Trở về sau đám giỗ ông nội ở quê, em gái tôi vùng vằng: “Từ nay em sẽ không gửi tiền cho cha nữa, bực bội lắm”.
Hỏi ra mới biết, em vừa chứng kiến cảnh cha rút xấp tiền 200 ngàn đồng phát cho đám con cháu ở quê trong đám giỗ. Tôi hiểu cảm giác của em vì nhiều lần nhìn thấy cách chi tiền vung tay của cha.
|
Bao nhiêu tiền dành dụm, cha đều đem cho các cháu ở quê (ảnh minh họa) |
Cha tôi là con thứ hai trong gia đình có 5 anh chị em. Bác Hai đã mất mấy năm trước nên việc giỗ chạp ở quê đều do cha đảm nhiệm. Kinh tế của gia đình tôi không khá giả như các cô chú vì mẹ tôi mất sớm, nhưng cha tôi luôn nhận phần nặng về mình.
5 triệu đồng tiền lương hưu không đủ để cha trang trải nên chị em tôi phải phụ giúp ông. Một đám giỗ thay vì chia 3 cho các anh em trai thì cha nhận lo một nửa, nửa còn lại của chú Ba và chú Tư. Đợt xây nhà thờ cho ông bà, mọi người bàn số tiền chi phí sẽ chia 3 phần cho các con trai, còn cô Út và các cháu thì tùy tâm đóng góp.
Tất nhiên với phần tiền của cha, chị em tôi phải góp vào mới được 150 triệu đồng vì cha không có nhiều tiền. Nhưng sau đó khánh thành nhà thờ, cha lại hô hào chúng tôi đưa thêm để chi 30 triệu đồng lo lễ và tiệc. Cha phóng khoáng như thế nên anh em họ hàng cứ nghĩ nhà tôi khá giả, có việc gì cũng đến hỏi mượn tiền.
Mỗi lần về quê, cha đều cho tiền các cháu như một thói quen. Khi họp mặt bạn bè, cha cũng thoáng tay trả tiền bao ăn uống. Chị em tôi thu nhập cũng chỉ đủ sống, nhưng vì thương cha, mỗi lần về thăm đều biếu cha tiền, nên ông cũng có một khoản tiết kiệm vì cha sống cùng vợ chồng em trai, không phải lo chi phí sinh hoạt, tiền lương hưu chỉ để chi dùng việc cá nhân.
Khi mẹ còn sống, nhiều lần cha mẹ cãi nhau về cách chi tiêu của cha. Mẹ hay nói cha không lo cho vợ con, mà luôn đặt anh em họ hàng và các cháu lên trên hết. Bao nhiêu tiền bạc cha dành dụm đều đem về giúp đỡ cháu ở quê còn con cái phải tự xoay xở. Đến bây giờ, cha vẫn giữ nguyên cách sống đó nên chị em tôi rất buồn.
Đã mấy năm nay, tôi không gửi tiền cho cha nữa mà thay vào đó sẽ mua sữa, thuốc bổ, quần áo, đồ dùng, thỉnh thoảng đưa cho em dâu phụ tiền ăn hàng tháng. Còn em gái tôi lấy chồng xa, lâu mới về thăm nhà nên lần này em dành dụm được hơn 10 triệu đồng tặng cha. Vừa cho hôm trước, hôm sau cha đã đem về quê phát cho đám cháu nhỏ.
Em tôi nghẹn ngào: “Số tiền đó em phải giấu chồng cất riêng, dành biếu cho ông mua thuốc mua sữa, đâu ngờ cha thoáng tay kiểu đó”. Tôi từng nói bóng gió về chuyện này với cha, nhưng ông bảo: “Ngày xưa bác Hai nuôi cha lớn, giờ cha phải có trách nhiệm với con cháu của bác”.
|
Tôi chọn cách không cho cha tiền mà mua những thứ cần thiết cho cuộc sống hàng ngày của cha (ảnh minh họa) |
Có lần cha gom góp được 12 triệu đồng cho con trai bác Hai làm lại mái hiên trước nhà, trong khi vợ chồng nhà anh sức dài vai rộng, thu nhập khá. Đến khi cha đau ốm, nhập viện để mổ tim thì các cháu không hỏi han nửa lời. Chiếc xe máy cũ của cha cũng đem cho cháu ở quê chứ không để cho vợ chồng em trai chở hàng hóa. Chưa kể, cháu chơi lô đề cờ bạc nợ nần, cha gom mấy tháng lương hưu đem cho trả nợ...
Em trai tôi có lần than: “Cha chỉ lo cho người ngoài, chẳng để ý gì con cái trong nhà...”. Tôi nói thẳng quan điểm của mình với các em, chỉ lo cho cha những thứ thiết yếu để phục vụ cuộc sống hàng ngày chứ không đưa tiền nữa. Các em băn khoăn như thế có bất hiếu hay không, nhưng tôi nghĩ đó là cách tốt nhất để tôi không rước bực tức vào người.
Theo phụ nữ TPHCM