“Lúc đầu, nhiều người không tin tôi dám ly hôn. Nhưng khi thấy tôi vác bình xịt ra đồng phun thuốc, mang thau phân đi cời cời ngoài ruộng, lo làm lụng nuôi con một mình mà không gục ngã, người ta mới biết tôi nói được làm được” - chị Kim Y - 50 tuổi, ngụ huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu - nhớ về cái ngày chị mạnh mẽ thoát khỏi cuộc hôn nhân đầy bế tắc.

Người chồng bợm rượu

Tôi đến gặp chị Y tại căn nhà nhỏ lợp tôn đơn sơ cạnh dòng kênh xáng. Căn nhà chẳng có vật dụng gì đắt giá nhưng rất ấm cúng. Nổi bật trên tường nhà là những bức tranh thêu do chính chị và con gái luồn từng mũi kim, sợi chỉ. Chị còn tự hào khoe vườn rau sắp thu hoạch của mình. Cuộc sống yên ổn khiến chị luôn tươi cười, ánh mắt nhẹ nhõm, tràn đầy lạc quan.

leftcenterrightdel
 Chị Kim Y và con gái trong một chuyến du lịch - Ảnh do nhân vật cung cấp

20 năm trước, chị Y kết hôn ở tuổi 29 - cái tuổi được cho là quá lứa lỡ thì với những cô gái miền Tây. Chị gửi gắm bao hy vọng vào cuộc hôn nhân. Rồi chị vỡ mộng khi chồng suốt ngày nhậu nhẹt. Hằng ngày, anh đi từ đầu làng đến cuối xóm rủ bạn ăn nhậu, có hôm say không biết đường về. Trong cơn say rượu, chồng chị lại đòi tiền, vung tay đánh vợ, mặc cho vợ bụng mang dạ chửa. Chị kháng cự, lỡ tay làm anh bị thương nhẹ. Thế là từ đó chị mang tiếng đàn bà đánh chồng. Vòng lặp hàn gắn, đổ vỡ rồi lại hàn gắn, cam chịu… tiếp tục xoay vòng trong ngôi nhà lạnh lẽo. Một ngày, chồng chị lại giở thói vũ phu. Chị bồng con về nhà mẹ ruột, không mang theo gì ngoài bộ đồ mặc trên người, dứt khoát đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ vợ chồng kéo dài mới gần 2 năm. Nhiều người nói 2 năm chưa phải là dài, sao chị không gắng thêm chút nữa, nhưng chỉ có chị mới hiểu: một khi cảm thấy không thể tiếp tục thì thà dứt sớm ngày nào tốt cho cả hai ngày đó.

Người đàn bà duy nhất trong xóm dám bỏ chồng

Chị Y nhớ lại thời điểm chị cương quyết rời đi, chị là người đàn bà duy nhất trong xóm dám bỏ chồng. Bao lời dị nghị, gièm pha, bao lời ra tiếng vào: “Làm chảnh vậy thôi chứ vài bữa lại mò về cho coi”. Nhưng rồi, chính sự mạnh mẽ của chị đã khiến mọi người nể phục.

Từ số vốn dành dụm, chị bắt đầu chăn nuôi vịt, gà, một mình canh tác trên 3 công ruộng được mẹ ruột cho. Để tiết kiệm chi phí, chị tự tay làm mọi việc. Ở vùng Lung Cây Xoài này, không ai không biết đến người phụ nữ dáng người mảnh khảnh mà không ngại việc gì - hết đội nắng cuốc đất làm đồng đến xăn quần vớt bèo, xắt chuối nuôi vịt. Lúc rảnh, chị may quần áo, tìm mọi cách kiếm tiền nuôi con.

Vất vả là vậy nhưng chị chưa bao giờ hối hận với quyết định của mình: “Nếu có hối hận thì tôi chỉ tiếc tại sao mình không kết thúc cuộc hôn nhân ấy sớm hơn. Giờ đây, được nhìn con gái khôn lớn từng ngày là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi rồi” - chị Y nói.

Nhờ tính tháo vát, chịu khó, chẳng bao lâu chị Y gom đủ tiền cất nhà, tạo dựng một mái ấm nhỏ cùng con gái. Căn nhà lợp tôn đơn sơ của 2 mẹ con chẳng thể nào so được với căn nhà tường khang trang khi còn có chồng lúc trước; nhưng đối với chị Y, đây là tổ ấm đúng nghĩa mà chị phải mất rất nhiều năm mới tìm kiếm được. Tổ ấm tuy khuyết hình bóng người đàn ông trụ cột, nhưng luôn được sưởi ấm bởi tình mẫu tử thiêng liêng. Quả ngọt trong suốt 20 năm “gà mái nuôi con” của chị Y là sự hiểu chuyện, ngoan hiền của cô con gái Bảo Trân. Thấy mẹ vất vả nuôi nấng mình, Trân luôn cố gắng học tập và đỡ đần mẹ việc nhà.

Vừa làm cha, vừa làm mẹ, chị gần gũi, trò chuyện cùng con để con hiểu mẹ, hiểu cho quyết định rời đi ngày đó của chị. “Mỗi lần bị bạn chọc là đứa con không cha, thay vì khóc kể với mẹ, con nhỏ trả lời rành rọt: “Mình không có cha nhưng mình vẫn ngoan, học giỏi; bạn có cha nhưng có học giỏi bằng mình không?”. Nghe con vững vàng đối đáp, tôi cũng mừng vì con biết suy nghĩ và không yếu đuối” - chị Y tâm sự.

Hiện cha của Bảo Trân cũng đã có hạnh phúc mới, gia đình mới. Trong ký ức của cô gái 20 tuổi, hình bóng cha rất mơ hồ. Từ lúc em biết chuyện đến nay, cha em chưa lần nào ghé thăm hay hỏi han dù chỉ ở cách nhà em khoảng 10km. Trân tâm sự: “Em chỉ biết cha là người đã đặt tên cho em, điều này do mẹ em kể. Em cũng hay nghe các cô, cậu nhận xét em có nét giống cha hơn giống mẹ, nhưng em cũng không biết có phải vậy không, tại em không nhớ mặt cha”.

Trong ngôi nhà vắng bóng đàn ông, mẹ con chị Y vẫn thoải mái tận hưởng cuộc sống. Hễ có dịp là mẹ con lại cùng đi du lịch. Trân nói em sẽ ráng tìm việc làm ổn định để lo cho mẹ và dẫn mẹ đi xuyên Việt thăm thú cảnh đẹp đó đây. Nhìn những tấm hình 2 mẹ con cười đùa vui vẻ khi du lịch cùng nhau, tôi tin chị Y đã đúng khi quyết định từ bỏ cuộc hôn nhân không hạnh phúc.

Theo phụ nữ TPHCM