Chào chị Hạnh Dung.

Em có vấn đề gia đình cần được tư vấn. Hiện tại gia đình em gặp biến cố rất lớn. Có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Em có chồng hơn 10 năm, có 2 bé trai 9 tuổi và 6 tuổi.

Vì mâu thuẫn giữa cha mẹ ruột em với chồng rất nhiều, nên chồng yêu cầu em lựa chọn. Một là xử lý để cha mẹ không can thiệp vào gia đình em nữa, vì cha em hành xử với chồng em có đôi lúc chưa đúng. Hai là chúng em sẽ ly hôn. Nhưng như vậy sẽ khổ cho 2 bé nhà em lắm. Mong chị cho em lời khuyên ạ.

Trang
leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Em Trang thân mến,

Lại một bức thư quá vắn tắt, hầu như không có tình tiết nào để Hạnh Dung có thể hiểu rõ hơn về vấn đề, tình huống mình phải tư vấn. Hạnh Dung chỉ có thể chia sẻ với em vài điều chung chung nhất.

Đáng mừng trong vấn đề gia đình của em là chồng em không yêu cầu em chọn giữa chồng em và cha mẹ, mà là chọn giữa việc ly hôn (có nghĩa là chồng em) và việc em phải quyết tâm xử lý mọi việc để cha mẹ em không can thiệp vào chuyện gia đình em nữa.

Dù không nói rõ cách can thiệp của cha mẹ vào chuyện gia đình em, không nói rõ họ can thiệp vào những chuyện gì, nhưng điều quan trọng là chính em cũng nhận thấy rằng cha em có những cư xử không đúng với chồng em, vậy thì chọn lựa của em rõ ràng là không có gì khó khăn. Vấn đề còn lại là cách xử lý vấn đề thôi.

Em đã lập gia đình, em đã có cuộc sống riêng, em có một người chồng để cả hai cùng nhau xây dựng cuộc sống riêng đó, em có những đứa con mà vợ chồng em có trách nhiệm bảo vệ chúng, cho chúng cuộc sống trọn vẹn ấm êm và hạnh phúc bên cha mẹ. Dù có hiếu kính thế nào, hay thậm chí là cả nể thế nào, em cũng phải rõ ràng một điều là cha mẹ em không nên và thậm chí là không được can thiệp vào đời sống của gia đình em.

Các em có thể lắng nghe lời khuyên, lời tư vấn của cha mẹ để chọn lọc những điều gì đúng và tốt cho cuộc sống chung của các em. Các em phải có nghĩa vụ chăm sóc và quan tâm đến sức khỏe, đời sống của cha mẹ hai bên. Nhưng để người lớn can thiệp sâu vào gia đình mình, hơn thế nữa lại có những cách hành xử không đúng, làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình mình, thì là chuyện không thể nào chấp nhận được.

Hạnh Dung thấy qua vài lời em kể, chồng em có lẽ cũng đã phải nhẫn nhịn, và may là dù bị cư xử không đúng, anh ấy cũng cố gắng nhường phần giải quyết tế nhị lại cho em, chứ không hành xử thô lỗ để trả đũa người lớn.

Nếu giữa em và chồng không có vấn đề gì, ngoài việc của cha mẹ, nếu em thấy chồng em vẫn là người chồng, người cha tốt, thì em không có chọn lựa nào khác là phải làm sao để cha mẹ hiểu giới hạn của việc can thiệp vào chuyện gia đình em.

Cách nào, như thế nào thì Hạnh Dung không nói cụ thể được, vì em cũng không đưa chi tiết các mâu thuẫn như thế nào, về việc gì. Nhưng khéo léo được thì em hãy khéo léo, mà nếu khéo léo không có tác dụng thì em cũng phải cứng rắn và cương quyết. 

Mục đích cuối cùng của em là làm sao cho cha mẹ hiểu rằng, em và chồng em vẫn yêu thương họ, vẫn trân trọng những quan tâm của họ dành cho gia đình em. Nhưng cả em và chồng đều đã là những người trưởng thành, và gia đình của các em cần có được đời sống độc lập của mình. Chỉ có các em mới hiểu rõ hơn ai hết những gì các em cần làm cho gia đình mình, và các em đủ khả năng tự chịu trách nhiệm về điều đó.

Theo phụ nữ TPHCM