Kính gửi chị Hạnh Dung,

Gia đình tôi từ trên xuống dưới đều là công chức, xưa nay nền nếp gia đình nghiêm túc, đi làm lãnh lương, đến cơ quan hoàn thành trách nhiệm xã hội, về nhà nuôi dạy con cái ngoan ngoãn.

Khi cưới vợ cho con trai, vợ chồng tôi rất mừng vì bên thông gia cũng là những người đi làm, con dâu hiện đang là nhân viên phòng tổ chức của một công ty. Vợ chồng con hiện đang ở chung nhà.

Tôi biết các con rất mong muốn được mua nhà, ra riêng nhưng điều kiện kinh tế chưa ổn. Tôi ráng động viên các con chi tiêu tiết kiệm, dành dụm thêm vài năm nữa.

Con dâu tôi vốn rất nhanh nhạy, thông minh, luôn cố gắng phấn đấu trong công việc. Vậy mà ngay sau tết trong nhà lại xảy ra một việc bất ngờ: con dâu bị lừa mất hơn trăm triệu đồng do đóng tiền nhận quà trên mạng.

Đối với gia đình tôi, chuyện cờ bạc là không thể chấp nhận, vì vậy tôi đã hỏi han con rất kỹ càng. Càng nghe kể, tôi càng thấy vô lý. Con dâu tôi rất rành rọt về công nghệ, có chơi mạng xã hội từ lâu, thừa biết các trò lừa trên mạng, vậy mà sao vẫn để bị lừa mất một số tiền lớn như thế.

Tôi cho rằng con dâu chơi chứng khoán hay tiền ảo, lướt sóng gì đó mới mất gần hết số tiền dành dụm của vợ chồng nó trong suốt cả năm làm việc.

Tôi có gọi điện nói chuyện với ông bà thông gia cũng vì tiếc của, xót công sức dành dụm của vợ chồng con. Thế nhưng ông bà bên ấy nói chuyện rất khó chịu, cho rằng tôi xét nét, bắt bẻ con họ.

Ông bà ấy kể sau khi mất tiền, con dâu tôi đã về hỏi vay cha mẹ để bù vào vì không dám nói với chồng và nhất là sợ tôi biết. Nghe nói con dâu đã khóc lóc vật vã, rất suy sụp. Ông bà ấy phải phân tích lý lẽ, có ý trách tôi: vợ chồng lúc làm ra tiền bạc là của chung, chẳng may có thất thoát thì cùng nhau chia sẻ, sao lại đổ lỗi lên đầu con bé.

Tôi nghĩ các con đã lớn, đã lập gia đình thì phải chịu trách nhiệm về mình, về gia đình, không thể vung tiền vô trách nhiệm như vậy.

Suốt 2 tháng nay 2 nhà xích mích; con dâu tôi dựa hơi nhà ngoại, lúc nào mặt mày cũng nặng nề. Tôi không biết xử sự thế nào, xin chị cho tôi lời khuyên.

Thu Thảo (TPHCM)

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

 Chị Thu Thảo thân mến,

Con dâu chị đang là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, cũng còn may là cô ấy đã nói hết chuyện với chồng, với gia đình và dừng lại kịp thời. Thử tưởng tượng nếu cô ấy giấu, vay mượn tiền bạc để cố gỡ thì số tiền mất có khi còn lớn hơn nhiều.

Bản thân con dâu chị cũng là người biết tính toán thu xếp, vụ thiệt hại này đã giáng một đòn chí mạng lên cô ấy. Chắc chắn cô ấy vô cùng đau đớn, xót tiền, xót công sức.

Vậy nên bây giờ chị đừng cố gắng phân tích, nói tới nói lui kiểu “giá như, nếu mà, tại sao lại làm thế” nữa vì như vậy chỉ cào xé, xát muối vào lòng con thêm.

Số nạn nhân của lừa đảo trên mạng đang tăng chóng mặt cùng với các chiêu trò ngày càng tinh vi. Muốn con nhớ trải nghiệm này, học được bài học này, chị nên khuyên con đi trình báo với cơ quan chức năng. Cô ấy sẽ nhận bài học từ những người có nghiệp vụ chuyên môn, có cách tiếp cận khách quan hơn và sẽ nhớ rất lâu về kinh nghiệm đau đớn đó.

