Chị Hạnh Dung kính mến,

Em là con nuôi. Nghe nói mẹ ruột em đơn thân, qua đời khi sinh em, ba mẹ đã nhận nuôi từ lúc em mới lọt lòng. 

Năm em 22 tuổi, mẹ em 50 tuổi và sinh được cậu con trai. Em trai em được 18 tuổi thì mẹ em mất. Ba em đã mất trước đó 3 năm (ba lớn hơn mẹ 10 tuổi). Ở tuổi 40, em có 2 con, đã ly hôn và phải nuôi em trai học đại học.

Em chưa bao giờ xem mình là con nuôi. 22 năm trời là con một của ba mẹ, ba mẹ thương em vô điều kiện, em cũng gắn bó với ba mẹ và ông bà nội - ngoại. Đến khi có em trai, tình cảm cũng không thay đổi. Chị em coi nhau như ruột thịt và cùng nhau trải qua biến cố mất ba, mất mẹ.

Khi em ly hôn, em trai cũng ở bên cạnh động viên và phụ em chăm sóc 2 cháu. Bù lại, em cũng chăm lo cho em trai như con ruột.

Khi tính đến việc bán nhà của ba mẹ cho em trai đi du học, các cậu và chú bác em can thiệp, nói em không có quyền với căn nhà. Họ nói em chỉ là con nuôi, em trai em thì còn nhỏ nên phải để họ quyết định.

Cả nhà ngoại phản đối em, nói em “dụ dỗ” em trai và thao túng tài sản ba mẹ để lại. Họ bộc lộ sự thật là họ không hề coi em là ruột thịt, trước nay vẫn “theo dõi”, “đề phòng” em. Họ còn nói từ lúc em bảo bọc em trai, họ đã nghĩ có ngày em sẽ thao túng tài sản và… “y như rằng”.

Thực tế, ngay khi ba em mất, mẹ đã cẩn thận viết di chúc để căn nhà lại cho 2 chị em. Em vô cùng đau khổ. Một nửa em muốn buông tay để tránh điều tiếng về tài sản. Nửa còn lại, em lại muốn giành lấy vai trò trước nay của mình, là con đầu của ba mẹ, là chị ruột của em trai.

Có phải em đang “tham” quá không?

Ngọc Mến (Đồng Nai)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Ngọc Mến mến,

Em và em trai đã trải qua một giai đoạn rất khó khăn và đã đùm bọc nhau, cùng nhau vượt qua gian khó. Việc cần làm tiếp theo là chuyên tâm lo cho em trai đi du học, giải quyết các vấn đề tài chính. Về cả tình và lý, em đủ tư cách để đứng ra lo liệu những việc này.

Hiện tại, em đang gặp khó khăn vì bị họ hàng phản đối, đem chuyện máu mủ ra để phán xét về tư cách làm chị, làm con của em. Điều này rất vô lý. Chỉ có ba mẹ em - những người đã nuôi nấng em, chủ nhân thực sự của ngôi nhà - mới có quyền thay đổi tư cách thừa kế.

Nhưng thực tế là với ba mẹ, em là con. Em cùng em trai được thừa kế căn nhà như lẽ thường tình của những người con và cũng đúng di nguyện đã được mẹ em cẩn thận pháp lý hóa bằng giấy trắng mực đen.

Vậy thì, hãy làm việc của mình, đừng vì sự can thiệp của người khác mà để bản thân và em trai rơi vào thế bị động, làm sai di nguyện của mẹ, em nhé.

Hạnh Dung rất hiểu nỗi hoang mang, đau khổ em đang gánh chịu khi đối diện với sự xa cách của họ hàng. Thật không dễ chấp nhận những điều này. Nhưng cũng may là điều ấy đã được bộc lộ thật rõ, để em xác định được thực tế và chọn một thái độ đúng đắn; còn hơn là những tác động mập mờ, khiến em hoang mang, tự hoài nghi bản thân.

Trong hoàn cảnh này, xem như em không thể vừa có sự thân tình của họ hàng, vừa giữ được vai trò của mình trong gia đình. Giữa tất cả, điều cấp bách nhất của em vẫn là vai trò trụ cột gia đình, chăm lo cho em trai và 2 con. Vậy, hãy ưu tiên vai trò này trước và hạn chế nghĩ ngợi về những điều tiêu cực xung quanh.

Nếu có thể, em hãy gửi thông điệp rõ ràng đến họ hàng rằng em có trách nhiệm với em trai, trách nhiệm với di nguyện của mẹ và em cần phải thực hiện chúng, mong mọi người hiểu.

Nếu cảm thấy ngay cả việc gửi đi thông điệp này cũng quá khó, em có thể bỏ qua bước này. Bây giờ, ưu tiên nhất vẫn là sức khỏe tinh thần của em và những việc tối quan trọng cho cuộc sống của 2 chị em.

Sau này, khi sự việc qua đi, có thể người lớn sẽ nhìn ra vấn đề và nhẹ nhàng hơn. Hãy tin vào điều đúng đắn và tự bảo vệ lấy vùng bình an của mình, của người thân mình, em nhé!

Theo phụ nữ TPHCM