Tôi là dâu út trong nhà chồng có 3 anh chị em. Ba chồng mất sớm, má chồng một mình tần tảo nuôi con. Khi tôi về làm dâu, má vui lắm. Má mãn nguyện là đã lo cho các con ăn học và dựng vợ gả chồng xong xuôi đâu đó, giờ thì má nghỉ ngơi được rồi.

“Má nghỉ ngơi được rồi” - câu nói này là của anh Hai. Má làm thợ may, hơn 30 năm cắm cúi với đường kim mũi chỉ, giờ đây 2 con mắt của má lúc nào cũng nheo nheo dù cặp kính lão đã bao lần tăng độ, lại thêm bệnh thần kinh tọa.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Bàn bạc với nhau, má dẹp tiệm may rồi cho thuê mặt tiền, đủ để má chi tiêu hằng ngày và du lịch với hội phụ nữ. Mấy bà mấy cô trong hội hay tổ chức những chuyến đi chơi vừa với sức vóc người già, được ngắm phong cảnh hữu tình, được giao lưu bạn bè vui vẻ.

Rồi tiếp tục bàn bạc… Cho thuê mặt tiền thì chỉ một mình má hưởng nhàn thôi, chi bằng má bán căn nhà chia đều cho tất cả, các con nhờ tiền má cho mà có thêm vốn làm ăn, còn phần của má gửi ngân hàng lấy tiền lời hằng tháng tiêu pha. Coi như cả nhà ai cũng được hưởng.

Tôi khi đó mới về làm dâu, lại là dâu út nhỏ nhất nhà nên chỉ im lặng lắng nghe. Tôi chỉ thì thầm hỏi chồng: “Rồi má ở đâu?”.

Má chọn ở chung với con trai út. Má nói anh chị lớn đã có nhà cửa ổn định rồi, chỉ thằng út chưa có, cho nên thay vì gửi tiền ngân hàng thì má góp chung với phần của thằng út để mua căn hộ chung cư trả góp. Trước mắt là vậy, tới khi vợ chồng út cứng cáp vững vàng rồi sẽ tính tiếp.

Đang tính chuyện thuê chỗ ở khoảng 20m2 mà bỗng được làm chủ căn hộ 50m2 của riêng mình, tôi mừng lắm. Lại thêm má chồng hiền lành, làm dâu mà tôi không phải vô bếp nấu nướng, đi làm về luôn có cơm canh nóng ấm.

Tôi đáp đền lại tấm lòng của má bằng cách chiều chiều chở má tới nhà văn hóa tập dưỡng sinh. Tối nào tôi bận làm thêm thì chồng sẽ ngồi coi cải lương trên ti vi và trầm trồ khen chê cùng má…

***
Không ngờ, khi má và vợ chồng tôi dọn về căn hộ được hơn 1 năm vui vẻ yên ổn thì chiều đó đi làm về, tôi thấy 2 đứa con của anh Hai bày sách vở ra đầy cái bàn ở phòng khách.

Mấy đứa cháu tới chơi là chuyện bình thường nhưng tới để học thì đáng ngạc nhiên. Chồng vội kéo tôi vô phòng và nói nhanh: “Anh Hai mở quán cà phê nhạc xập xình ồn quá nên gửi 2 đứa nhỏ tới đây yên tĩnh học hành mùa thi. Em thông cảm”.

Chẳng mấy khi có khách khứa tới chơi nên phòng khách biến thành phòng của 2 đứa cháu trong mùa thi cũng không sao, đáng ngại là tiền chợ. Đùng một cái có thêm 2 miệng ăn tuổi 14, 16, lại cần bồi bổ thức khuya học bài. Đang tiết kiệm hết sức để gom đủ tiền trả góp ngân hàng mỗi tháng, tôi xót ruột mỗi lần đi chợ. Sợ mang tiếng nên tôi mua nhiều thức ăn ngon cho cháu, lại còn đổi món này món kia. Anh Hai đem tới thùng mì gói “Cho 2 đứa nó chế nước sôi ăn sáng, khỏi mất công nấu”.

2 tháng mùa thi trôi qua, anh Hai đem thêm áo quần tới cho tụi nhỏ. Anh nói tỉnh bơ: “2 đứa nó thích ở đây với bà nội”. Tôi nghe má nói khẽ với anh Hai: “Con làm vậy coi sao được?”. Anh Hai hạ giọng mà cố ý cho tôi nghe: “Một nửa căn nhà này là của má, là con nhờ má chớ đâu có lợi dụng gì vợ chồng nó”. Anh còn nói thêm “Tính ra nếu má gửi ngân hàng thì tiền lời dư dả mua cơm cho cháu mà”.

Tôi nhớ lời anh Hai nói “Má nghỉ ngơi được rồi” nghe như là anh thương má lắm, mà cách xử sự của anh thì tệ quá. Nếu thật lòng thương thì anh phải xử sự đáng mặt đàn anh, để má được tự hào về con cái. Vậy mà anh đang khiến má phải ngượng ngùng với con dâu là tôi đây.

