Cô Hạnh Dung thân mến,
Cháu và bạn trai chuẩn bị làm đám cưới. Cháu là con gái đầu, sau cháu còn 2 em nữa. Bạn trai là con út, trên bạn còn một anh trai đã lấy vợ và đang ở chung.
Trước kia, đến nhà bạn trai chơi, thấy hoàn cảnh như vậy, cháu mừng lắm. Vì bố mẹ bạn đã có vợ chồng anh trai sống chung, nên khi cưới nhau, cháu muốn về nhà cháu ở. Nhà cháu khá rộng rãi. Cháu có phòng riêng, có bếp riêng. Cháu nghĩ ở như thế vừa tiện cho cháu chăm sóc cha mẹ và hai em, mà vợ chồng vẫn được tự do.
Không ngờ vừa nghe dự định cưới của tụi cháu, vợ chồng anh hai tuyên bố ra riêng. Hóa ra họ âm thầm mua nhà từ lúc nào, giờ thấy có dâu mới thì muốn trốn trách nhiệm.
Vấn đề là ba chồng cháu bị tai biến nằm một chỗ 2 năm nay rồi. Gia đình có người giúp việc, nhưng làm dâu thì vẫn phải chăm sóc, quan sát, kiểm tra người giúp việc. Mẹ chồng cháu thì bị bệnh tim nặng, cũng không khỏe mấy.
Cháu nghe nói sẽ về làm dâu thì sốc lắm. Chăm sóc 2 người già bệnh tật, năm nào cũng nằm viện vài tháng, đến khi có con rồi sẽ ra sao? Cháu nghĩ tới đã thấy ngán ngại.
Thế nhưng chị dâu cứ ngọt ngào nói "giàu Út ăn, khó Út chịu", anh chị nhường Út ăn tất. Chăm sóc ba mẹ rồi sau này cứ ở luôn đây, không phải cực khổ mua nhà như anh chị.
Cháu hiểu ý họ muốn nói rằng tụi cháu lo chăm ba mẹ thì sẽ được hưởng căn nhà. Nhưng việc đó đâu thể nói miệng như vậy. Vì nếu sau này ba mẹ chồng mất, theo quy định của pháp luật, nhà sẽ phải chia đều cho mọi người con. Bây giờ anh chị nói vậy, mốt nữa lại lật lọng không chịu nhường thì sao?
Cháu muốn đề nghị anh chị làm giấy tờ cho vợ chồng cháu phần thừa kế của mình, nhưng nói vậy người yêu cháu bảo ngại lắm. Cứ như là mình mua bán việc hiếu đễ với cha mẹ.
Hiếu đễ là chuyện của anh ấy, cháu chỉ là con dâu. Nhưng rồi sống chung, cháu sẽ phải gánh việc chăm sóc cha mẹ là chủ yếu chứ anh ấy có làm được đâu.
Cháu chỉ muốn mọi việc được rõ ràng, không gây xích mích, kiện tụng, ấm ức về sau này. Cháu làm thế và nghĩ thế có gì sai không ạ? Và cháu có nên tự nói chuyện với vợ chồng anh trai nếu người yêu cháu không chịu nói hay không?
Thu Hòa
|
Ảnh minh họa |
Cháu Thu Hòa thân mến,
Đọc thư cháu, dù cháu là người hỏi và mong chờ lời tư vấn, nhưng suy nghĩ của cô lại hướng về 2 người già của ngôi nhà đó và thấy thật thương họ.
Một người thì đang nằm một chỗ, không biết gì, một người thì bị tim, yếu ớt, thường xuyên nằm viện. Họ đang cần hơn ai hết tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm của những người con, bao gồm cả con dâu và con rể.
Căn nhà mà họ phải làm lụng cả đời mới có, để những đứa con trai có một nơi ở đàng hoàng, một mái ấm hạnh phúc, thì giờ đây trở thành thứ để những người con mang ra đặt điều kiện chăm sóc cho họ những năm tháng cuối đời (mà thời gian đó chắc không còn bao nhiêu nữa).
