Chị Hạnh Dung kính mến,

Em mới lấy chồng 1 năm. Anh đã ly hôn và có 2 người con với vợ cũ. 2 cháu sống chung với mẹ.

Cuộc hôn nhân của em rất hạnh phúc. Anh thay đổi hoàn toàn khi sống cùng em. Với vợ cũ, anh luôn đòi hỏi, chèn ép, sai bảo dù chị ấy rất giỏi. Nhưng ngược lại, anh luôn nâng đỡ, chiều chuộng em, dù em không có gì hơn vợ cũ của anh - cả tài năng lẫn nhan sắc.

Dẫu vậy, nỗi lo về vợ cũ của anh luôn canh cánh trong em. Anh luôn tôn trọng chị ấy. Em cảm giác anh có một pháo đài trong lòng, nhất là khi anh nói về việc đi thăm con hay khi anh trao đổi với vợ cũ về việc nuôi dạy con. 

Để giải tỏa nỗi lo này, em đề nghị anh đi cùng em đến thăm vợ cũ và 2 người con. Em đề nghị chị ấy để 2 đứa con về sống với cha. Lý do là cha của các bé sống trong gia đình của ông bà nội, đứa trẻ sẽ lớn lên với cội nguồn.

Vả lại chị ấy đang ở trọ. Lý do thứ hai là em muốn được làm vợ đúng nghĩa của anh, bao gồm cả việc nuôi nấng các con của anh. Thế nhưng, vợ cũ của anh tuyên bố vợ chồng em không được bước chân vào nhà chị ấy nữa và đừng mơ tới việc nuôi các con của chị. Rồi chị dằn mặt em rằng em có được chồng là vì chị ấy tử tế. Nếu chị ấy không tử tế thì đừng mơ được sống yên ổn với chồng.

Em rất sốc. Chồng em im lặng suốt cuộc trò chuyện và cúi đầu xin lỗi người cũ vì đã để xảy ra việc không hay. Từ đó đến nay đã hơn 1 tuần, em giận chồng, còn anh thì không nói với em. Vợ chồng sống trong nhà như 2 cái bóng. Nỗi lo về vợ cũ của anh giờ đã trở thành nỗi ám ảnh khi em nhận thấy chị ấy khá ghê gớm. Em quá mệt mỏi trong cuộc hôn nhân này.

T.T. (TPHCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

T.T. mến,

Em lấy một người từng có gia đình và có con riêng. Quá khứ đó không ảnh hưởng nhiều đến hôn nhân của em, bằng chứng là em vẫn có cảm giác hạnh phúc khi chồng em thể hiện trọn vẹn tình yêu, trách nhiệm của một người chồng. Với con riêng, anh thăm nom, tham gia việc dạy con. Với vợ cũ, anh tôn trọng và chỉ giữ liên lạc vì chuyện con cái. Những lo lắng, bất an chỉ xuất phát từ em.

Xét về lý, em không có vai trò trong việc phân chia quyền nuôi con riêng của anh, nhất là khi bọn trẻ đang được mẹ ruột nuôi dưỡng. Xét về tình, em đã chạm vào yếu huyệt của một bà mẹ đơn thân.

Những lý do em nêu như: “sống với ba thì sống trong nguồn cội”, “mẹ đang phải ở trọ” đã vô tình chạm vào tự trọng của một phụ nữ độc lập. Người nghe rất dễ cảm giác như em chê trách chị ấy đang nuôi con không có nguồn cội và không có nổi một căn nhà đàng hoàng cho con. Người cũ hẳn đã tức giận và tổn thương. Còn chồng em thì khó xử và khổ tâm.

Hạnh Dung tin rằng em không có ý này, nhưng ta cần phân tích tâm lý của người nghe để hiểu lý do khiến người vợ cũ phản ứng gay gắt, còn chồng em thì im lặng.

Hành động của em dẫn đến trục trặc giao tiếp với chồng. Vấn đề trước hết xuất phát từ sự thiếu tự tin và nỗi bất an bên trong em, trong khi em vốn có đầy đủ điều kiện để hạnh phúc.

Quá khứ của chồng là điều cần tôn trọng và nhìn nhận thật thấu đáo, để chấp nhận những gặp gỡ, giao tiếp liên quan đến trách nhiệm, con cái. Nếu em muốn tham gia việc này, em có thể chia sẻ cùng chồng trên tinh thần chăm nom, giúp đỡ anh trong quan hệ với con.

Nếu em có tinh thần chia sẻ, chắc chắn chồng em cũng sẽ mở lòng. Khi em được tham gia, em sẽ nhìn mọi việc đúng bản chất hơn, bớt đi những đoán định, hồ nghi rồi bất an.

Hãy suy nghĩ thật thấu suốt về những gì mình đang có. Hãy gửi lời xin lỗi đến những người mà em cảm thấy mình đã làm họ phiền lòng hoặc tổn thương. Với chồng, hãy chia sẻ thêm về nỗi lo lắng đã khiến em hành xử không đúng mực và nói với anh về thiện chí gắn bó, chia sẻ mọi gánh nặng cùng anh.

Hạnh Dung tin rằng em là một phụ nữ tốt và xứng đáng được yêu thương. Em hãy sống trong yêu thương và tiếp tục nuôi dưỡng sự gắn bó cùng chồng, thay vì phải tính toán, xếp đặt những điều không cần thiết. Bằng cách nuôi nấng sự gắn bó giữa vợ và chồng, em sẽ chứng kiến sự tan biến của mọi “pháo đài” trong lòng chồng và cả trong lòng mình.

Theo phụ nữ TPHCM