Chào chị Hạnh Dung,

Chồng tôi không phải là trụ cột gia đình. Từ khi lấy chồng, sinh con đến giờ là 5 năm, nhưng mọi chi phí gia đình tôi đều phải gánh; chồng có tiền thì phụ một chút, không có thì thôi. Anh cũng không để tâm gì về chuyện ấy.

Chúng tôi đang sống cùng ba mẹ chồng. Chồng thờ ơ, chỉ biết nghe theo ba mẹ; còn ba mẹ chồng không tình cảm, khiến tôi vô cùng chán nản. Tất cả những khó khăn trong cuộc sống, tôi chỉ có ba mẹ ruột là chỗ dựa.

Những ngày gần đây, tôi cứ nghĩ đến việc dọn về sống cùng ba mẹ ruột. Nhưng 2 em trai tôi có gia đình đều đang ở đó, nên ở chung thì bất tiện. Tôi dự tính sẽ thuê nhà ở gần đó để nương nhờ mẹ ruột.

Chồng cũng biết ý định này của tôi. Anh nói nếu tôi muốn thì cứ đi, anh không giữ. Bây giờ, tôi sống cùng anh cũng chỉ để đỡ tốn tiền nhà chứ bản thân tôi đã không còn hy vọng chồng thay đổi. Liệu tôi có nên ôm con ra thuê nhà để dứt khỏi người chồng không ý chí này không?

Hà Trinh (TPHCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hà Trinh mến,

Hạnh Dung rất chia sẻ với cảm giác thất vọng của bạn về hôn nhân. Bây giờ, sai ở đâu thì hãy thử sửa ở đó trước. Điều cần giải quyết lúc này chính là cảm giác thất vọng, trạng thái chán chường, vô định này. Khi bạn “quy đổi” nó thành chuyện ly hôn, dọn ra sống riêng, nó biến thành một chuyện quá lớn và không thật liên quan nên sẽ rất khó giải quyết.

Thư bạn viết khá chung chung nên Hạnh Dung không hình dung được liệu bạn và chồng đã từng chia sẻ với nhau về định hướng cuộc sống, về cách tổ chức đời sống gia đình và kế hoạch tài chính - chi tiêu chưa. Nếu có, bạn đã chia sẻ đến đâu, khúc mắc chỗ nào, thái độ của chồng và của bạn ra sao khi nghe về quan điểm tổ chức cuộc sống của người kia.

Thực tế là không phải ai cũng có ý thức về việc tổ chức cuộc sống. Nhiều cặp vợ chồng thành đôi rồi về cứ thế sống theo quán tính, đến khi va chạm, khúc mắc hoặc gặp biến cố nào đó mới vỡ lẽ.

Có một thực tế khác là thường phụ nữ sẽ mạnh về việc tổ chức và lập kế hoạch cho cuộc sống - tài chính - tương lai hơn đàn ông. Trong nhiều cuộc hôn nhân, phụ nữ thường đóng vai trò lèo lái kế hoạch và đàn ông đóng góp những gì họ có thế mạnh, để hướng đến mục tiêu chung. Có vẻ vợ chồng bạn gần nhất với trường hợp này.

Vậy thì phải điều chỉnh thế nào? Thứ nhất, cần tự hình dung về cuộc sống gia đình mà mình mong muốn và nghĩ xem trong đó bạn có thể đóng góp điều gì, chồng bạn đảm đương những việc gì. Cần hoạch định xem bạn muốn đạt mục tiêu nào về tài chính và đâu là cách có thể đạt được những điều đó, chồng bạn có thể tham gia đóng góp như thế nào.

Đừng để những ý muốn mơ hồ dẫn dắt mình. Mong muốn “có người đồng hành, gánh vác” tuy rất chính đáng nhưng vẫn là một mong muốn chưa cụ thể. Đôi khi chồng bạn đã gánh vác và chia sẻ những việc khác, theo một cách khác, nhưng vì anh ấy không gánh vác đúng việc mà bạn mong mỏi thì bạn cũng sẽ thấy anh ấy không có vai trò gì trong gia đình.

Sau khi đã tự xác định rõ ràng về kế hoạch hôn nhân mà mình mong muốn, hãy chia sẻ với chồng. Hãy nói về viễn cảnh tương lai gia đình mà bạn mong mỏi. Khi nó cụ thể và được chia sẻ chân thành, chồng bạn sẽ dễ tiếp nhận hơn. Và với từng đầu việc cụ thể, từng mục tiêu rõ ràng, vợ chồng bạn hãy cùng bàn tính xem khả năng của từng người tới đâu, làm cách nào để đạt được.

Bạn hãy làm những bước đó trước khi đưa ra quyết định lớn như là chia tay; bởi đã là vợ chồng, đặc biệt khi đã có con, câu chuyện giữa 2 người không còn đơn giản là hào hứng thì nắm tay, còn “mất hứng” thì giải tán.

Khi đã làm tất cả, cố gắng hết sức mà vẫn không tìm thấy cảm hứng để sống cùng nhau, lúc đó bạn sẽ dễ quyết định việc ra riêng mà không còn quá băn khoăn như bây giờ.

Theo phụ nữ TPHCM