leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

Chị Thanh Tâm yêu quý!

Tôi có mấy nhóm bạn học cùng cấp 3, bạn hàng xóm cũ, bạn học đại học, bạn cùng cơ quan… Các nhóm không bao giờ gặp nhau nên đương nhiên cũng chẳng biết nhau. Nhưng tháng trước, lớp cấp 3 chúng tôi họp lớp, không khí trầm buồn hẳn vì có một bạn bị ung thư vú. Mỗi người chúng tôi đều lặng lẽ tìm cách giúp đỡ, động viên, khích lệ bạn nhiều nhất có thể.

Tôi tìm đến cô bạn thân đại học làm trình dược viên để kết nối bác sĩ giỏi và hỏi thông tin về các loại thuốc mới. Biết bạn tôi đang điều trị ở một bác sĩ giỏi, tôi rất yên tâm. Và tôi cũng đã đặt mua mấy loại thực phẩm chức năng hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư để tặng bạn. 

Nhưng trời xui đất khiến thế nào, một người em của cô bạn cấp 3 bị bệnh của tôi lại ngồi uống cà phê ngay bàn bên cạnh. Khi nghe tiếng tôi kể chuyện bạn mình, cô em này đã nghe được và kể lại với bạn tôi. 

Nó đã rất giận việc tôi đem chuyện nó bị bệnh kể cho người khác, mặc dù tôi đã nói rõ lý do. Nó bảo không khiến tôi phải thương hại nó và cương quyết không nhận thuốc tôi đã đặt về tặng nó. Nó còn nói với các bạn khác trong nhóm rằng từ giờ không muốn gặp tôi nữa.

Tôi rất thương bạn không may mắc bệnh hiểm nghèo. Tôi cũng hiểu tâm trạng của bạn đang như thấy cả thế giới thương hại mình. Tôi muốn giúp bạn. Làm sao để bạn tôi cảm nhận được sự quan tâm thật lòng tôi dành cho bạn? Làm sao để bạn tôi không phải buồn, không phải cáu giận vì những lý do lãng xẹt thế này? Mong chị hãy tư vấn cho tôi nhé!

Nguyễn Thanh Mai (Hà Nội)

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

Thanh Mai thân mến!

Chị có ý tốt và muốn giúp đỡ người bạn của mình vượt qua căn bệnh hiểm nghèo nhưng có lẽ chưa hiểu hết cảm xúc và nhu cầu của bạn mình trong giai đoạn nhạy cảm này. Khi một người mắc bệnh hiểm nghèo, họ thường cảm thấy mình bị mất kiểm soát về cơ thể và cuộc sống.

 Điều này có thể dẫn đến sự nhạy cảm, không muốn người khác biết về tình trạng của họ và họ muốn duy trì quyền tự quyết trong việc chia sẻ thông tin này. Khi nghe thấy chị kể về bệnh tình của mình cho người khác có thể khiến họ cảm thấy bị xâm phạm quyền riêng tư và cảm giác thương hại từ người khác làm họ mất tự tin.

Trước hết, chị hãy trò chuyện với bạn mình một cách chân thành, bày tỏ sự hối tiếc vì đã chia sẻ câu chuyện mà không được phép của cô ấy. Chị hãy thừa nhận mình thương bạn nhưng đã vượt qua ranh giới quyền riêng tư của cô ấy. 

Một hành động nhỏ nhưng quan trọng lắm chị ạ, vì nó cho thấy chị hiểu được cảm xúc của cô ấy và trân trọng mối quan hệ giữa hai người hơn bất kỳ sự giúp đỡ nào. Sau khi xin lỗi, chị có thể đề nghị gặp gỡ để lắng nghe cảm xúc của cô ấy nhưng chị nhớ để cô ấy quyết định mức độ chia sẻ và nhận sự giúp đỡ nhé. 

Đôi khi, người ta chỉ cần biết rằng có ai đó ở bên cạnh và sẵn sàng hỗ trợ nếu họ cần. Sự tôn trọng không gian và quyết định của cô ấy cho thấy chị không chỉ giúp đỡ vì thương hại mà vì tình bạn thực sự.

Chị có thể tiếp tục quan tâm đến bạn mình bằng những hành động không xâm phạm đến quyền riêng tư, chẳng hạn như gửi lời động viên, những món quà nhỏ ý nghĩa, hoặc đơn giản là hỏi thăm tình hình sức khỏe mà không đi sâu vào chi tiết. Điều này sẽ giúp cô ấy cảm thấy được yêu thương mà không bị áp lực phải chấp nhận sự giúp đỡ lớn.

Cuối cùng, sự yêu thương và chân thành sẽ là "cầu nối" để chị và người bạn của mình có thể tái thiết mối quan hệ. Hãy để cô ấy biết rằng chị luôn ở đó, không phải để thương hại mà để đồng hành cùng cô ấy trên chặng đường khó khăn này. Đôi khi, sự tổn thương cần thời gian để lành lại chị ạ.

Thanh Tâm