự kết nối bình thường như hơi thở. Phát triển bản thân, thanh lọc hay bất kỳ một ý muốn cải thiện cuộc sống nào cũng tốt.

Nhưng nó tốt ở bản chất, khi người ta tiếp thu cảm hứng và phương pháp để áp dụng vào thực tế cuộc sống. Chứ nó không thể là một bầu trời chân lý trong một sớm một chiều có thể rũ sạch văn hóa tổ chức cuộc sống, đặc biệt là ngôn ngữ giao tiếp, chia sẻ của một gia đình.

Và chắc chắn, không một chân lý nào đủ tốt để trở thành công cụ phán xét, đánh giá bạn đời, cùng một văn hóa hôn nhân mà chính bạn đã góp phần tạo nên nó.