leftcenterrightdel
 Có cơ hội đoàn tụ với chồng, nhưng cô khước từ (ảnh minh họa)

Nhà xây xong, mọi thứ đã sẵn sàng, từ chỗ ở đến một công việc thuận lợi đang chào đón tại TPHCM, vậy mà Giang không vui.

Cha mẹ Giang càng lo hơn con gái, vì cô nhất quyết không chuyển công tác về thành phố sống cùng chồng. Đấy là công việc tốt mà phải nhờ mối quan hệ thân tình, cha mẹ Giang mới xin được cho con. Tuy vậy, nguyên do Giang đưa ra không phải không có lý... 

Giang và Tuấn yêu nhau 5 năm trời mới đi đến hôn nhân khi công việc của Tuấn bắt đầu thuận lợi. Tuy nhiên, do muốn có ít vốn liếng và quan trọng là lo cho sự nghiệp riêng, Giang và Tuấn đành chấp nhận cảnh vợ chồng ngâu.

Cưới xong, Giang ở nhà cha mẹ ruột và đi làm cơ quan cũ, còn Tuấn nhận làm đại diện cho một Văn phòng công ty nước ngoài tại TPHCM. Ba mẹ Giang chỉ có mình cô là con gái nên rất thương.

Giang sinh con, mẹ cô chăm sóc từ bé đến mẹ. Cháu lớn một chút, đã có ông ngoại về hưu ở nhà ẵm bồng. Thậm chí, Giang không có sữa cho con bú, ông bà ngoại cũng “bao cấp” luôn việc mua sữa hộp cho cháu.

Ông nói với bà: “Thôi thì có mình nó, giúp chúng nó dành dụm tiền, mai mốt về thành phố sống”. Hàng ngày Giang chỉ có việc đi làm, về nhà chơi với con… 2 tuần một lần, Tuấn về thăm vợ con…

Thấm thoắt đã 2 năm trôi qua. Khi Tuấn làm ăn dành dụm đủ tiền mua một miếng đất ở thành phố, vợ chồng bàn bạc chuyện xây nhà. Ba mẹ Giang thương con, biết con gái thiếu tiền, ông bà cho thêm gần một nửa để vợ chồng trẻ cất được nhà.

Việc cất nhà thuận lợi sau 3 tháng. Giang chưa bàn tính sẽ sắp xếp bài trí nhà cửa ra sao để khi cô chuyển chỗ làm và vào ở cho thuận tiện, thì một lần đi công tác vào TPHCM, Giang ngỡ ngàng thấy nhà mới đông đúc người của gia đình chồng. Từ quê ở miền Trung, mẹ chồng, anh chồng cho đến 2 cô em gái chồng đang kiếm việc làm đã ở kín các phòng.

Giang vào nhà mình mà như người ở trọ, đồ đạc để khép nép một góc phòng, đi đứng, nói năng không thoải mái, muốn góp ý kiến chỗ này chỗ kia cũng ngại.

Tuấn giải thích với vợ rằng, vì công việc làm của anh phải đi công tác thường xuyên, nhà vắng vẻ, nên anh nhờ mẹ vào trông nhà. Mấy anh em của Tuấn chỉ ở tạm rồi sẽ dọn đi khi nào Giang chuyển về thành phố.

Tin lời chồng, nhưng Giang vẫn buồn. Cô càng rầu hơn khi nghĩ đến chuyện sau này Tuấn đưa tiền cho Giang rất ít, dù Giang biết rõ lương của Tuấn rất cao. Vì tự ái, Giang không nói ra, nhưng cô thấy hố ngăn cách với chồng ngày càng lớn.

Cho đến một hôm, Giang choáng váng nghe thông tin bên chồng rằng ngôi nhà ấy là nhà riêng của Tuấn và mẹ chồng Giang cùng anh em bên chồng phải ở để giữ nhà.

Giờ đây, Giang không biết mình và con sẽ đoàn tụ gia đình trong tình cảnh nào. Đó là nhà của cô và chồng, thêm sự đóng góp của cha mẹ Giang, nhưng nếu vào TPHCM làm việc, Giang sẽ phải làm dâu và mang tiếng là ở nhà chồng với bao thứ phải lo toan.  

Ngoài ra, nếu sống cùng gia đình chồng, Giang sẽ phải bảo bọc hết từng ấy con người, vì mẹ Tuấn luôn đưa ra lý do: “Thằng Tuấn làm có tiền, nó phải cưu mang anh em chứ!”.

Và đó là lý do Giang từ chối công việc tốt do cha mẹ cô xin cho ở thành phố, từ chối luôn việc đoàn tụ với chồng. Theo ý Giang, chẳng thà ở nhờ nhà ngoại, còn hơn ở chung với nhà chồng, đi làm cực nhọc mà lại mang tiếng bấc, tiếng chì. Cô hiểu rõ tính mẹ Tuấn không rộng lượng và các em chồng hay xét nét chị dâu, nhất là những chuyện liên quan đến tiền bạc.

Trong khi đó, khác với suy nghĩ của vợ, Tuấn coi việc đưa tiền "nhỏ giọt" hàng tháng cho vợ là bình thường, bởi ông bà ngoại có thể "bao cấp" được cho Giang, còn anh rất nặng gánh bởi phải lo cho mẹ, anh và 2 em. Thậm chí, trong thâm tâm Tuấn cũng chưa muốn Giang chuyển công tác vào thành phố...

Những lần anh về thăm con, Giang luôn thấy có gì gợn gợn, không vui. Giang cứ nghĩ, biết vậy hồi đó đừng cất nhà. Có nhà mới mà không ở được, thà để dành tiền đó, rồi ở với mẹ như hồi con gái lại hay...

Theo phụ nữ TPHCM