Đọc bài Chưa ly hôn, sao đã tay trong tay” người khác?, tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của tác giả: nên có trách nhiệm đến phút cuối với cuộc hôn nhân - tức bản án ly hôn có hiệu lực, đồng nghĩa không nên có mối quan hệ với người khác dù trong quá trình sống ly thân, chờ tòa xét xử.

Tuy nhiên, tôi cho rằng chỉ có người trong cuộc mới biết thấu nỗi khổ tâm khi chưa thể ly hôn, sống không hạnh phúc với đối phương mà trái tim lại khao khát tình yêu.

Vợ chồng tôi bằng tuổi, đều là dân tỉnh lẻ, lên thành phố học và quen nhau. Có thể nói, chúng tôi cũng là mối quan hệ tào khang, đến với nhau khi hai bàn tay trắng. Kết hôn xong, hai đứa chuyển không biết bao nhiêu chỗ trọ rồi mới mua được nhà. Chúng tôi mở công ty in ấn, gầy dựng cuộc sống. Việc làm ăn phát đạt, chúng tôi không chỉ lo cho các con đi du học mà còn dành dụm một khoản lớn để sau này, yên tâm an dưỡng tuổi già.

leftcenterrightdel
 Vợ chồng tôi không còn tiếng nói chung (Ảnh minh họa)

Nhưng trong hành trình vươn lên đó, vợ chồng tôi đều thay đổi tính tình, ngày càng không còn tiếng nói chung. Ba năm trước, chúng tôi chọn ly thân, vẫn sống chung nhà nhưng ngủ riêng. Có nhiều ngày vợ chồng tôi không ai mất với người kia một tiếng nói.

Tôi rất chán nản, từng tính đến chuyện ly hôn, nhưng vợ tôi không đồng ý. Cô ấy sợ mất mặt với bạn bè, người thân, lo lắng khi ly hôn, tài sản sẽ thuộc về người khác. Hơn nữa, các con tôi còn đang học cấp III, tuổi ẩm ương, thi cử đến nơi, khó tránh được cú sốc nếu cha mẹ ly hôn.

Tôi nghĩ rằng thôi thì cứ như vậy, chờ thời điểm thích hợp, ít nhất là đến lúc các con có thể chấp nhận tình trạng của bố mẹ hoặc một lúc nào đó, người đòi ly hôn không phải tôi mà là vợ.

Vợ tôi 40 tuổi, rất đẹp. Cô ấy có nhiều người theo đuổi. Tôi biết vợ từ lâu cũng lén lút qua lại với một người đàn ông, nhưng tôi mặc kệ. Phần vì tôi không còn yêu vợ, đã sống ly thân, tôi không hề thấy ghen tuông, cảm xúc bị tác động. Tôi tôn trọng vợ, nghĩ cô ấy cần hạnh phúc, có cuộc sống vui vẻ. Ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc riêng.

Hai năm trước tôi gặp Hân. Cô ấy như làn mưa tưới tắm một tâm hồn khô hạn, cạn kiệt. Người ta có thể kiềm chế cảm xúc rung động, yêu thương khi có điều gì cần phải gìn giữ, bảo vệ, như là gia đình, tổ ấm. Trong tình cảnh của tôi, tôi thực sự khát khao yêu thương, cần người chia sẻ những vui buồn cuộc sống. Lẽ đó, tôi đón nhận tình cảm của Hân, cho phép mình hạnh phúc.

Thế nhưng, vào ngày tôi tỏ tình, Hân thẳng thắn hỏi tôi đã ly hôn vợ chưa? Tôi nói chưa và kể những lý do khiến vợ chồng tôi không thể đến tòa.

Hân nói sẽ ráng chờ đợi tôi. Dù vậy, cô ấy không dừng lại, luôn muốn biết nhiều hơn. Hân rất thường hỏi những câu hỏi vô nghĩa, rằng tôi còn yêu vợ không? Vì sao lại sống với vợ lại không hạnh phúc?

Tôi thường lảng tránh các câu hỏi của Hân.

Tôi kể xấu vợ ư? Rằng cô ấy không quan tâm đến chồng, thích ra ngoài xã giao, coi thường chồng, việc nhà phó thác hết cho người giúp việc. Và... nói thật, cô ấy còn "bỏ bê" tôi do không còn cảm xúc. Làm sao tôi có thể kể những điều không mấy hay ho này. Hân sẽ nghĩ tôi là người như thế nào?

Tự nhận bản thân tệ ư? Khác gì tôi “lạy ông tôi ở bụi này”? Hẳn trong mắt vợ, tôi cũng nhiều thói xấu mới khiến vợ hết yêu. Mà trong giai đoạn vợ chồng mâu thuẫn, vợ thường chì chiết tôi ăn nói kém, bất tài vô dụng để cô ấy một mình xoay xở chuyện làm ăn. 

Không thỏa mãn các câu hỏi của mình, Hân nghĩ tôi xem thường cô ấy. Chúng tôi chia tay.

Nửa năm sau, tôi gặp Đào. Tôi nghĩ Đào là phụ nữ cá tính, chỉ yêu và sống với tình yêu, không quan tâm tới thứ khác. Chưa bao giờ cô ấy hỏi về tình trạng hôn nhân của tôi. Tôi cũng thấy mình cũng không có lý do gì để chủ động "khai báo".

Cho đến khi, khi tình cảm sâu đậm, Đào hỏi tôi có tính chuyện tương lai không. Tôi nói mình vẫn chưa ly hôn. Cô ấy bất ngờ, giận dữ, trách tôi lừa lọc. Thực tế, Đào ngộ nhận tôi đã ly hôn vì tay tôi không đeo nhẫn cưới, và quan trọng là tôi tự do như người độc thân, luôn có mặt khi cô ấy cần.

Đào rất đau khổ và muốn tôi ly hôn. Nhưng như tôi đã nói, không phải cuộc ly hôn nào cũng dễ dàng, nhất là các con tôi chuẩn bị đi du học. Ít nhất, phải đợi chúng ổn định cuộc sống nơi xứ người trước khi đón nhận cú sốc nếu bố mẹ chia tay.

Và một lần nữa, tôi bị người yêu “đá”.

Khi bạn bè tôi biết chuyện, đàn ông tỏ ra thông cảm, hiểu cho sự thiếu thốn tình cảm của tôi. Nhưng hầu hết chị em lớn tiếng lên án, trách tôi “sống vậy là không được?”. Họ khuyên tôi phải quyết liệt ly hôn cho rõ ràng, hoặc phải sống trong đơn độc, không được lừa lọc ai, đó mới là đạo lý.

Tôi biết chứ! Nhưng nói thì thật dễ, còn thực tế sao mà khó!

Hôn nhân không hạnh phúc đã là một bất hạnh, tôi yêu người khác thì có gì không đúng? Là người đàn ông bị vợ “bỏ đói”, chịu cảnh ly thân quá lâu; chẳng lẽ tôi phải sống mòn, chết dở như thế thì mới tròn đạo lý!

Theo phunuonline.com.vn