Phụ nữ không chỉ chịu bao áp lực trong cuộc sống mà còn đối mặt với sự khốc liệt của các thể loại “bia miệng” (Ảnh minh họa)
Tết này về quê, tôi nghe mọi người bàn tán chuyện ly hôn của vợ chồng anh M. Anh M. là anh họ của chồng tôi, qua câu chuyện truyền miệng (hẳn đã tam sao thất bản) của những người phụ nữ hôm ấy, thì nguyên nhân ly hôn là do chị vợ ỷ làm sếp, ỷ học cao nên coi thường chồng, không biết chiều chồng.
Họ bảo, đàn bà đẹp như chị lại làm trong môi trường nhiều đàn ông dễ gì không có người khác nên mới coi chồng không ra gì.
Vì từng tiếp xúc với chị, tôi có cảm nhận hoàn toàn khác. Vợ anh M. là người hiểu chuyện, khéo cư xử chứ không như những gì tôi nghe được. Trong khi chị liên tục phấn đấu và thăng tiến trong sự nghiệp, chồng chị cứ lẹt đẹt thay đổi việc, hết chỗ này đến chỗ khác. Nơi thì anh bảo đồng nghiệp chơi xấu, chỗ anh chê sếp tồi nên anh không phục, chỗ khác anh chê lương bèo, không có cơ hội thăng tiến.
Rốt cục, anh chọn khởi nghiệp cùng hai người bạn, kết thúc đời làm thuê. Công ty riêng hoạt động được hơn năm, vẫn chưa hết thời gian gầy dựng tên tuổi, anh đòi rút vốn vì không hợp tác lâu dài được với mấy kẻ "dốt đặc". Của đổ hốt lại chẳng còn bao nhiêu, anh tiếp tục nghiên cứu hết dự án này đến dự án khác.
Thất bại là vậy, nhưng anh rất gia trưởng, luôn tỏ vai thế bề trên với vợ. Đến khi anh cặp bồ linh tinh thì chị vợ không chịu được, phải ly hôn.
Tôi nghe người ta nói về chị mà buồn. Không biết nếu rơi vào hoàn cảnh tương tự chị, những người phụ nữ đang cao giọng phê phán kia có làm được gì tốt hơn để cứu vãn mái ấm không? Hay rồi họ cũng đành chọn giải pháp như chị?
Có dạo, Tuyến, bạn tôi gần như bị trầm cảm sau quyết định ly hôn. Tôi hiểu nỗi khổ của bạn khi vớ phải ông chồng lăng nhăng, thay bồ như thay áo, nhưng thích quản thúc vợ như tù nhân. Tuy nhiên, dư luận lại luôn chĩa mũi dùi về phía Tuyến.
Tuyến xinh đẹp, sắc sảo, làm sếp của một công ty lớn nên nhiều đồng nghiệp, đối tác dòm ngó, ngưỡng mộ. Với các nữ đồng nghiệp kém tài, kém sắc, không được cấp trên ưu ái, thì Tuyến phải lẳng lơ cỡ nào, đàn ông mới nể nang như vậy. Họ ganh tỵ với những ưu điểm mà Tuyến “giành hết phần thiên hạ”.
Thế nên, nghe Tuyến ly hôn, họ đã phán "như đúng rồi", rằng Tuyến dính "phốt" gì chứ người như thế dễ gì chồng bỏ. Họ say sưa với thú vui cay nghiệt, gièm pha người khác, mà quên mất chân lý giản đơn: đàn ông vẫn mê mệt những điều họ không hề thiếu!
Là phụ nữ, nếu không thương yêu, sao không thể bao dung với nhau cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn? (Ảnh minh họa)
Không biết vợ của anh M. có đủ vững vàng để vượt qua điều tiếng không, hay rồi cũng stress như Tuyến. Tuyến đóng Facebook, chuyển chỗ làm, vẫn không khỏi thương tổn ít nhiều vì những lời cạnh khoé như thể vô tình.
Đôi khi đối với người trong cuộc, bản chất sự việc không nghiêm trọng đến độ đẩy ai đó đến bước đường cùng, nhưng sự độc ác của dư luận và sự kỳ thị nhấn chìm nghỉm người ta. Miệng lưỡi ác độc từ những người cùng phái đôi khi còn ở cấp độ cao với những nhận xét "nghiệp quật", "đáng đời"... hay tạo ra sự nghi kỵ với hàm ý xấu: “Phải có gì, phải thế nào thì mới bị như vậy”.
Lời nói cay độc từ người ngoài cuộc luôn có độ sát thương cực mạnh. Ai đó không sai khi cho rằng đa phần nỗi khổ của phụ nữ thường đến từ những phụ nữ khác. Họ tỵ hiềm, dè bỉu rồi hạ thấp nhau, dù đẩy người khác xuống bùn sâu không thể khiến họ thanh cao hơn.
Phụ nữ thời nay thật khó sống, ở nhà chồng nuôi bị cho là ăn bám; độc lập, giỏi giang là qua mặt chồng. Chồng ngoại tình ắt là do vợ kém cỏi; con ốm chắc chắn do mẹ không biết nuôi; con học kém đích thị mẹ không biết dạy. Bị chồng phản bội nhưng không ly hôn là yếu đuối, nhưng bỏ chồng trong lúc sa cơ chỉ có phường bội bạc...
Cuộc sống bớt đi sự nhìn nhau cay nghiệt, biết đâu sẽ dễ dàng hơn?
Theo phunuonline