|
|
Ảnh minh họa: Getty Image |
“Bạn chọn mãi là nạn nhân của những vết thương hay là chủ nhân của cuộc đời mình, tâm trí mình?” - câu hỏi của diễn giả Trish Summerfield - nhà sáng lập Trung tâm Inner Space - tại buổi hội thảo “Buông cho nhẹ” vào cuối tháng 10/2024 tại trung tâm khiến hàng trăm người giật mình nhìn lại bản thân với những suy nghĩ, năng lượng từ lâu hoài phí.
Dẫu biết phải buông bỏ, dọn lòng mới có thể giải tỏa áp lực cho tâm trí và xây dựng được mối quan hệ mới, nhiều người mãi không gỡ được vết dằm trong quá khứ. Theo thời gian, vết dằm ấy càng cắm sâu vào da thịt, không biết chữa, khó mong lành.
Khi cố buông là khi lòng nhớ thêm...
T.P. đang nuôi ý định tìm người yêu trên các ứng dụng hẹn hò. Tuy nhiên, chị muốn nghe tư vấn từ chuyên gia để làm sao dấn thân vào tình yêu mà không tổn thương, không đau khổ. Chị kể, chị là nạn nhân nhiều tập trong cả cuộc hôn nhân chính thức lẫn những cuộc tình vắt vai chóng vánh, với vài lần hò hẹn cà phê, nhà nghỉ.
Thoáng ngần ngại, chị T.P. thổ lộ: “Có ai như tôi không, cứ yêu là khổ mà không yêu thì thấy buồn, thấy thiếu? Không thể phủ nhận những ngọt ngào, mặn nồng mà những người đàn ông đã lần lượt mang đến trong đời tôi, nhưng những tổn thương mà họ gieo cho tôi cũng… “chất đầy kho”. Theo chị P., đó có thể là sự phản bội, những lời xúc phạm, những hiểu lầm, những pha lợi dụng tiền bạc...
Bao cái tên đi qua đời chị là bao vết dằm trong tim khiến chị cựa mình kiểu nào cũng bị cứa đau điếng. Có cả cuộc tình đã kết thúc 20 năm mà vẫn chưa chịu ngủ yên, thi thoảng lại giày vò chị bằng những ký ức không đáng nhớ”.
|
|
Diễn giả Trish Summerfield (phải) tại lễ trao tặng bằng khen, kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam và hội thảo “Buông cho nhẹ” |
Anh Q.S. từng bị “mọc sừng” vì tin lầm bạn thân, tạo điều kiện cho bạn và vợ mình giao dịch làm ăn và “lửa gần rơm” lâu ngày cháy sém. Anh mang nỗi ngờ vực, ghen tuông từ cuộc hôn nhân đầu vào cuộc hôn nhân sau và rồi tiếp tục đổ vỡ. Dẫu biết người vợ sau rất thủy chung, toàn tâm toàn ý với chồng con, nhưng những trải nghiệm cay đắng ngày xưa cứ trỗi dậy. Anh không kiểm soát được suy nghĩ, lời nói và xung đột liên tiếp nổ ra, cuốn phăng tình yêu và cơ hội hạnh phúc còn sót lại.
Ly hôn đã 3 năm, anh H.G. vẫn không đành lòng nhìn vợ cũ tay trong tay bên người tình mới. Thỏa thuận chia con mỗi người 1 đứa; khi dạy con, anh H.G. lại đánh con vì biết điều đó chắc chắn làm vợ cũ tổn thương. Có lúc, anh âm thầm thắp hương, quỳ trước bàn thờ sám hối, nhưng rồi anh vẫn trút giận lên con mỗi khi muốn vợ cũ lưu tâm đến mình.
Chọn là nạn nhân hay tự chủ?
Theo chia sẻ của diễn giả Trish Summerfield, để chữa lành tổn thương, ta phải học buông bỏ, trải qua 4 bước thực hành. Đang ngồi trên ghế, ta thử đứng lên, xoay người lại, nhìn vào người ngồi ghế (tưởng tượng như chính mình vẫn còn đang ngồi trên chiếc ghế ấy). Tôi nhìn tôi như người quan sát thông thái. Với lòng tràn ngập tình yêu thương, tôi vỗ về đứa trẻ trong tôi đang rấm rứt khóc vì những bi kịch, vướng mắc trong dĩ vãng.
Bước đầu tiên của thực hành buông bỏ là chấp nhận. Thực ra, chấp nhận không hề dễ, vì ta luôn có xu hướng cho rằng lỗi là ở người kia. Chấp nhận ở đây có nghĩa là “tôi chấp nhận những điều đó là một phần trong cuộc sống của tôi” - chấp nhận để có thể sẵn sàng lật qua trang mới của cuộc đời. Bằng ngược lại, không chấp nhận là chịu mắc kẹt mãi ở trang tăm tối này, ngày ngày gặm nhấm nỗi đau đã cũ.
Bước thứ hai là: tôi hiểu tại sao tất cả điều đó đã xảy ra, tại sao người ấy lại có những lời nói, cư xử như thế vào bối cảnh ấy. Tôi dần hiểu rằng, nếu ai đó cư xử tệ thì họ đang ở tình thế yếu đuối, họ có những trải nghiệm đầy khó khăn và thử thách trong quá khứ.
Bước thứ ba: tôi tự rút ra bài học hữu ích cho tôi, cho tâm trí tôi, cho mối quan hệ. Những sự kiện đau đớn nhất trao cho ta bài học quý giá nhất.
Bước cuối cùng là buông trôi. Tôi thả những điều ấy trôi ngược về quá khứ - nơi nó đáng phải thuộc về. Tất nhiên, những điều ấy thi thoảng sẽ trồi lên, tiếp tục vây bám, nhưng bằng những gì đã chấp nhận, đã hiểu, đã học, tôi nhanh chóng lấy lại cân bằng và tập trung vào những gì ở hiện tại và dự định tương lai.
Anh Q.S. chia sẻ kinh nghiệm: anh từng chìm đắm trong nỗi hận rằng chính người A, B, C... nào đó đã làm hỏng mất cuộc đời mình. Nếu giảm dần sự đổ lỗi ấy và mỗi ngày chọn cảm nhận biết ơn, nhớ lại những khoảnh khắc hạnh phúc, những niềm vui tự tạo hoặc do người khác mang đến, sẽ làm bản thân cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Còn anh A.S. tâm sự: “Buông bỏ, chữa lành tổn thương không gì hiệu quả cho bằng bạn cảm ơn những người đã đến, những điều đã xảy ra cho mình thêm hiểu giá trị cuộc sống”.
Theo phụ nữ TPHCM