|
|
Em dâu giàu có nên thu xếp mọi việc trong nhà theo ý cô ấy (ảnh minh họa) |
Anh trai lớn trong nhà chỉ làm công ăn lương, kinh tế không dư dả nên tiếng nói cũng lép vế. Tôi bị coi là con gái đã đi lấy chồng, không được tham gia chuyện nhà bố mẹ đẻ. Dù chỉ là con út, thế nhưng từ khi em trai tôi lấy được vợ giàu, mọi chuyện lớn nhỏ trong gia đình tôi đều phải được sự đồng ý của vợ chồng em.
Tổ chức giỗ chạp, tết nhất thế nào, mời bao nhiêu người, ăn món gì... đều do em dâu út quyết định. Bố mẹ tôi cũng chỉ được thông báo cho biết, mọi việc dâu út đặt để ra sao thì ông bà nghe vậy.
Đồ đạc trong nhà, kê chiếc giường ở đâu, bày chiếc bàn thế nào, cắm hoa gì cũng theo ý cô con dâu. Thậm chí quần áo, giày dép của bố mẹ tôi cũng phải là dâu út mua, ông bà sợ mặc đồ người khác tặng sẽ phật ý cô con dâu giàu có.
Em dâu út hay mua thức ăn theo lối Tây âu cho bố mẹ tôi. Ông bà xưa nay chỉ biết ăn món cơm dân dã, đâu có hợp với các món bơ và sữa. Thế nhưng để con dâu vui lòng, bố mẹ tôi cũng ráng nuốt.
Tôi tới thăm, thấy bố mẹ tự gò ép theo nếp sống của vợ chồng cậu em mà tủi lòng, thầm trách ông bà không có chính kiến. Tuy gia đình tôi không giàu, nhưng bố mẹ đều là giáo viên về hưu. Chẳng nhà cao cửa rộng, nhưng ông bà cũng có căn nhà của riêng mình. Nếu các con không chu cấp, bố mẹ tôi vẫn có thể sống ổn bằng đồng lương hưu.
Các cụ luỵ con vì gia đình con dâu giàu, thành ra anh em tôi cũng thất thế trước em dâu, trong khi tôi và anh trai chưa từng nhờ cậy gì vợ chồng cậu em. Bực nhất là lúc cô em dâu sửa nhà cho bố mẹ tôi. Đồ kỷ niệm của gia đình bao lâu nay mẹ tôi trân quí, cất giữ, em dâu đều yêu cầu vứt bỏ. Đó là những món đồ chơi như con gấu bông anh chị em tôi chơi cùng nhau hồi bé, chiếc xe đạp chúng tôi dạy nhau tập đạp, và cả bộ đồng phục chúng tôi học lớp Một, hay ngày chúng tôi tốt nghiệp cấp III mẹ đã cất giữ kỹ.
|
|
Vợ chồng em trai tôi đóng thùng, vứt bỏ hết đồ kỷ niệm xưa cũ của gia đình (ảnh minh hoạ) |
Tất cả những thứ đó với người ngoài chỉ là món đồ cũ, nhưng với gia đình tôi, chúng gắn với các mốc kỷ niệm. Con gấu bông là quà sinh nhật bố mẹ dành dụm mua khi anh tôi tròn 3 tuổi. Ngày ấy, nhà nghèo, bố mẹ chỉ có thể mua 1 chiếc xe đạp cho 3 anh chị em tôi thay phiên nhau dùng chung. Bộ đồng phục năm lớp Một và năm lớp Mười Hai đánh dấu ngày đầu chúng tôi đến trường và kết thúc tuổi học sinh để chính thức trưởng thành.
Thế nhưng vợ chồng em tôi bảo bây giờ xây biệt thự rồi, mọi thứ phải gọn gàng theo thiết kế, không một chi tiết thừa. Nếu cứ luyến tiếc, thứ gì cũng giữ lại thì sẽ thành nhà kho, luộm thuộm, chắp vá.
Mẹ tôi buồn lắm, bà khóc thầm, nhưng trước mặt vợ chồng cậu em vẫn tươi cười. Tôi nói sẽ bàn bạc với em trai, dành cho mẹ một chiếc tủ lớn giữ đồ kỷ niệm, nhưng mẹ cản. Bà nói rằng làm thế khiến em tôi khó xử. Dù gì em tôi được như ngày nay là nhờ hết bên gia đình vợ, đừng ý kiến kẻo vợ chồng em bất hoà.
Anh trai tôi tự trách mình bất tài, chẳng giúp được gì cho bố mẹ. Thấy vợ chồng em út về xây nhà cho cha mẹ, hằng tháng chu cấp cho ông bà, anh làm sao dám lên tiếng góp ý bất cứ gì.
Tôi lại không nghĩ đây là lỗi của em dâu. Em dâu có ý tốt, mua sắm đồ tốt cho cha mẹ, xây sửa nhà đẹp, sắm vật dụng mới cho bố mẹ, gia đình tôi phải cám ơn em ấy. Em mới về làm dâu chưa bao lâu, làm sao hiểu được truyền thống, văn hoá, tâm tư của bố mẹ tôi. Lỗi là ở em trai và chính bố mẹ tôi, cứ ngại ngần không dám bày tỏ chính kiến, rồi lại âm thầm chịu đựng. Nếu cứ nói ra quan điểm của mình, chắc gì em dâu đã phản đối!
Theo tôi, đã là gia đình thì cần thẳng thắn với nhau. Còn nếu giữ kẽ, khách sáo sẽ gây nhiều vướng mắc trong lòng, ai cũng khó chịu. Mối quan hệ giữa các thành viên trong nhà khác gì bom nổ chậm.
Theo phụ nữ TPHCM