Tôi là con trai cả, dưới tôi có 2 cô em gái. Năm nay tôi 34 tuổi, và cũng có 2 cô con gái. Lên chức bố rồi tôi mới hiểu tại sao 10 năm trước bố lại gay gắt với mình như thế. Vì sĩ diện trẻ con nên tôi bỏ nhà đi, không liên lạc với gia đình dù chỉ nửa lời.
Cuộc đời tôi thay đổi hoàn toàn từ lúc nghe theo lũ bạn xấu rủ rê đi xăm trổ. 23 tuổi đầu lêu lổng khắp nơi, làm thêm chỗ nọ chỗ kia dăm ba hôm lại nghỉ. Bố tôi khó tính nghiêm khắc nên ngày nào cũng trách mắng. Có hôm tôi đi chơi về muộn ông còn ngồi đợi để chì chiết đến 3-4h sáng. Nhưng con trai ông cứ ngông cuồng mãi, không chịu nghe lời.
Tôi bỏ 5 triệu ra đua đòi xăm cái hình cá chép hóa rồng to đùng ở bắp chân. Xăm mất mấy ngày mới xong, khá đau nhưng tôi rất ưng bụng. Vừa thò mặt về đến nhà đã va phải bố ngồi xem tivi ở phòng khách. Y rằng 2 bố con cãi nhau một trận tưng bừng khói lửa.
Bố dùng hết ngôn từ để chê tôi là một thằng thất bại, phá hoại, hư hỏng, “trẻ trâu” không biết suy nghĩ. Tôi thì khăng khăng nói bố là người cổ hủ, quan niệm sai trái về chuyện xăm. Kết cục bố giận đến tím mặt, ném hết đồ đạc quần áo của tôi ra đường.
Vậy là tôi khởi nghiệp “bụi đời” với cái chân cá chép ở bến xe Mỹ Đình. Tôi làm phụ xe cho tuyến Hà Nội - Lào Cai, ai thuê thì bốc vác để có thêm tiền trả nhà trọ. Chỗ ngủ của tôi chỉ vỏn vẹn 7 mét vuông với cái giường ọp ẹp, tắm vệ sinh chung với một đám công nhân lao động khác. Từ thằng lười biếng ăn chơi, bàn tay tôi đầy chai lúc nào không biết. Được một thời gian thì tôi mang hết tiền tích cóp ra để mua 1 xe bán nước hoa quả. Ngày nào cũng hít khói bụi ở đường đến 2-3h sáng mới trở về nhà trọ.
Hồi đầu ế ẩm tôi cũng chán lắm, nhưng sau khi phát hiện ra khu ký túc sinh viên mới cách bến xe một đoạn thì khách đông nườm nượp. Tôi bán rẻ bèo chỉ 10-15 nghìn 1 cốc nước, hot món gì là tôi học theo bán món đó. Sau bán thêm cả đồ ăn vặt, tôi mua được cái xe máy 17 triệu đồng rồi chuyển sang làm shipper.
Vài lần nhận đơn đi ngang qua nhà bố mẹ, tôi cúi gằm mặt phóng vèo qua không dám nhìn. Nửa uất ức nửa xấu hổ, tôi cũng không hiểu tại sao mình lại chọn cuộc sống cù bất cù bơ thế này? Không dưới triệu lần tôi nghĩ đến việc quay về xin lỗi bố. Nhưng rồi tôi chấp nhận làm thằng hèn vì không biết mình đã sai ở đâu…
Sau nhiều lần ship hàng cùng 1 chỗ thì tôi va phải định mệnh đời mình. Cô ấy quê Hải Dương, hiền và thật thà. Vợ tôi biết ăn diện vừa phải, cũng thuộc dạng xinh, lại chăm chỉ nữa. Chúng tôi chưa đăng ký kết hôn và cũng không có tiền làm đám cưới. Mẹ cô ấy mất sớm, bố đi bước nữa, anh trai cô ấy đi xuất khẩu lao động nên thành ra 2 đứa tôi cùng có hoàn cảnh khó nói như nhau.
Chung sống được 1 năm thì vợ tôi có bầu. Từ lúc nghén đến khi ở cữ chỉ có 2 đứa với nhau, vất vả không kể xiết. Ban ngày đi ship hàng tối lại làm nghề cũ bán nước ép, vợ bảo tôi kiếm chỗ thuê cửa hàng cho đỡ cực. Thế là 2 đứa mở 1 tiệm nước nhỏ gần khu ký túc, vợ học thêm nghề làm nails, vừa bán vừa ở cùng 1 chỗ luôn. Tôi thương vợ con lắm nên suốt ngày chỉ lo cho gia đình, mọi thói quen xấu như hút thuốc, uống bia tôi đều bỏ hết.
Đứa lớn mới được tuổi rưỡi thì vợ chồng tôi vỡ kế hoạch. Vừa mừng vừa lo, tôi loay hoay kiếm thêm việc để có tiền. Nhờ 1 người bạn giúp đỡ mà tôi bước chân vào làm bất động sản. May mắn sao đúng trước đợt dịch thì tôi trúng quả đậm, bán được mấy lô đất giá cao nên có tiền đưa vợ đi đẻ. Cả nhà chuyển sang chỗ thuê rộng hơn, vợ tôi cũng đắt khách nên 2 đứa dần tích cóp được khoản lớn, dự định mua đất xây nhà.