Với gia đình thông gia, chắc ông bà bên đó cũng rất đau xót, tiếc của, thương con. Chị không nên đề cập đến việc lỗi phải hay ai gây ra chuyện này. Ai cũng có lúc sai lầm, quan trọng là người ta học được gì từ sai lầm.

Những chuyện đã xảy ra, những lời đã lỡ nói, chị tạm thời để một thời gian cho mọi việc lắng xuống. Chị nói với con dâu thôi thì chuyện xảy ra không ai mong muốn, động viên con giữ gìn sức khỏe, còn người là còn của, đừng quá suy nghĩ ảnh hưởng đến tinh thần, mất tập trung khi làm việc.

Chị bàn với chồng tìm cách vực dậy tinh thần của vợ chồng con. Trong gia đình, anh chị là người có sự từng trải, từng vững vàng vượt qua nhiều sóng gió trong khi các con còn quá trẻ.

Nếu anh chị chấp nhận việc này và vượt qua được, các con sẽ theo. Cứ vậy, khi anh chị rộng lượng với các con, chăm lo cho cả nhà, ông bà thông gia sẽ dần hiểu tấm lòng của anh chị. Chúc chị bình tâm lo liệu việc gia đình êm đẹp.

Hạnh Dung

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

Hoài Thương (Huyện Nhà Bè, TPHCM): Con dâu của bạn đang tổn thương

Hiện Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ “dính” các cuộc lừa đảo trực tuyến hàng đầu tại Đông Nam Á. Bạn cho rằng “Con dâu tôi rất rành rọt về công nghệ, có chơi mạng xã hội từ lâu, thừa biết các trò lừa trên mạng, vậy mà sao vẫn để bị lừa mất một số tiền lớn như thế” là chưa đúng.

Mới đây, chủ tịch một huyện bị lừa hơn 170 tỉ đồng. Một số trường hợp khác là người có kiến thức, địa vị, thậm chí có người bạn của tôi là nhà báo phụ trách mảng tài chính ngân hàng cũng bị lừa cả trăm triệu đồng chỉ vì kịch bản đối tượng lừa đảo đưa ra khá hoàn hảo.

Con dâu bạn đang bị một cú sốc tinh thần rất lớn. Thay vì dành thời gian động viên, bạn lại chỉ trích, quy chụp. Điều đó vô tình khiến cô ấy bị tổn thương, bực bội, ảnh hưởng đến mối quan hệ mẹ con.

Bạn hãy thể hiện sự quan tâm, tin tưởng, đồng cảm với những tổn thất mà con dâu đang gánh chịu, an ủi rằng “của đi thay người”, giúp con dâu nhận thức rằng đây không phải là lỗi của cô ấy để cô ấy sớm vượt qua giai đoạn này, ổn định cuộc sống.

Trọng Hoàng (Huyện Châu Thành, Tiền Giang): Tổ chức một cuộc gặp gỡ để giảng hòa

Lừa đảo trực tuyến có thể gây ra nhiều tổn thất khiến mọi người dễ bị kích động. Bạn hãy đặt mình vào vị trí gia đình bên kia để hiểu cảm xúc của họ khi con gái mình bị nghi ngờ.

Để xóa bỏ xích mích, bạn nên chủ động tổ chức 1 bữa tiệc gia đình để 2 nhà gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ quan điểm. Bạn cần thẳng thắn, cởi mở bày tỏ quan điểm rằng bạn không đổ lỗi cho con dâu.

Thay vì tranh cãi về việc ai đúng ai sai, 2 bên gia đình nên tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề. Bạn hãy bàn bạc với thông gia cùng hỗ trợ tài chính để con dâu có thể vượt qua giai đoạn khó khăn, giúp con nâng cao nhận thức về lừa đảo trực tuyến.

Có thể cô ấy không cần sự hỗ trợ này nhưng một khi có mở sự mở lời của mẹ chồng, con dâu bạn và cả gia đình thông gia sẽ cảm thấy được an ủi, chia sẻ chứ không hề đơn độc.

Theo phụ nữ TPHCM