Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em 26 tuổi, là con dâu út trong một gia đình đông anh em. Ba mẹ chồng em có 6 người con, tất cả đều đã lập gia đình, có người ở xa có người ở gần, nhưng chỉ có vợ chồng em ở chung với ông bà.

Kinh tế gia đình tạm ổn do ông bà có tiền dưỡng già và các anh chị em cũng khá giả, đóng góp nhiều. Ba mẹ chồng em đều đã trên 80 tuổi, có nhiều thay đổi của cuộc sống hiện nay mà ông bà không hiểu. Em cố gắng, nhưng nhiều lúc vẫn thấy không thể hòa hợp.

Em đi làm chân mày và môi, ông bà nói sao lại làm vậy; em có giải thích đây là chuyện bình thường, bây giờ ai cũng làm. Ông bà không nói nữa, nhưng nhìn ánh mắt, em biết ông bà không hài lòng.

Hôm công ty tổ chức 8/3, chồng bận nên em đi một mình. Trang phục dự tiệc tối có hơi hở lưng và vai, em đặt Grab đi cho tiện. Ông bà có vẻ muốn em ở nhà hoặc thay áo khác, nhưng em bỏ qua.

Lúc tối muộn em về, vẫn thấy ông bà thức xem ti vi, như đợi cửa vậy. Chồng em tính cách cũng thoáng, không cằn nhằn vợ, nhưng ông bà im lặng suốt mấy ngày. Mẹ chồng nói, có việc gì thì vợ phải bảo chồng đưa đi, ra ý chê trách em đi chơi một mình, em rất khó chịu.

Em nghĩ các cụ không tiếp xúc với môi trường hiện đại, các cụ chẳng hiểu gì. Em làm công ty nước ngoài, môi trường quốc tế, chuyện ăn mặc, trang điểm của em cũng phải theo môi trường làm việc, nếu mình đơn giản quá mọi người sẽ đánh giá.

Em còn trẻ, có ăn diện, làm đẹp một chút cũng bình thường. Em sống chung với ba mẹ chồng vì các anh chị đều ở riêng, ông bà cần người sống chung, chứ không phải là em “làm dâu”. Lương vợ chồng em dư sức ra ngoài thuê nhà ở riêng. Em nên nói thế nào để ông bà hiểu?

Yến Yến (TPHCM)

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Em Yến Yến thân mến,

Hiểu nhau đến tận cùng là điều không thể, nhất là khi có sự cách biệt thế hệ lớn giữa tuổi của em và ba mẹ chồng. Mình nên đặt mục tiêu tôn trọng và chấp nhận nhau em ạ.

Em muốn ba mẹ tôn trọng và chấp nhận quan điểm của mình, trước tiên em phải tôn trọng và chấp nhận quan điểm của ông bà. Ông bà đã từng trải, đằng sau dáng vẻ già nua chậm chạp ấy là kinh nghiệm sống dày dặn, sự hiểu biết, chứng kiến nhiều việc trong đời.

Em chưa có những trải nghiệm ấy. Sự không tương ứng này khiến cho nhịp cầu giữa 2 bên bị đứt gãy. Cả 2 bên đều phải cố gắng để hàn gắn lại nhịp cầu này và em nên là phía chủ động.

Hãy hỏi chuyện, nói chuyện với ông bà về thời trẻ, về kinh nghiệm sống, về cách ăn mặc lẫn trang điểm của thời ông bà, em sẽ nghe ông bà kể những hệ lụy có thật từ chuyện các cô gái trẻ mặc đồ hở, đi một mình buổi tối.

Em thay đổi một chút, nghe lời để đừng làm ông bà lo lắng, căng thẳng. Nên nói chuyện với chồng để anh ấy đi cùng khi em cần.

Đừng bao giờ nghĩ ba mẹ chồng chẳng hiểu gì về cuộc sống hiện nay. Thay vào đó, em nên chia sẻ những điều diễn ra xung quanh mình với ba mẹ mỗi ngày và lắng nghe những kinh nghiệm từ họ.

Những thứ như cách ăn mặc, trang điểm chỉ là một phần nhỏ. Em hãy nhìn vào việc ba mẹ thức khuya đợi em về, việc đó thể hiện nỗi lo lắng, quan tâm chứ không phải sự bực dọc, chỉ trích.

Người lớn tuổi thường nghĩ mình có nhiều kinh nghiệm và luôn muốn truyền lại cho thế hệ sau, cũng là để giúp con cháu không phải trả giá cho những bài học mà mình từng phải trả cái giá nào đó mới học được.

Cũng có thể vài kinh nghiệm của ông bà đã lạc hậu, nhưng không bao giờ vô ích cả đâu. Cứ sống đến tuổi nào đó em sẽ hiểu, nhưng khi đó ông bà đã không còn để chứng kiến cái “hiểu” của mình nữa rồi.

Em cũng đừng nên gắn chuyện này với chuyện “làm dâu”, không được gì mà chỉ làm cuộc sống phức tạp hơn, khó gỡ rối. Ông bà cũng như vợ chồng em - cần gia đình, cần chia sẻ để yêu thương và tôn trọng.

Chúc em sống hạnh phúc và đón nhận nhiều sự quan tâm, tình cảm của cả gia đình.

Theo phụ nữ TPHCM