Thật chua chát và đau xót!
Cô vẫn biết rằng chăm sóc người già bệnh tật, vô cùng vất vả, cực khổ. Việc chia nhau chăm sóc cha mẹ già giữa các anh chị em dâu rể từng là nguyên nhân nổ ra những mâu thuẫn trầm trọng đến mức anh em ruột không thể nhìn mặt nhau. Nhưng đáng buồn hơn cả là cháu chưa chính thức về làm dâu trong gia đình, mà có vẻ như mâu thuẫn đó đã bắt đầu.
Nếu yêu thương bạn trai và thật lòng muốn xây dựng gia đình với bạn, cháu hãy bắt đầu bằng việc nghĩ về cha mẹ bạn như mình là một đứa con của họ. Có thể cháu nghĩ rằng gia đình tương lai của cháu không liên quan gì đến mối quan hệ, đến cách xử sự đang làm cháu bận tâm hôm nay. Nhưng không phải vậy đâu, cháu ạ.
Vì sao người ta hay dùng từ "giềng mối" cho gia đình? Là bởi mối quan hệ của gia đình không bao giờ chỉ là sự đơn lẻ của những quan hệ giữa 1, 2 cá nhân, mà nó chằng chịt, đan kết với nhau từ nhiều mối quan hệ với một mối quan hệ trung tâm. Nó dễ dàng sụp đổ khi người ta coi thường bất kỳ mối quan hệ nào trong đó.
Cho nên hôm nay, mình tính toán, ích kỷ, ganh ghét, sân si, đố kỵ thế nào trong vấn đề yêu thương và lợi ích của mình, thì ngày mai, có thể những điều đó sẽ xảy ra với chính mình, khi mình là cha mẹ, ông bà, khi mình trở thành mối dây chính trong liên kết gia đình mình.
Trước tiên, cô nghĩ rằng cháu, dù chưa chính thức trở thành con cái trong nhà, hãy động viên người yêu cháu có những cuộc trò chuyện với anh trai, để cả hai có những phân công tốt nhất trong việc chăm sóc cha mẹ già.
Ưu tiên hàng đầu phải là niềm vui, sự bình an được con cái chăm sóc trong những năm tháng cuối đời của cha mẹ. Những vật chất cụ thể có thể được chia chác rất sòng phẳng, nhưng trách nhiệm lớn lao này của con cái thì không thể chia thành phần nhỏ để tính toán cân đong, mà phải được coi là trách nhiệm chung.
Đừng so bì, tính toán với nhau, vì kết quả lớn nhất của những so bì tính toán ấy cuối cùng chỉ có cha mẹ là người nhận lãnh. Làm gì được cho mẹ cha thì hãy làm hết sức mình, và xem đó là một ân phước lớn của cuộc đời. Ai không hiểu điều đó thì kệ họ. Bình an và tin tưởng làm điều mình biết rằng nên làm, hạnh phúc sẽ dài lâu, bền chặt lắm, cháu ạ.
Ngay từ đầu, cháu đã không nghĩ đến ngôi nhà. Suy nghĩ này chỉ phát sinh khi cháu đoán ý đồ của chị dâu, hay có thể là của cả anh chồng nữa, thì bây giờ đây, cháu cũng đừng đặt nó lên hàng đầu để giải quyết mọi vấn đề còn lại của trách nhiệm và tình yêu thương.
Đó phải là những cuộc trò chuyện và phân xử của hai người đàn ông có quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan trực tiếp ở đây. Nếu họ không thể phân xử công bằng thì vẫn còn pháp luật và tiếng nói lương tâm giúp họ làm việc đó một cách đúng đắn nhất.
Cô mong cháu sẽ đọc kỹ và suy ngẫm cho kỹ lời khuyên của cô, và sẽ tìm được câu trả lời tốt nhất cho mình.
Theo phụ nữ TPHCM