Chị Hạnh Dung thân mến,

Gia đình tôi có 2 chị em. Tôi và chị gái đều đã có gia đình. Mẹ chúng tôi mất khi tôi 16, em gái 13 tuổi. Từ đó cho đến khi chị em tôi trưởng thành, ba ở vậy nuôi chúng tôi.

Ba là người cha tốt và chúng tôi yêu thương ba rất nhiều. Sau khi chị em tôi lấy chồng, vợ chồng tôi thuê nhà ở riêng. Vợ chồng em gái ở với ba và lãnh nhiệm vụ chăm sóc ba.

Lương hưu của ba không bao nhiêu nên chúng tôi cũng không đụng đến, để ba tiêu vặt; chúng tôi góp tiền nuôi ba. Gần đây, ba tôi đưa về nhà một phụ nữ trẻ hơn ông gần 20 tuổi, không có việc làm, lại còn có 1 đứa con riêng 12 tuổi. 

Chị em chúng tôi không có ý phản đối cô ta, nếu cô ta thật lòng yêu thương ba, chăm sóc ba và thể hiện đúng vai trò của một người mẹ kế.

Nhưng cô ta cả ngày chỉ ăn và ngủ. Chiều chiều ngủ dậy là xách xe đi tới tối khuya mới về. Gần đây, ba xin chúng tôi thêm tiền tiêu vặt, chúng tôi mới biết tiền lương hưu của ba, cô ta dùng hết để mua sắm và đi chơi bài. Cô ta còn phàn nàn là không đủ tiền cho cậu con riêng ăn sáng và bỏ túi đi học.

Chúng tôi chất vấn chuyện cô ta lấy tiền của ba. Cô ta còn trẻ, sao không đi làm nuôi con. Cô ta nói nếu gia đình em tôi ra khỏi căn nhà của ba mẹ tôi, để cô ta sống với ba tôi và con cô ta thì cô ta sẽ cố gắng tự lo cho gia đình.

Em tôi tự ái, muốn đi khỏi nhà, nhưng tôi không đồng ý. Tôi sợ cô ta có mưu đồ chiếm đoạt nhà của ba. Ba tôi thì hết sức mù quáng, vì cô ta ngon ngọt.

Chúng tôi phải làm gì để bảo vệ ba và căn nhà?

Thanh Hà (quận 4, TPHCM)

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

Chị Thanh Hà thân mến,

Hạnh Dung rất hiểu cho nỗi khó khăn và khổ tâm của các chị. Ba đã hy sinh cuộc đời riêng để chăm sóc con cái. Các chị cũng đã thu xếp để có thể chăm sóc ba, mong ba có được những ngày tháng tuổi già bình yên. Ai ngờ cuộc đời lại có những bước ngoặt bất ngờ như vậy.

Tất nhiên, cuộc đời của ba do ba quyết định và ông muốn sống với ai cũng là do ông. Thế nhưng, qua những điều chị kể về người “mẹ kế” thì quả thật khó mà yên tâm giao ba lại cho một phụ nữ như vậy. Tình cảnh của các chị lại lâm vào thế: ở chung cũng dở mà ra riêng cũng khó.

Thẳng thắn mà nói, lúc này, dù có thế nào, các chị cũng phải thử thách, thăm dò những ý đồ của người phụ nữ kia. Điều làm nhiều người suy nghĩ trong những trường hợp thế này là việc một người đàn bà lợi dụng sự yếu đuối của một người đàn ông để ăn bám và chiếm đoạt nhà cửa.

Ra khỏi nhà lúc này là coi như “giao trứng cho ác”, nếu cô ta quả thực là con chim ác. Chị em chị phải thẳng thắn và cứng rắn. Hãy cho cô ta biết rằng căn nhà đó có một nửa là của mẹ các chị và các chị vẫn có quyền sống ở đó để gìn giữ kỷ niệm và cũng là tài sản của mẹ để lại cho các chị. Hãy yêu cầu cô ta có nghĩa vụ nấu ăn, dọn dẹp cùng với các chị nếu muốn được sống chung và các chị cũng có quyền xem bà chăm sóc ba các chị ra sao. 

Hãy luôn lắng nghe và mềm mỏng trả lời mọi đòi hỏi. Nhưng trong sự mềm mỏng, hãy thể hiện sự nghi ngờ và quyền kiểm tra mọi việc chính đáng của con cái. Bên cạnh đó, hãy tìm cơ hội để trò chuyện với ba, nhắc nhở ông tỉnh táo và khơi gợi nơi ba tình thương yêu xưa nay ông dành cho con cái.

Những người phụ nữ tham lam và lười biếng thường không đủ kiên nhẫn và chịu đựng khi thấy ý đồ của mình khó thành công. Chỉ cần các chị bày ra trước mắt cô ta những khó khăn, sự thật sẽ dễ phơi bày. Còn nếu cô ta vượt qua mọi thử thách và cương quyết thể hiện sự gắn bó thì lúc đó các chị cũng nên xem lại liệu mình có định kiến quá mức với cô ta hay không. Khi đó, cả 2 bên sẽ phải thể hiện thiện chí để cùng nhau sắp xếp một cuộc sống ổn định cho ba và cho tất cả.

Theo phụ nữ TPHCM