Chào Hạnh Dung!

Tôi đang rất buồn khi con trai tôi vừa chấm dứt tình yêu với bạn gái lâu năm (6 năm), vì cha của cháu gái cờ bạc, bán luôn ngôi nhà từ đường, buộc hai mẹ con tạm thời về ngoại sống.

Con tôi vì sợ tật không bỏ được sẽ ảnh hưởng sau này, nên từ chối "con dâu" mà tôi chuẩn bị đi cưới. Vậy là đúng hay sai hả Hạnh Dung? Xin cho tôi lời khuyên nhé! Tôi cảm ơn nhiều.

Võ Thị Thắng
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị Thắng thân mến,

Hạnh Dung chưa bàn đến chuyện sai, đúng, mà trước tiên phải nhận xét một điều: con trai chị là người rất tỉnh táo, lý trí, dứt khoát. Bất cứ ai có một chút lý trí và sự tỉnh táo cũng không thể chối bỏ một điều rằng, trong một gia đình mà có người dính vào cờ bạc, thì cả gia đình đó sẽ vô cùng khốn khổ.

Hạnh Dung có thể khẳng định rằng, có rất nhiều tình huống gia đình giống như trường hợp của bạn gái con trai chị được gửi đến cho mục Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ. Hầu như những gia đình có người thân dính vào cờ bạc đều vô cùng khốn khổ. Có tiền, có nhà họ sẽ chơi đến khi hết tiền, bán sạch nhà cửa. Hết tiền, hết nhà, họ sẽ đòi hỏi con cái cung cấp. Không đòi hỏi được thì họ vay nợ, và để người thân phải nai lưng ra gánh những món nợ của họ tới mức khánh kiệt theo...

Không phải dễ mà nói mặc kệ người thân, nợ ai nấy chịu. Có rất nhiều đứa con đã phải còng lưng gánh những món nợ cờ bạc của cha mẹ, thậm chí anh chị em trong nhà. Những chủ nợ của dân mê cờ bạc thường là những người không hiền lành gì. Họ biết họ cho ai vay, và biết ai "có tóc" để nắm. Nên người thân đôi khi muốn "mặc kệ" cũng không dễ.

Việc con trai chị quyết tâm chia tay bạn gái, chắc chắn phải có lý do vô cùng mạnh mẽ. Bởi chẳng ai dễ dàng từ bỏ một mối quan hệ có thời gian lâu đến như vậy, lại được gia đình (ít nhất là mẹ) ủng hộ như vậy. Có thể, cậu ấy đã nhìn thấy điểm yếu của người yêu mình, là không thể nào nhắm mắt làm ngơ với nợ nần của cha mình. Có thể cậu ấy đã thấy nhiều trường hợp gia đình phải tan nát vì nợ cờ bạc của người thân?

Chị thấy buồn lòng, nhưng chị đã hỏi con cặn kẽ lý do vì sao mà cậu ấy chia tay chưa? Chị đã nghe con giải thích chưa? Nếu được con tâm sự, chị có thử trò chuyện, lắng nghe và thấu hiểu cả hai bên hay chưa? Chị có cảm nhận được con chị đã phải giằng co, suy nghĩ, lựa chọn và quyết định trong tâm thế như thế nào chưa?

Dù gì đi nữa, cuộc đời của con chị là của chính cậu ấy. Mọi quyết định của cậu ấy là để đạt tới điều gì tốt đẹp nhất mà cậu ấy mong muốn, và nghĩ rằng có thể đạt tới được bằng quyết định này. Nhiệm vụ của chúng ta - những người làm cha mẹ - là thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ và ủng hộ con. Và tình yêu thương điềm tĩnh, cân bằng, kiên nhẫn của chúng ta có thể dẫn dắt con đến với những cảm xúc đúng đắn.

Một chút nói thêm: Khi đọc thư chị, Hạnh Dung có đôi chút không hiểu. Thông thường các bậc cha mẹ, như Hạnh Dung từng tiếp xúc, thường rất vui khi thấy con mình tránh xa những hiểm họa, những bất hạnh, khổ đau, vất vả, mệt mỏi được cảnh báo trước. Không biết vì lý do gì, trong trường hợp con trai chị lựa chọn như thế, chị lại buồn lòng?

Có thể chị là người rất trọng ân tình, có thể chị rất thương yêu, tin tưởng cô gái ấy, và thấy phù hợp với con trai chị. Nếu chị cảm thấy những lý do xác đáng để con nên cưới cô gái ấy, và tin cô ấy đầy đủ lý trí, bản lĩnh để cùng con chị tạo dựng hạnh phúc, không để cho những vấn đề của người cha ảnh hưởng lên hạnh phúc của mình, thì chị cũng cứ thử tìm hiểu và động viên con xem xét lại mọi việc một lần nữa.

Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn là của con chị, và hãy tin vào con, để được vui vẻ, an tâm, chị nhé.

Theo phụ nữ TPHCM