Chị Hạnh Dung kính mến,
Nhà chồng em có văn hóa đùm bọc rất nặng nề. Ba mẹ chồng em quan niệm chỉ nuôi con đầu, còn con đầu phải lo cho con thứ, con thứ phải lo cho con út.
Chồng em là con trưởng. Tụi em cưới nhau đã 5 năm. 5 năm trời vợ chồng không thể dành dụm, thậm chí luôn sống trong cảnh chật vật vì phải lo cho các em chồng.
Lúc tụi em mới cưới thì em kế của anh vào đại học. Anh phải lo cho em, chi phí trung bình 7 triệu đồng/tháng. 4 năm sau, em kế ra trường thì cậu út vào đại học. Theo “luật” của ba mẹ thì con giữa phải lo cho con út, nhưng cậu em giữa của chồng vừa mới ra trường, công việc còn chưa ổn định, chưa thể tự nuôi bản thân, thành ra chồng em lại phải gánh luôn em út.
Tiếp tục những năm tháng phải trích 7 triệu đồng/tháng để nuôi em. Kế hoạch mua nhà của tụi em bị hoãn lại. Hiện con đầu của em đã 3 tuổi, lẽ ra tụi em sẽ tính chuyện sinh thêm con. Nhưng với tình hình này, em kiên quyết không thả bầu.
Không khí vợ chồng cũng căng thẳng vì em bức xúc mà không có cách giải quyết, anh cũng bất lực nên quay sang giận vợ, cho rằng em không chịu hiểu và chia sẻ với anh.
Em thực sự bế tắc và ấm ức. Chồng em rất thương vợ con, nhưng cũng không thể từ chối chăm lo cho các em, vì điều này đã thấm vào tư tưởng của anh và cả nhà anh. Em cũng không thể bỏ chồng chỉ vì chuyện này, nhưng tâm trạng em không thoải mái.
Nguyệt Ánh (TPHCM)
|
Ảnh minh họa |
Nguyệt Ánh mến,
Ở đây ta không đánh giá việc phải lo cho em chồng là đúng hay sai, bởi điều này phụ thuộc rất lớn vào văn hóa gia đình. Ở một gia đình như nhà chồng em, nếu chồng em “thoát ly” cam kết đó, có khi anh ấy lại khổ tâm, không yên lòng nổi. Em biết anh không thể từ chối chăm lo cho các em, bản thân em cũng không thể bỏ chồng vì điều này. Vậy, hãy xem đó là một sự thật mình cần đối diện để tìm cách giải quyết.
Trước mắt, em hãy cùng chồng tìm cách để chủ động hơn về tài chính, xác định lại những kế hoạch tương ứng với các khoản chi phí mà vợ chồng cần đảm bảo. Trong đó gồm các loại phí hiện có của gia đình, chi phí chăm lo cho nhà chồng (nuôi em chồng ăn học), các khoản tiền cho kế hoạch mua nhà, sinh thêm con. Tất cả cần cụ thể hóa thành các con số.
Sau khi đã có con số cụ thể, hãy biến chúng thành mục tiêu để tìm cách giải quyết. Ví dụ, hãy cân nhắc việc kiếm thêm thu nhập. Điều này không dễ nhưng không phải là bất khả. Hãy xem xét khả năng tăng thu nhập của tất cả người trong cuộc, gồm vợ chồng em và các em chồng.
Với vợ chồng em, đó có thể là một cơ hội thay đổi công việc, tăng lương hoặc cơ hội làm thêm mà trước nay em không để ý - giờ hãy xem xét chúng. Với em chồng, hãy động viên các em ấy làm thêm để có thể san sẻ một phần chi phí. Cậu em giữa có thể chưa ổn định công việc để lo toàn bộ chi phí cho em út, nhưng một khi đã ra trường thì ít nhất em ấy cũng đi làm, có một khoản lương. Vậy, hãy giao cho em ấy lo liệu một phần chi phí của em út.
Từng phần trong phương án trên đều sẽ giải quyết bớt gánh nặng tài chính cho vợ chồng em. Ví dụ, em giữa có thể lo cho em út mỗi tháng 2 triệu đồng, em út làm thêm kiếm được mỗi tháng 2 triệu đồng, vậy phần của vợ chồng em chỉ còn 3 triệu đồng. Vợ chồng cố gắng kiếm thêm thu nhập, vén khéo ở những khoản có thể, sẽ bớt áp lực.
Quan trọng nhất là ở tâm thế chủ động. Với những điều em biết là không thể ngoảnh mặt, hãy tìm cách để chủ động, mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều. Chúc vợ chồng em vững vàng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và gìn giữ sự yên vui trong gia đình.
Theo phụ nữ TPHCM