Ngoài 30 tuổi Cẩm mới lấy chồng, dù cô xinh đẹp, có công việc thu nhập cao. Cẩm lấy chồng muộn vì mối tình tha thiết với người bạn hồi đại học không thành, anh ta cưới ngay người yêu cũ khi chia tay cô… 1 tháng, Cẩm rơi vào trầm cảm, phải điều trị bằng thuốc và các liệu pháp tâm lý một thời gian khá dài.

Chồng Cẩm là con út trong gia đình thị dân Hà Nội, có cửa hàng kinh doanh thời trang mặt phố. Có điều Cẩm thấy lạ: Gia đình có thu nhập không hề nhỏ từ cửa hàng trên phố lớn, nhưng ngôi nhà anh sống cùng với bố mẹ rất bé và lụp xụp. Căn phòng tân hôn của Cẩm có lẽ phải đầu tư kha khá mới có thể gọi là “ở được”.

leftcenterrightdel
 Cẩm đã dồn sức chăm lo cho đám cưới, hy vọng vào cuộc hôn nhân tốt đẹp (ảnh minh họa)

Khi Cẩm bày tỏ mong muốn được sửa căn phòng trước khi cưới, chồng Cẩm đồng ý ngay, nhưng thay vì chi tiền ra sửa, anh ta nói Cẩm cứ bỏ tiền ra ứng trước, khi nào cưới xong sẽ hạch toán với… bố mẹ.

Cẩm do dự, nhưng vẫn làm theo. Cô không ngờ mối quan hệ vợ chồng mình xước một vệt lớn tại đây.

Cưới xong, Cẩm và chồng ra đảo Cát Bà hưởng tuần trăng mật. Rất nhiều ảnh đẹp được cô khoe trên trang cá nhân, nhận được bao lời trầm trồ chúc phúc của mọi người. Chỉ không ai biết Cẩm phải bỏ tiền riêng chi cho chuyến đi. Chồng vẫn hứa sẽ nhắc bố mẹ thanh toán, đằng nào cũng là tiền của vợ chồng, tiêu trước thì khỏi tiêu sau.

Làm dâu, tháng đầu tiên Cẩm lĩnh lương, mẹ chồng yêu cầu cô đưa toàn bộ tiền lương cho bà giữ, để còn chi tiêu chung. Cẩm kinh ngạc. Lương tháng của chồng Cẩm bà cũng giữ, vợ chồng cô tiêu bằng gì?

Mẹ chồng Cẩm thản nhiên: “Bao giờ ra ở riêng mới nghĩ đến chuyện giữ tiền riêng nhé”.

Cẩm ngây thơ hỏi chồng: “Bao giờ chúng ta ra riêng?”. Không ngờ anh ta cũng thản nhiên như mẹ: “Mẹ bảo, khi nào mẹ chết chúng ta mới được ra riêng”.

Hồi mới về nhà chồng, Cẩm nhiều lần nói muốn tách khẩu ở quê để nhập vào sổ hộ khẩu nhà chồng cho tiện làm giấy tờ sau này. Mẹ chồng bảo khi nào sinh con mới tính. Cẩm hỏi ý chồng, anh bảo: “Thôi em kệ đi, nhập khẩu có quan trọng gì lắm đâu. Nhập sau cũng được”.

Nhà chồng hiếm con. Mấy người anh chị chồng đã kết hôn từ lâu nhưng chưa ai có con, nên ngày nào cũng có ông anh, hay bà chị gọi điện hỏi: “Có gì chưa?”. Chồng Cẩm luôn không trả lời, mà đẩy điện thoại cho Cẩm: “Các anh chị hỏi, em lựa mà trả lời đi.”

Cuối cùng Cẩm cũng có thai, nhưng mới 2 tuần cô đã phải nhập viện. Cẩm phải nhập viện 3 lần như thế để giữ thai. Những lần Cẩm đi bệnh viện, chồng và gia đình chồng không chi một xu tiền viện phí nào. Họ nói Cẩm đã có bảo hiểm, cần gì nhờ đến gia đình.

Cẩm âm thầm khóc, những ký ức đau buồn và ám ảnh về thời gian điều trị tâm lý trước đây lại hành hạ. Nhưng Cẩm tự nhủ lòng phải vượt qua tất cả. Bởi dù chồng có phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ, đến tiền cũng không dám giữ cho riêng mình đề phòng những tình huống bất ngờ trong cuộc sống, thì chồng vẫn khá quan tâm vợ. Cẩm tự an ủi: ít ra anh cũng yêu Cẩm thật lòng.

Cẩm sinh con, nhà ngoại xin đón Cẩm và con về chơi, nhưng mẹ chồng Cẩm nhất định không cho cháu nhỏ rời khỏi nhà. Bà nói thẳng: “Cháu nó chẳng cần bú mẹ. Mẹ nó từng bị trầm cảm, uống sữa mẹ nhỡ nó làm sao thì tính sao?”

Chồng thì động viên Cẩm: “Em cứ về nhà ngoại nghỉ ngơi một thời gian, anh sẽ chăm con chu đáo, rồi mấy hôm nữa anh thuyết phục mẹ, cha con sẽ đi taxi về với em”.

Cẩm quá mỏi mệt vì suốt từ khi sinh con đến nay, tự cô phải nấu ăn, chăm sóc mình và con. Chồng vẫn mải mê quan tâm cửa hàng, mẹ và anh chị chồng không ai giúp một tay, thế là Cẩm muốn về bên ngoại. Cẩm cũng không ngờ, chồng cô đã khai sinh, nhập khẩu cho con vào sổ hộ khẩu nhà anh. Mẹ Cẩm xót xa: “Họ coi con là người đẻ thuê rồi con ạ.”

Bao lần Cẩm gọi điện cầu xin anh đưa con về với cô, anh chỉ im lặng. Cách đây ít ngày, Cẩm gọi video call, hỏi trong nước mắt: “Anh có còn muốn sống cùng em và con không?”. Anh ta vội quay đi, giấu 2 hàng nước mắt cũng đang rơi, rồi lấy cớ con khóc, anh tắt máy...

Theo phụ nữ TPHCM