Thoắt cái bé Bông lớn đã học lớp 1. Đứa út tên Bột thì học mẫu giáo. Ngày nào tôi cũng tất tả dồn việc để đi đón 2 đứa 1 lúc, cho vợ ở nhà cơm nước trông tiệm. Có hôm mải làm tôi quên cả đón con. Để rồi sự đãng trí ấy suýt khiến tôi mất đi con gái.
Chiều hôm đó trở lạnh, tôi đã chuẩn bị sẵn áo khoác cho các con để tới trường đón chúng. Nhưng gần giờ đi thì có khách tới đặt mấy chục cốc nước ép. Tôi bận quá nên quên nhìn đồng hồ. Vừa xong hết đồ gửi đi thì điện thoại kêu, tôi rụng rời tay chân khi nghe cô giáo của Bông báo tin cháu đang đợi bố thì gặp tai nạn ngay cổng trường.
Vứt hết mọi thứ chạy vào viện, vợ tôi thì vội đi đón đứa út, gia đình tôi nháo nhào lên sợ hãi. Tới phòng cấp cứu thấy con nhắm nghiền mắt, tay chân đầy máu, tôi khóc òa lên van xin bác sĩ cứu lấy Bông. Xui rủi làm sao đúng hôm con tôi gặp nạn thì máu dự trữ lại hết, vợ chồng tôi đều không trùng nhóm máu hiếm với cháu. Tôi tuyệt vọng chạy khắp hành lang bệnh viện xin trợ giúp. Vài người tốt bụng thử test nhưng cũng không hiến được.
Trong cơn hoảng loạn bất lực, tôi bỗng chạy như bay đến cổng nhà cũ. Nghe tiếng chuông bấm điên cuồng, bố tôi ra mở cửa và kinh ngạc khi không nhận ra đứa con trai đầu lòng. Chẳng kịp nghĩ ngợi gì tôi nhào tới quỳ trước mặt bố, khóc lóc xin ông cứu lấy cháu nội. Mẹ tôi mừng tủi chạy ra ôm, sau khi biết chuyện qua loa thì bà lấy áo khoác rồi bảo bố con tôi đi luôn.
Tạ ơn trời, con bé cùng nhóm máu với ông nội! Mấy tiếng trôi qua dài như hàng thế kỉ, bác sĩ thông báo con qua cơn nguy kịch rồi tôi mới dám ngồi bệt xuống đất để thở. Bố vỗ vai động viên. Tôi cứ tưởng ông sẽ mắng chửi tôi như xưa. Nhưng không, bố chỉ hỏi 1 câu khiến tôi ngỡ ngàng:
- Con cá chép om dưa ở chân đi đâu rồi? Ăn hết rồi à?
Khi vợ đẻ Bột xong tôi đã quyết định xóa sạch hình xăm ấy. Dù biết sẽ để lại vết sẹo to đùng nhưng cái giá cho tuổi trẻ ngỗ ngược đã quá đủ. 10 năm trôi qua đọng lại trong câu chuyện nửa tiếng. Bố châm điếu thuốc im lặng nghe tôi kể từ đầu đến cuối. Tôi ngậm ngùi nhận ra tóc ông đã bạc trắng, già nua hẳn so với tuổi 58.
- Cảm ơn con vì đã trưởng thành như thế này. Bố sai, bố quá cứng nhắc, quá giáo điều. Con ân hận thì bố cũng ân hận. Bây giờ bố muốn làm một ông già yêu con thương cháu, liệu còn kịp không con?
- Bố muốn làm gì thì vẫn mãi là bố của con, là ông nội của Bông và Bột. Thế bây giờ con quay về nhà thì còn kịp không bố?
Trong khu vườn bệnh viện tối om, có 2 người đàn ông ôm nhau khóc nức nở. Hôm sau ngôi nhà cũ của tôi rộn rã tiếng cười vì bỗng dưng có thêm dâu, thêm cháu. Nắng ấm nên cây đào cạnh cổng bỗng dưng nở sớm, lác đác vài bông bé con.
Thấy tôi chuẩn bị ra ngoài bố liền hỏi đi đâu. Tôi thẳng thắn nói luôn là đi xăm hình kỉ niệm ngày cả gia đình đoàn tụ với nhau.
- Được, hay đấy, cho bố đi với, bố cũng muốn xăm.
Mẹ tôi đánh rơi cái chổi quét, còn tôi há hốc mồm ngạc nhiên. Không tin nổi chính bố lại là người nói ra câu ấy! Bao cảm xúc hỗn độn trong lòng suốt 10 năm qua cũng không bằng khoảnh khắc bố con tôi cùng chụp bức ảnh kỉ niệm. 2 hình xăm giống hệt nhau, ghi ngày tháng vợ chồng tôi dọn về ở với bố mẹ, mọi nỗi buồn quá khứ đều bốc hơi.
10 năm trôi qua như chớp mắt. Thế là Tết năm sau nhà tôi lại viên mãn tròn đầy rồi!
Tiểu Ngạn