leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Có lần tôi than thở với mẹ chồng, rằng tiền trong túi chồng tôi như con tôm nhảy đành đạch, chỉ tìm cách thoát ra khỏi túi, đó cũng chính là lý do kinh tế gia đình tôi không khá nổi.

Bữa ấy, mẹ chồng giảng: người biết xài tiền thường là người làm ra tiền. Cả đời dè sẻn chẳng có gì hay. Rồi mẹ hỏi tôi chọn người chồng biết làm ra tiền, biết tiêu tiền, hay chọn người chồng vô dụng không làm ra đồng nào.

Tôi nghe mẹ nói, chỉ im lặng. Phụ nữ nào chẳng muốn chồng mình làm ra tiền, nhưng phải chi tiêu hợp lý. Đàn ông giỏi làm ra tiền nhưng chi tiêu vung tay thì tiền cũng tìm cách chạy qua túi người khác, vợ con chẳng được sung sướng. Mấy lời mẹ chồng tôi nói, có lẽ để an ủi, động viên con dâu, chứ bà cũng là phụ nữ vén khéo. Tôi tin sau khi mẹ chồng - nàng dâu chúng tôi tâm sự cùng nhau, mẹ sẽ gặp riêng con trai và nhắc nhở chuyện chi tiêu.

Trở lại câu chuyện xài tiền. Đành rằng, nếu có tiền thì sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời: đi du lịch, làm từ thiện hay làm những gì mình thích. Chẳng ai điên làm ra nhiều tiền mà không chi tiêu. Có những người lạ lắm. Làm ra tiền, người cất vào tài khoản, người thì sắm vàng mà không biết nghĩ cho bản thân, cứ chăm chỉ “cày, bừa” đến quên ăn, quên mặc, quên đi chơi. Khi già, cơ thể không đủ sức để đi đây đi đó, đành ngậm ngùi để lại cho con cháu.

Chồng tôi, lương anh thuộc hàng khá, mỗi tháng cộng các khoản tròm trèm 30 triệu đồng. Lương tôi chỉ bằng 1/3 lương chồng. Tôi vốn sĩ diện, nghĩ chuyện bếp núc thì để mình lo, mấy thứ gạo, dầu mắm muối có đáng là bao. Nhưng rồi tôi nghiệm ra mấy chuyện “không đáng là bao” đó đâu chỉ là gạo, dầu. Con mua quyển sách, cái áo, mua hộp màu, hộp bút, tìm chồng hỏi mất công quá. Mấy thứ lặt vặt tuy không đáng, nhưng cứ phải mua hoài. Chồng tôi lo những việc lớn hơn, nhưng những việc lớn thì thỉnh thoảng mới phải lo, mà việc lớn thì dễ nhớ; mấy việc nhỏ, việc thường ngày quá quen thuộc nên dễ quên.

Với những ai giỏi kiếm tiền thì 10 triệu đồng cũng chẳng đáng gì, nhưng chồng tôi có hơn 10 triệu đồng bỏ túi chi xài riêng hằng tháng sau khi đã lo những “chuyện lớn” trong nhà, còn tôi chẳng có đồng nào cho riêng mình. Tiền trong túi anh chỉ muốn bung ra khỏi ví để đi tới... bàn nhậu. Bao lần tôi góp ý thì anh nói nhậu lúc nào cũng... “hợp tác xã” chứ anh có bao ai đâu. Tôi thà anh “bao” vài lần cho sạch tiền, bởi đằng nào cũng nhậu, còn nhậu kiểu chia tiền là một sự duy trì mạnh mẽ và dài lâu, càng khiến tôi mệt mỏi thêm. Kể ra, anh có giữ lại ít tiền hằng tháng trong tài khoản, nhưng 3 năm mà chẳng được bao nhiêu.

Tôi đề nghị đưa tôi giữ, khoản này nhất định không đụng tới, tính tới nay cũng đã kha khá. Bạn thân tôi bảo tại tôi không yêu cầu chồng đưa thêm để vợ lo những khoản tưởng ít, tưởng nhỏ, tưởng vụn vặt nhưng cộng dồn lại ra con số khá bộn. Cái gì cũng coi là nhỏ, không yêu cầu trách nhiệm từ phía chồng, nên cả đời thiệt thòi, rồi lại tâm tư, bức xúc mỗi khi thấy chồng vung tay.

Thế nên, từ nay, có lẽ tôi sẽ không dùng từ “vụn vặt” nữa mà dùng từ “cần thiết” đối với những khoản chi tiêu hằng ngày trong gia đình. Gian bếp mà không có chai mắm, chai dầu thì sao ra bếp, thử hỏi vụn vặt chỗ nào. Hộp màu, hộp bút mà không có, làm sao tụi nhỏ tới trường, thế thì sao là vụn vặt.

Thì ra bấy lâu nay tôi tự mình làm khó mình. Đừng nghĩ đó là những khoản vụn vặt mà phải hiểu chúng quan trọng, rồi phải biết cách làm sao để chồng cũng phải thấy những thứ “vụn vặt” đó là vô cùng quan trọng. Đó mới chính là cách khiến những ông chồng biết san sẻ trách nhiệm với vợ. Tại các bà không chịu nói, rồi lại trách đàn ông vô tâm…

Theo phụ nữ TPHCM