leftcenterrightdel
 Cô sốc và tổn thương mãi sau trận chiến cãi nhau tối đó

Mai tự nhận mình thẳng tính. Khi một sự việc nào đó xảy ra, cô thường không kiềm chế được bản thân, thế là ào ào tuôn ra những lời không hay kèm thái độ không mấy dễ chịu với người thân. Mai từng cho rằng đó là sống thật, không tạo một lớp bọc giả dối bên ngoài.

Nhưng không hiểu sao không khí trong gia đình Mai ngày một căng thẳng, khoảng cách giữa cô và mẹ ruột ngày càng lớn, mối quan hệ giữa cô và chồng ngày càng xa cách, lạnh nhạt...

Hôm rồi, Mai và chồng cãi nhau to, không ai chịu nhường ai. Nguyên nhân xuất phát từ chuyện chồng Mai đã hứa đón con nhưng lại quên. Anh ham vui, mải chè chén với bạn. Lúc tan ca về nhà đã 22 giờ, không thấy các con đâu cả, Mai như người bốc hỏa.

Cô chạy trong đêm đến nhà ba mẹ chồng đón con về trong tâm trạng “phát tiết”. Thế là khi vừa thấy mặt chồng ở nhà, cô tuôn những tràng cay nghiệt, và chồng Mai đáp trả bằng những lời lẽ thiếu tôn trọng và hăm dọa đánh cô trong sự tức tối. Sự việc đó làm cô sốc và tổn thương.

Tối đó, trong căn phòng vắng, nước mắt chảy dài, cô nhìn nhận mọi chuyện đã qua, chiêm nghiệm về mọi thứ. Nhiều va vấp trong đời sống giúp cô nhận ra sự điềm tĩnh rất quan trọng trong xử lý việc, đặc biệt là trong mối quan hệ gia đình. Chính tính cách ào ào, vội vã, luôn chứng tỏ mình đúng của cô đã đẩy mọi mối quan hệ rơi vào căng thẳng. Cách hành xử của cô đã làm sự việc từ nhỏ hóa lớn, từ đơn giản thành phức tạp, gây hấn.

Đó không phải là sống thật, mà là sống bản năng, những hành xử đó chỉ làm đời sống của cô thêm nặng nề và khó chịu. Có những câu hỏi dằn vặt ở bên trong Mai: Tại sao chồng cô lại không chịu hiểu và lắng nghe vợ?

Cô đưa ra giả thuyết, nếu hôm vừa rồi cô chọn bình tĩnh, im lặng để sự việc lắng xuống rồi hôm sau đã nói chuyện cùng chồng thì mọi việc có khác đi không? Liệu anh sẽ không cộc cằn (khác với con người anh hằng ngày) và cô cũng sẽ nhẹ nhàng hơn, không chạm tới "điểm điên" của anh hay không?

Trong căn phòng vắng đầy tư lự, cô trằn trọc suy nghĩ và chiêm nghiệm sâu về những gì đã qua...

Cô đặt giả thuyết ngược lại về những gì đã qua... (ảnh minh họa)

Trong mối quan hệ với mẹ ruột, nhiều lần vì không bình tĩnh cô đã lớn tiếng với bà. Cô thật tâm muốn mẹ sống tốt hơn, không hy sinh nhiều như vậy nữa. Cô muốn mẹ thay đổi để sống cho bản thân... nhưng mẹ vẫn chỉ lầm lũi trong căn bếp, lau chùi dọn dẹp với những bộ quần áo cũ.

Mọi việc dần trở nên thay đổi khi cô hành xử khác, bình tĩnh để xử lý mọi tình huống. Bây giờ, nếu chồng lỡ ham vui nhậu về trễ, cô thường mở cửa đón anh và hỏi: "Anh có ăn thêm gì không", bằng một thái độ dễ chịu. Có bực tức gì cô cố nén, để đợi mai rồi nói.

Trong công việc của vợ chồng, Mai đã đặt mình ở vị trí của anh, nghe anh giải thích vì sao anh quyết định và hành động như vậy? Chồng cô đã bắt đầu có những thay đổi, anh tôn trọng và hỏi ý kiến của Mai trong một số đầu việc. Bằng chứng là hôm qua anh hứa không nhậu một tuần và anh nói chắc nịch “Anh sẽ làm được” trong niềm phấn khởi nhen lên trong lòng Mai.

Về phía mẹ, Mai lắng nghe hơn để hiểu mẹ muốn gì. Và Mai nhẹ nhàng khuyên mẹ hãy làm những việc tốt cho bản thân nhiều hơn. Mẹ cô đã bắt đầu đi bộ tập thể dục, đi bệnh viện châm cứu điều trị bệnh đau lưng.

Mai dần thấy vui hơn trong mỗi ngày trôi qua. Cô luôn nhắc bản thân, trong mỗi tình huống, trước khi hành động cần hít thở thật sâu, dừng lại suy nghĩ về hậu quả của lời mình sẽ nói, việc mình sẽ làm. Cô đang tập thói quen này mỗi ngày.

Không phải Mai lẩn tránh, không giải quyết sự việc đến cùng. Đó chỉ là cách cô tạm hoãn để có thời gian suy nghĩ chín hơn, và để tĩnh tâm hơn, giúp các bên có điều kiện cùng ngồi lại trao đổi theo hướng ôn hoà nhất mà thôi.

Theo phụ nữ TPHCM