Vừa thấy vợ chồng tôi đến tiệc sinh nhật, các bạn chồng đã ùa ra đón: "Vợ chồng Hưng Vietlott đến rồi kìa!". Bạn bè đặt biệt danh là chuyện bình thường, nhưng cái tên này có vẻ... kỳ kỳ.

                                                                                                                   Anh là con rể mà cảm giác như người ngoài (Ảnh minh họa)


Tối về, tôi dò hỏi, chồng cười cười, nói do mấy lần bạn bè biết anh mua vé số Vietlott. Tôi thấy chồng có ý lảng tránh, nên không gặng hỏi thêm. Cũng do khi ấy bố tôi đứng ngoài cửa nhăn nhó: "Đi sinh nhật thôi mà cũng xỉn được!"

Tôi vội đóng cửa phòng, nói nhỏ với ba: "Ảnh chưa xỉn đâu, lâu lâu gặp bạn bè, ảnh hơi quá chén chút thôi mà!"

Bố tôi chưa ngừng: "Đi với vợ con mà còn quá chén, lỡ xe cộ thì sao, nếu đi một mình chắc không nhớ đường về!". Tôi xuống bếp lấy ly nước, mặc ông ngoại bọn trẻ đứng càm ràm một mình. May là chồng tôi đã ngủ, chứ anh mà nghe thấy sẽ lại thở ngắn thở dài.

Vợ chồng tôi đến với nhau đều hai bàn tay trắng. Gia đình anh đông em, nên anh phải tự lo. Lấy nhau, chúng tôi phải đi ở trọ vì ba mẹ có một mình tôi, nhà ở phố nhưng nhà ông bà cũng bé tí xíu.

Khi tôi sinh con trai đầu, bố mẹ bàn sẽ bán nhà, ra ngoại thành mua căn chung cư ba phòng ngủ. Tiền bán nhà của bố mẹ trả được hai phần ba căn chung cư, phần còn lại, vợ chồng tôi trả góp. Bù lại, chúng tôi ở chung với ông bà và lo lắng chuyện sau này. 

Mẹ tôi hiền, chịu khó, thương con quý cháu. Bố tôi tốt bụng nhưng hay càm ràm, ông cũng hay để ý từ chuyện cây kim sợi chỉ. Biết tính bố, tôi luôn động viên chồng nhẫn nhịn, giải thích rằng tính ông ngoại lo lắng và hay nói, chứ trong lòng ông rất thương anh.

Ở với ông bà, chúng tôi khỏe re, sáng ngủ đẫy giấc, dậy có đồ ăn sáng để sẵn, ăn xong quần quần áo áo, chồng chạy xe, vợ ngồi sau ôm eo cùng đi làm vì con có ông bà đưa đi học.

Chiều về, đồng nghiệp vội vã sấp ngửa đón con, ghé chợ mua rau cá thì vợ chồng tôi về thẳng nhà vì bàn ăn dọn sẵn. Con được ông bà đón về, tắm rửa rồi đưa đi học thêm hoặc học bài ở nhà. Ăn cơm xong cũng chẳng phải rửa chén, quần áo tắm xong bỏ vào sọt và sẽ thành quần áo sạch treo trong tủ.


                                                                                                                 Bố tôi là người chu đáo, hay lo lắng và hay nói - Ảnh minh họa


Vậy mà, tôi dò hỏi thì biết, trong một bữa nhậu nào đó, chồng tôi nói với bạn bè rằng anh không muốn về nhà để khỏi phải nghe bố vợ cằn nhằn. Anh tâm sự mình như người ngoài khi một mình chống lại... cả nhà ngoại.

Mẹ vợ nấu gì anh phải ăn nấy. Bố vợ nói gì, anh phải cắn răng nhịn chờ ông nói xong. Ở nhà mình mà anh chẳng có chút quyền gì vì có hôm làm việc căng thẳng, muốn đi ngủ sớm là bị nhắc: "Anh Hưng sao nay đi nằm sớm thế?".

Thậm chí sinh nhật con, bố mẹ vợ không cho phép, vợ chồng anh cũng không dám tổ chức tiệc to. Vợ chồng đóng cửa nói chuyện cũng bị bố vợ truy hỏi. Vì cảm giác không thoải mái, nên đã năm năm, chưa bao giờ anh mời bạn bè về nhà.

Bạn bè nghe anh tâm sự, khuyên anh nên ở riêng ra cho đỡ ức chế. Anh nói ở riêng thì vợ con vất vả. Ước mơ của anh là có tiền mua hai căn hộ kề nhau, vợ chồng anh một căn, bố mẹ ở một căn, để anh vẫn có không gian riêng chứ không phải là cảm giác "chui gầm chạn". Và anh chăm chỉ mua vé số Vietlott, mong có ngày trúng giải để thực hiện ước mơ, đến nỗi ai cũng biết, thành cái biệt danh đó.

Chồng ngủ say, tôi vào phòng bố mẹ. Tôi trình bày rằng tôi là con ruột của bố mẹ nên quen với sự chăm sóc của ông bà, nhưng chồng tôi thì không. Là đàn ông, ai chẳng muốn được làm chủ gia đình, được quyền quyết định.

Bố mẹ tôi thay vợ chồng tôi quyết định mọi việc mà không nghĩ đến cảm giác của con rể. Cũng may chồng tôi lành tính nên nhịn được, chưa xảy ra chuyện ầm ĩ đáng tiếc. Giả sử anh nằng nặc đòi ra ngoài thuê nhà, thì ông bà sẽ buồn và tôi sẽ vất vả thế nào.

Nghe xong, bố tôi ôn tồn bảo tôi để ông bà suy nghĩ, tính toán thêm. Ông cũng vì coi rể như con mới cư xử vậy, nhưng có lẽ ông sai chỗ nào rồi. Để ông xem lại...

Theo  phunuonline.com.vn