leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Các bậc cha mẹ đôi khi muốn tạo ra một hình ảnh đẹp, gương mẫu nên cố gắng kể những câu chuyện hay, những thành tích nổi bật mà ít thể hiện các khuyết điểm hay lỗi lầm của mình. Vì vậy, trong mắt con trẻ, cha hay mẹ chúng rất giỏi, khó ai có thể so sánh được. Cha mẹ trở thành hình mẫu để con cái vươn tới, học tập theo. Thế nhưng, liệu hình ảnh đó có buộc phải luôn luôn đẹp, mãi là hình mẫu, khi con người vốn là “nhân vô thập toàn”? Vậy hóa ra chúng ta chưa thành thật với con sao?

Khách quan mà nói, không phải điều gì của cha mẹ cũng có thể nói với con cái, nhưng chúng ta nên quan tâm đến những câu chuyện có tác dụng giáo dục hoặc hun đúc tình cảm tốt đẹp hay có ý nghĩa xây dựng nhân cách cho trẻ. Vì vậy, những chuyện tích cực, những hình ảnh đẹp nên được mang ra làm thí dụ cho trẻ. Chẳng hạn, chuyện cha mẹ từng đứng nhất lớp, từng là học sinh giỏi các cấp, từng giành huy chương Vàng trong các cuộc tranh tài thể thao, từng là thành viên đội kịch nói của trường, từng được tuyên dương là thanh niên tiên tiến cấp thành phố… Dĩ nhiên, đó phải là những chuyện thật, sống động và điều đó trở thành niềm tự hào, hãnh diện của con trẻ, để chúng noi theo.

Dẫu vậy, những chuyện chưa hay cũng chẳng nên giấu nếu đó thực sự là bài học sinh động. Tôi từng kể cho con nghe câu chuyện: Khi mẹ tôi bảo tôi mang củi vào nhà bếp để cất, thì thay vì chịu khó mang nhiều lần, tôi lười biếng nên mang một lần, làm củi văng đổ tung tóe, phải nhặt và xếp lại còn lâu hơn. Bài học ở đây là phải lựa chọn cách thực hiện vừa với sức mình, theo một trình tự hợp lý; nếu thực hiện sai thì sẽ nhận lấy một hậu quả tương xứng; bởi vậy không được lười biếng, không được “đốt cháy giai đoạn”. 

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Hay một câu chuyện khác: Hồi lớp Năm, nhà tôi sắm được cái ti vi đen trắng 9 inch, tôi ham coi nên ngủ trễ, có lần vào lớp ngủ gục, bị cô giáo mắng vốn với mẹ… Bài học ở đây là đã là trẻ con thì dễ có sự ham thích một điều gì đó thái quá, nên cha mẹ luôn thông cảm với những ham thích của con; nhưng cũng vì vậy nên việc cha mẹ nhắc nhở hay rầy rà con cũng vì cho sự phát triển tích cực của con… 

Tôi nhận thấy, “chuyện xấu” giúp thu hẹp khoảng cách với các con hơn, giúp các con thấy ba chúng cũng như những người khác, khi còn nhỏ cũng có những khuyết điểm đáng trách. Điều đó trở thành bài học dễ ghi nhớ hơn những chuyện ở đâu đâu…

Có lẽ người lớn chúng ta nên giúp trẻ nhận thức rằng khuyết điểm là một phần của cuộc sống, bởi không ai hoàn hảo. Đó là cách trẻ không sợ khuyết điểm hay sai lầm, điều quan trọng là phải biết vượt qua khuyết điểm, khắc phục nó và rút ra bài học bổ ích. Vì vậy, việc kể cho con nghe những lỗi mình từng mắc, kể cả các hậu quả của nó, cũng là cách để trẻ thấy những lỗi có thể gặp, cách tránh và cách khắc phục nếu mắc phải. 

Điều đó tích cực hơn nhiều so với việc cha mẹ chỉ nói về điều hay, điều tốt, nhưng bản thân trẻ không thể nào tránh được các sai lầm, va vấp, mà mỗi lần như vậy chúng lại lúng túng. Hình ảnh người cha, người mẹ thật sự đẹp không cần bóng bẩy, lung linh, mà chính là người luôn đồng hành, gần gũi với con, cả trong những sai lầm, khuyết điểm! 

Theo phunuonline.com.vn