Trên đường trở về nhà sau kỳ nghỉ lễ, tôi nhún nhường hỏi vợ: “Việc chú Út mượn tiền sửa nhà, chắc vợ chồng phải sắp xếp chứ từ chối sao được!”. Vợ lạnh lùng: “Anh có tiền thì cứ việc cho chú ấy mượn, hỏi em làm gì”.

Tôi giải thích: “Anh có khoản tiền riêng nào đâu, thu nhập bao nhiêu thì trang trải hết rồi”. Vợ thủng thẳng: “Nếu muốn mượn tiền của em thì viết giấy nợ”. Nghe vợ nói thế, tôi đứng hình, im lặng.

Khi cưới nhau, vợ đã đề xuất chúng tôi độc lập tài chính. (Ảnh minh họa)
Khi cưới nhau, vợ đã đề xuất chúng tôi "độc lập tài chính" (Ảnh minh họa)

Vợ tôi là một người mạnh mẽ, tự chủ và kiếm ra tiền. Trước khi cưới, vợ đề xuất chúng tôi sẽ độc lập tài chính, tiền ai người nấy giữ, chỉ đóng góp những khoản chi tiêu và tiết kiệm chung. Lúc đó, công việc của tôi ổn định, thu nhập khá nên vui vẻ đồng ý.

Quả nhiên với cách này, vợ chồng rất thoải mái, ít lăn tăn về chuyện tiền bạc. Hằng tháng, chúng tôi thống nhất chia đôi mọi khoản chi phí: tiền thuê nhà, điện nước, tiền chợ, tiền gửi con… và bỏ vào tài khoản tiết kiệm chung một số tiền nhất định. Chuyện nhà ngoại từ thăm hỏi đau ốm, cưới xin, ma chay… vợ sẽ tự lo còn tôi lo việc nhà nội. Nếu cả nhà về ngoại chơi, vợ sẽ chi trả toàn bộ chi phí đến quà cáp và ngược lại.

2 năm vừa rồi, do ảnh hưởng của dịch bệnh, công việc của tôi gặp khó khăn, thu nhập giảm nên sau khi đóng góp vào các khoản chung, tôi gần như không còn đồng nào.

Trong khi đó, công việc của vợ có chiều hướng phát triển, tiền kiếm được nhiều hơn. Để có tiền chi tiêu, tôi phải hỏi mượn vợ và lần nào, cô ấy cũng ghi sổ rõ ràng. Vợ dường như không quan tâm tôi chi tiêu như thế nào, thiếu thốn ra sao.

Lễ vừa rồi, chúng tôi về thăm nhà ngoại trước khi về nhà nội. Vợ mua rất nhiều quà cáp cho cha mẹ cô ấy rồi mời cả gia đình đi ăn nhà hàng sang trọng. Đến khi về nhà nội, tôi chỉ đủ tiền mua trái cây thắp nhang nhưng vợ cũng không hề đả động gì. Tôi biết do thỏa thuận từ đầu nên không thể trách vợ nhưng thấy buồn vì vợ không chia sẻ khó khăn.

Đợt này, em trai tôi có dự định sửa sang lại nhà cửa. Do em ở chung với bố mẹ nên mấy anh chị em bàn nhau sẽ phụ thêm tiền. Em hỏi mượn mỗi người 50 triệu đồng, nhưng anh chị nào cũng hứa sẽ cho một nửa số tiền.

Mỗi lần thiếu tiền, tôi phải mượn tiền vợ và cô ấy đều ghi sổ. (Ảnh minh họa)
Mỗi lần thiếu tiền, tôi phải mượn tiền vợ và cô ấy đều ghi sổ (ảnh minh họa)

Hiện tại tôi không có xu nào, nên mới hỏi mượn vợ nhưng cô ấy lạnh lùng nói tôi phải viết giấy vay tiền mới cho mượn, vì đó là tiền riêng của vợ. Cô ấy cũng ra điều kiện, tôi phải thanh toán hết các khoản nợ trước mới đồng ý cho mượn tiếp.

Trong lúc tôi đang đau đầu chuyện tiền bạc thì vợ vẫn vui vẻ đi mua sắm, đi chơi cùng bạn bè, chi tiêu rất thoải mái. Phải nói thêm, trước khi cưới, bố mẹ vợ cho một căn chung cư nhưng vợ nhất quyết không ở mà buộc tôi đi thuê nhà. Còn căn nhà đó, vợ cho thuê và thu tiền hàng tháng.

Vợ nói, nếu ở nhà đó tôi sẽ ỷ lại, phải cố gắng làm việc để hai vợ chồng tự lực mua nhà từ khoản tiết kiệm chung. Bởi vậy, mỗi lần tôi than thở chuyện tiền bạc, thay vì chia sẻ, vợ luôn bảo: “Phải tìm cách tăng thu nhập chứ kêu ca được ích gì”. Tôi hiểu vợ muốn tôi có động lực để làm việc nhưng khi khó khăn về tiền bạc, tôi lại thấy vợ lạnh lùng quá.

Theo phụ nữ TPHCM