Má hay nhìn tôi áy náy. Niềm vui có cháu ríu rít gần gũi giờ đây thành nỗi e ngại. Má nói với tôi: “Con đi chợ tiết kiệm thôi, người nhà chớ đâu phải khách khứa mà bày ra món này món kia”.

Dù có tiết kiệm đến mức nào thì cũng là một khoản khiến tôi phải vay mượn thêm vài triệu mỗi kỳ nộp ngân hàng. Chưa kể 2 đứa cháu bày bừa khắp nơi mà tôi thì đang ốm nghén, đi làm về chỉ muốn nằm dài ra nhưng thấy má lo dọn dẹp thì tôi phải vội vàng nhanh tay trước. Cứ vậy, tôi và má vì áy náy với nhau mà trở thành ô sin cho 2 đứa cháu vô tư.

Mệt quá, tôi định nói với chị Ba. Là phụ nữ với nhau chắc chị dễ thông cảm mà xử giùm tôi. Nào ngờ, tôi chưa kịp nói gì thì chị cười cười với má: “Suốt ngày vợ chồng con ở công ty nên 2 đứa nhỏ trưa nào cũng ăn uống linh tinh. Nay tiện thể má chăm sóc mấy đứa nhà anh Hai thì cho con gửi mấy đứa nhỏ nhà con luôn nghe. Chỉ ăn trưa ngủ trưa thôi, chiều tối con đón về”.

Là chị gửi con cho má, chẳng dính dáng gì tới vợ chồng tôi! Mà chỉ gửi ban ngày thôi, buổi tối không ngủ lại như con của anh Hai nên không làm chật chội gì hết!

Mệt quá, tôi nói với chồng: “Hay là mình bán căn hộ này trả lại tiền cho má, thà thuê trọ mà được yên ổn”. Chồng tôi buồn bã chẳng nói năng gì. Cho tới khi tôi lặp lại lần thứ hai lần thứ ba lần thứ tư với giọng không kiên nhẫn được nữa thì anh rầu rĩ hỏi lại “Rồi má ở với ai hả em?”.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Freepik


Câu hỏi khiến tôi nhói lòng. Cách xử sự của anh Hai và chị Ba rõ ràng là ích kỷ tham lam. Nếu má về ở với anh hoặc chị thì chắc gì được vui?

Chồng tôi không đành.

Tôi cũng không đành.

Nhưng tôi không thể kéo dài cuộc sống kiểu này. Ngoài nỗi lo tốn kém tiền bạc thì tinh thần tôi mệt mỏi vì bị coi thường, trong khi em bé trong bụng tôi cần không khí vui tươi.

Lẽ ra trong khoảng thời gian chờ đón em bé đầu lòng, vợ chồng tôi có nhiều mong ước đẹp đẽ để nói với nhau. Lẽ ra tôi sẽ được má thủ thỉ kể lại kinh nghiệm của bà bầu và những lời khuyên… Vậy nhưng sự lo toan tiền bạc và nỗi bực bội khiến tôi không còn vui vẻ trò chuyện với chồng, còn má thì cũng không hay trò chuyện với tôi như trước, mỗi khi đụng ánh mắt của má thì cùng lúc tôi nghe thấy tiếng thở dài.

Hẳn là má buồn lắm. Buồn cho con mình sinh ra mà làm anh chị không biết thương em hay má buồn cho chính má tuổi già chẳng biết ra sao?

Tôi thương má. Bạn bè tôi ai cũng nói phước phận lắm mới có được mẹ chồng hiền lành hết lòng yêu thương con cái như má.

Tôi biết làm sao đây?

Chẳng biết làm sao, tôi nghĩ tới khi gần sinh, mình sẽ có cớ chính đáng để về quê và… ở lại luôn, mặc kệ mọi chuyện.

***
Đứa bạn thân lấy chồng sớm nên có nhiều kinh nghiệm hơn tôi. Bạn nói trong gia đình phải có người hiền người dữ và vì má và chồng tôi hiền quá cho nên vai dữ phải là tôi.

Chỉ mới hình dung chính mình phải đương đầu với sóng gió, thật tình là tôi run. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, đây là hạnh phúc của tôi, nếu tôi không đương đầu thì là ai?

Sợ mình run quá sẽ quên, tôi viết những điều cần nói ra tờ giấy và học thuộc lòng. Rồi lấy hết can đảm, tôi nói với anh Hai và chị Ba: “Anh chị định để mấy đứa nhỏ ở đây hoài sao?”. Tôi đợi nghe câu trả lời quen thuộc: “Chẳng lợi dụng gì ai đâu nghe, một nửa căn nhà này là của má…” để tôi trả lời: “Hãy chốt giá căn hộ ngay thời điểm này rồi em sẽ vay mượn trả lại cho má hùn với anh chị mua căn hộ khác hay là gửi ngân hàng tùy ý”. Khi đọc đi đọc lại để học thuộc câu này, tôi đã khóc vì sợ mình làm tổn thương má.

Cầu mong má hiểu lòng tôi.

Theo phụ nữ TPHCM