Tốt nghiệp đại học, chị Linh về Bắc Ninh công tác, gặp và yêu anh ở đó. Hồi quyết định lấy anh, chị cũng nhiều băn khoăn vì hai vợ chồng công tác, sinh sống ở Bắc Ninh, quê chồng một nơi, quê vợ một nẻo, sau này có con nhỏ vất vả đã đành, làm sao lo tròn được chữ hiếu với nhà nội, nhà ngoại?
Đấy là chưa kể, bố chồng là người Nam Định nhưng mẹ chồng lại người ở Ninh Bình. Họ hàng đông, mỗi người một địa phương, làm sao nhớ nổi hết tên họ hàng nhà chồng.
Hiểu lòng vợ, chồng chị động viên: "Hoàn cảnh chúng mình thế nào, ai chẳng biết. Vợ chồng xa quê, họ hàng một chốn bốn năm nơi, mình không về thăm hỏi được thường xuyên thì có nhiều cách khác.
Giờ xã hội hiện đại, công nghệ thông tin phát triển, không gặp được trực tiếp thì gặp qua điện thoại, qua mạng, em lo gì. Chỉ cần mình có tấm lòng chân thành, bố mẹ hai bên, cô dì chú bác họ gần, họ xa sẽ thông cảm cho chúng mình thôi". Nghe vậy, chị Linh cũng ấm lòng, an tâm.
Lúc mới cưới, trong năm đầu, vợ chồng son còn về quê liên tục, có thời gian thăm người nọ người kia. Nhưng từ khi bụng mang dạ chửa, sinh liền tù tì 2 đứa, có khi cả năm chị Linh chẳng về được quê chứ nói gì thăm hỏi cô dì chú bác.
"Nhưng ngay từ khi về làm dâu, tôi luôn coi bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ, nhà chồng như nhà mình nên ứng xử chân thành, không câu nệ. Việc gì chưa hiểu là tôi nhờ mẹ chồng chỉ bảo ngay. Tôi tâm sự với bố mẹ chồng rằng: Công việc, điều kiện của hai vợ chồng con còn nhiều vất vả, mỗi lần đi lại về quê cũng trắc trở nên mong bố mẹ thông cảm.
Vì tuổi còn trẻ nên nhiều việc vợ chồng còn qua loa, đại khái, nếu thấy việc gì chưa đúng thì bố mẹ nhắc nhở chúng con… Tôi bày tỏ thẳng thắn trên tinh thần cầu thị với bố mẹ chồng nên ông bà rất thoải mái, không có khoảng cách với con dâu", chị Linh chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của chị Linh, vì thực sự muốn gắn bó với gia đình nhà chồng nên chị chủ động lưu tất cả số điện thoại của các thành viên trong gia đình cùng họ hàng nhà chồng vào danh bạ. Thi thoảng ngày nghỉ rảnh rỗi, chị gọi điện hỏi thăm mọi người để biết tình hình ở quê, vừa là cách giúp chị thêm gắn kết với nhà chồng.
"Nếu chúng ta không năng nói chuyện, giao tiếp với nhau thì sẽ rất ngại, lười liên lạc. Nhưng khi đã tạo được thói quen chuyện trò thì đó trở thành nhu cầu tự nhiên trong đời sống hàng ngày. Nhiều hôm bận, tôi quên khuấy gọi điện về cho bố mẹ chồng, vậy là các cụ lại gọi lên hỏi thăm.
Đôi khi chẳng có chuyện gì, mẹ chồng tôi gọi chỉ để hỏi "Bố nó về chưa? Lũ trẻ nay ngoan không? Cả nhà ăn cơm chưa?" mà thôi. Chính những câu chuyện xã giao không đầu không cuối ấy là "sợi dây" giao tiếp, giúp chúng ta trở nên khăng khít hơn mỗi ngày", chị Linh bày tỏ.
Nói về mối quan hệ của vợ với nhà mình, chồng chị Linh cười bảo: "Vị trí của cô ấy trong đại gia đình tôi còn quan trọng hơn tôi. Bố mẹ có thể mắng con trai xối xả nhưng con dâu thì chẳng bao giờ.
Có chuyện gì, bố mẹ, chú thím, cậu mợ, anh chị em họ hàng bên nhà tôi thường thông tin hoặc hỏi ý kiến cô ấy trước cả tôi. Tôi thấy vui vì điều đó, bởi chứng tỏ rằng vợ tôi thực sự là "người của nhà chồng" chứ không phải đóng đinh ở hai tiếng nàng dâu".
Nhật An